Cảnh giác với các loài cá biển gây ngộ độc
Sự việc 8 người ở huyện Phúc Thọ, (Hà Nội) sau khi ăn nhiều món được chế biến từ cá chình phải nhập viện cấp cứu với biểu hiện ngộ độc như một lời cảnh báo về nguy cơ sinh độc tố ở một số loài cá biển. Do đó, nếu không may ăn phải các loài cá này, việc nhận biết sớm dấu hiệu ngộ độc là vô cùng quan trọng.
Những loại cá có nguy cơ gây độc
Nằm điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), chị H.T.M (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) không giấu được sự mệt mỏi, gương mặt ủ rũ, đầu vẫn đau như búa bổ. Chị M kể lại: “Có bạn ở xa đến chơi nên chúng tôi rủ nhau ra nhà hàng ăn uống. Toàn bộ các món ăn hôm đó đều được chế biến từ cá chình như cá chình nướng, om... Trước đây, tôi chưa từng ăn món này. Vài giờ sau ăn, tôi bắt đầu cảm thấy cơ thể khó chịu, buồn nôn, người đau ê ẩm, đi ngoài liên tục. Sau đó, tôi bắt đầu sốt nóng rồi sốt rét lẫn lộn; tay, chân có cảm giác tê liệt, hàm đơ cứng khó cử động”.
Sau khi được cấp cứu ở tuyến dưới, chị M được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán ngộ độc cá chình. Gần giường bệnh của chị M là chị P.T.B cũng là một trong những người có mặt trong bữa liên hoan cá chình hôm đó. Sau bữa ăn, chị B bị nôn nhiều và cũng xuất hiện các triệu chứng đau mỏi cơ, chân tay yếu, hàm đơ cứng, lưỡi tê dại…
“Khi thấy xuất hiện triệu chứng bất thường, tôi đã gọi điện hỏi thăm những người ăn cùng thì nhận thấy, tất cả đều có biểu hiện tương tự. Hiện trong số 9 người tham gia bữa ăn hôm đó đã có 8 người phải nhập viện. Người còn lại có biểu hiện nhẹ hơn nên theo dõi tại nhà”, chị B nói.
Hiện Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận điều trị cho 3 bệnh nhân bị ngộ độc cá chình trong số 9 người kể trên. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, ngộ độc cá chình là loại ngộ độc phổ biến nhất trong số ngộ độc hải sản. Các nghiên cứu đã chỉ ra, trong cá trình thường chứa độc tố ciguatera. Độc tố này không phải sẵn có trong cá mà nguồn gốc do tảo biển sinh ra, chủ yếu là tảo Gambierdicus toxicus. Các loài tảo này là thức ăn của nhiều loài cá ăn thực vật (cá nhỏ). Các loài cá nhỏ lại là thức ăn của cá lớn hơn như cá chình. Độc tố ciguatera đi vào chuỗi thức ăn và tích lũy trong thịt cá lớn. Loại độc tố này có đặc điểm không mùi, không vị, không bị phá hủy khi đun nấu và bền vững trong môi trường a xít.
Các loài cá chứa độc tố ciguatera phân bố rộng rãi trên toàn bộ các vùng biển, từ 35 vĩ độ Bắc xuống 34 vĩ độ Nam, tập trung nhiều nhất ở vùng biển Caribe và Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Hiện nay, với xu hướng nhập khẩu các loài cá làm thực phẩm gia tăng, ngộ độc ciguatera cũng tăng lên. Ngoài cá chình, cá biển chứa độc tố ciguatera thường gặp là các loài cá ở rạn san hô như: Cá nhồng, cá hồng, cá tầm, cá cháo, cá cam, cá mú, cá mó, cá vược, cá mập (gan cá), cá dọn vệ sinh sọc lam…
Tại Trung tâm Chống độc những năm gần đây, số lượng người bệnh được phát hiện tăng rõ, gặp nhiều nhất trong các trường hợp ngộ độc thực phẩm do độc tố từ biển. Ngộ độc có thể riêng lẻ nhưng thường thành từng nhóm sau khi đi du lịch cùng nhau có ăn hải sản, ăn hải sản tại các nhà hàng hoặc mua các loại cá nhập khẩu về ăn.
Dấu hiệu nhận biết cá biển gây ngộ độc
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cá chình là thức ăn khá phổ biến và không nhiều người để ý về nguy cơ gây độc. Tuy nhiên, trên thực tế, loại hải sản này lại gây ngộ độc nhiều nhất, nhiều hơn cả cá nóc. Các bệnh nhân ngộ độc cá chình ở giai đoạn cấp thường có các triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, phần lớn xuất hiện trong 2-6 giờ đầu sau khi ăn.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu tim mạch, loạn nhịp tim. Sau khi có các biểu hiện ngộ độc về đường tiêu hóa, thường các bệnh nhân sẽ có biểu hiện liên quan tới thần kinh, bao gồm: Tê, ngứa ran ở bàn tay, bàn chân, vùng miệng, đau cơ, mệt mỏi. Một số người rối loạn cảm nhận về thay đổi nhiệt độ nóng, lạnh. Chẳng hạn như nhiệt độ bên ngoài lạnh, người bệnh lại thấy nóng và ngược lại…
Theo các bác sĩ, ngoài ra còn có các triệu chứng thần kinh khác có thể gặp phải như lo lắng, trầm cảm, thậm chí mất trí nhớ. Một số trường hợp có thể thay đổi trạng thái tâm thần như ảo giác, ham chơi, hôn mê… Triệu chứng ngộ độc ở mức độ khác nhau phụ thuộc vào độc tố ở các khu vực địa lý khác nhau. Trường hợp tử vong ít gặp nhưng có thể xảy ra do suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, co giật hoặc loạn nhịp tim.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên ăn nhiều loài cá chứa độc tố ciguatera. Khi có các biểu hiện ngộ độc, người bệnh mới ăn trong vài giờ thì cho uống than hoạt tính liều 1g/kg cân nặng, pha uống 1 lần. Sau đó, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Để hạn chế ngộ độc thực phẩm do ăn cá biển, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), người dân cần lựa chọn cá biển tươi, an toàn dựa vào các đặc điểm quan sát. Chẳng hạn, mắt cá tươi hơi lồi, giác mạc trong suốt, đồng tử đen, sáng. Mắt cá ươn phẳng hoặc lõm, giác mạc đục, đồng tử mờ đục…
Ngoài ra, mang cá tươi có màu đỏ tối hoặc đỏ sáng, dịch nhớt trong mờ, không mùi, nắp mang khép chặt. Còn cá ươn thì mang nâu đỏ sẫm đến nâu nhợt, dịch nhớt mờ đục hoặc xám nhạt, có chất bẩn bám trên mang. Dùng tay ấn nhẹ vào thịt cá, đặc biệt là phần gần bụng cá, nếu thấy rắn chắc, có độ đàn hồi tốt, không để lại vết ấn của ngón tay thì cá còn tươi…
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/canh-giac-voi-cac-loai-ca-bien-gay-ngo-doc-635916.html