Cảnh giác trước thông tin 'đổi hộ chiếu, căn cước công dân'
Gần đây, lợi dụng việc sáp nhập địa giới hành chính, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông tin phải đổi hộ chiếu, căn cước công dân, từ đó mời chào người dân làm lại với mức chi phí cao.
Tuy nhiên, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an thành phố Hà Nội) khẳng định, thông tin trên là không chính xác, đồng thời khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, không nghe lời mời chào, dẫn dụ của các đối tượng.

Làm thủ tục cấp hộ chiếu cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội - chi nhánh số 1. Ảnh: Quang Thái
Nhiều thông tin mập mờ
Mấy ngày qua, trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, nhiều người bày tỏ lo lắng sẽ gặp trục trặc khi đi nước ngoài nếu không làm lại hộ chiếu và căn cước công dân. Không ít tài khoản đã mập mờ tung tin là tuy không bắt buộc, nhưng cần làm lại cho đỡ phức tạp. Cụ thể, tài khoản TikTok Mai Thùy liên tục mời chào: "Nhiều người thắc mắc: Có cần làm lại căn cước, hộ chiếu sau khi sáp nhập tỉnh? Câu trả lời là không bắt buộc nhưng có thể chủ động đổi nếu có nhu cầu". Dưới bài viết là các bình luận bày tỏ lo lắng, nhắn tin hỏi các thủ tục làm lại hộ chiếu. Tài khoản Facebook Hiên Nguyễn cũng thường xuyên đăng thông tin không rõ ràng: "Với khách đã có hộ chiếu, nếu có nhu cầu xin cấp đổi lại nơi sinh theo tỉnh/thành phố mới, nhắn em hỗ trợ đổi số mới, điện thoại 076818...". Tài khoản Ngọc Trang cũng đăng quảng cáo dịch vụ làm hộ chiếu nhanh với các thủ tục đơn giản, đặc biệt sẵn sàng làm lại hộ chiếu còn hạn để tránh phiền hà khi đi nước ngoài.
Trước các thông tin có thể gặp phiền hà khi đi nước ngoài nếu không làm lại hộ chiếu, chị Bùi Lan Hương, phường Từ Liêm cho biết, chị đã hỏi dịch vụ làm hộ chiếu nhanh trên mạng thì được biết không bắt buộc, nhưng nên làm lại để khi sang nước ngoài, đỡ phải giải trình về việc địa giới hành chính cũ hay mới. Nghe thông tin trên, chị rất hoang mang nên dù còn hạn 3 năm, chị vẫn quyết định làm lại hộ chiếu và căn cước công dân.
Trong khi đó, lợi dụng việc sáp nhập địa giới hành chính, một số tài khoản cũng theo đà tăng giá dịch vụ. Tài khoản Facebook “Làm hộ chiếu nhanh Hà Nội” đăng rõ: "Từ ngày 1-7, sau khi sáp nhập tỉnh, thành, giá dịch vụ có thay đổi chút, mọi người có nhu cầu làm dịch vụ hộ chiếu lấy ngay, vui lòng nhắn tin số 0919250...". Tài khoản Hộ chiếu Online, số điện thoại 0349877... luôn mời chào làm hộ chiếu với giá trung bình là 300.000 đồng, nếu làm nhanh từ 2 đến 4 ngày, giá dao động từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng.
Đối với việc làm lại căn cước công dân, theo Bộ Công an, khi có sự thay đổi về đơn vị hành chính, công dân sẽ được miễn lệ phí cấp đổi. Tuy nhiên, tài khoản Nguyễn Quỳnh lại cho biết, buộc phải chi 1 triệu đồng để làm gấp dịch vụ cấp lại căn cước công dân. Tài khoản Người tham gia ẩn danh 573 cũng cho hay, mức giá làm căn cước công dân trong giai đoạn mới sáp nhập đắt hơn bình thường, khoảng 500.000 đồng do số lượng người xếp hàng đông.
Nâng cao cảnh giác
Liên quan đến phản ánh của người dân, đại diện Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, không có quy định nào bắt buộc phải đổi hộ chiếu nếu vẫn còn thời hạn sử dụng hợp lệ. Nhằm cảnh báo, khuyến cáo cho người dân, ngày 28-6-2025, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã đăng bài: Không bắt buộc đổi hộ chiếu sau khi sáp nhập địa giới hành chính trên fanpage “Công an thành phố Hà Nội”, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, giúp người dân nâng cao cảnh giác. Theo đó, người dân không cần cập nhật thông tin liên quan đến đơn vị hành chính trong hộ chiếu đã cấp, không cần thiết phải đổi hộ chiếu chỉ vì địa phương nơi đăng ký hộ khẩu thường trú được đổi tên hoặc sáp nhập. Hộ chiếu hiện tại vẫn có hiệu lực sử dụng đến hết thời hạn, không cần điều chỉnh hay cấp lại.
Theo quy định hiện hành, hộ chiếu chỉ cần cấp đổi trong một số trường hợp: Khi hết hạn sử dụng; bị mất, rách, hư hỏng hoặc khi có nhu cầu cập nhật thông tin cá nhân như thay đổi họ tên, giới tính, nơi cư trú… Việc thay đổi nơi cư trú không bắt buộc phải đổi hộ chiếu, mà phụ thuộc vào nhu cầu của công dân. Đặc biệt, với căn cước công dân, người dân cũng không phải làm thủ tục cấp đổi. Hiện nay, tất cả các thông tin của công dân đã được điều chỉnh trên VNeID để giải quyết các thủ tục hành chính.
Về vấn đề này, Luật sư Vũ Văn Toàn, Công ty TNHH Luật Tản Viên Sơn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, tại Điều 10, Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19-2-2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước nêu rõ: Văn bản, giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành, cấp trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà chưa hết hiệu lực hoặc chưa hết thời hạn sử dụng, thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng theo quy định của pháp luật cho đến khi hết thời hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan, người có thẩm quyền. Không được yêu cầu tổ chức, cá nhân làm thủ tục cấp đổi giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước khi các giấy tờ này chưa hết thời hạn sử dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác…
Sau khi mô hình chính quyền 2 cấp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2025, UBND thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành không được yêu cầu người dân phải điều chỉnh thông tin trên căn cước công dân… Chỉ những trường hợp hết hạn, đến hạn phải làm thủ tục cấp đổi lại thẻ căn cước, thì người dân mới nên đi làm thủ tục thay đổi. Người dân cần nâng cao cảnh giác, không chia sẻ, tin theo các thông tin chưa kiểm chứng để mất thời gian và tiền bạc.