Bao gồm 9 thành viên, Hội đồng Hiến pháp là cơ quan có nhiệm vụ bảo đảm các nguyên tắc và quy định của hiến pháp Pháp được tuân thủ, theo Guardian. Trong ảnh, hai hiến binh đứng gác trước trụ sở cơ quan trên tại thủ đô Paris.
Vào chiều muộn ngày 14/4, Hội đồng Hiến pháp sẽ ra phán quyết về tính hợp pháp của kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu gây tranh cãi mới được giới chức Pháp ban hành. Trước đó, Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne đã đề nghị cơ quan trên xem xét điều luật.
Các xe cảnh sát Pháp trực tại hiện trường. Nếu điều luật được Hội đồng Hiến pháp phê duyệt, nó có thể được ký thành luật và có hiệu lực ngay từ cuối năm nay.
Chính phủ Pháp kỳ vọng phán quyết sẽ giúp chấm dứt các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần qua trên khắp nước Pháp, vốn đã khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều xáo trộn.
Trước đó, chính quyền của Tổng thống Macron bị phản đối gay gắt vì tìm cách thông qua kế hoạch tăng tuổi hưu mà không cần sự phê duyệt của Quốc hội - nhờ vào một điều khoản gây tranh cãi trong hiến pháp Pháp. Phe phản đối cho rằng đây là động thái thiếu dân chủ.
Lực lượng cảnh sát đụng độ với người biểu tình tại Paris. Chính phủ Pháp lập luận rằng tăng tuổi hưu là cách cứu vãn hệ thống an sinh xã hội, vốn chịu nhiều áp lực khi dân số già đi.
Giới chức Pháp cấm tuần hành trên đường phố bên ngoài trụ sở Hội đồng Hiến pháp, buộc một số ga tàu điện ngầm đóng cửa, cũng như dựng nhiều vật chắn ở hiện trường.
Tuy vậy, các cuộc biểu tình vẫn nổ ra gần trụ sở cơ quan trên ngày 14/3. Trong ảnh, sinh viên Pháp giương biểu ngữ phản đối chính phủ.
Ngoài Paris, biểu tình còn nổ ra ở nhiều thành phố khác trên khắp nước Pháp. Một số khu vực tại Le Havre, Strasbourg hay Lille đã bị người biểu tình phong tỏa.
Việt Hà
Ảnh: Reuters.