Canh tác hồ tiêu bền vững
Bên cạnh cây cao su, điều và nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, Bình Phước còn là thủ phủ của cây hồ tiêu khi diện tích hiện có gần 13 ngàn héc-ta, trải đều ở các địa phương. Trong đó, diện tích nhiều nhất là các huyện: Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Đồng Phú và Bù Đăng. Đáng chú ý, sau những thăng trầm do giá cả biến động lên xuống thất thường, những hộ trồng tiêu trụ vững đến nay phần đông đều kiên nhẫn canh tác cây tiêu theo hướng hữu cơ bền vững.
Tiêu 15 năm tuổi vẫn cho năng suất cao
Trước đây, ở thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp, nhà nhà trồng tiêu, nay chỉ còn vài hộ. Phần do giá xuống thấp, phần do canh tác vườn cây theo lối truyền thống, sử dụng nhiều phân hóa học, cây có tuổi thọ ngắn. Thế nhưng, những hộ duy trì và gắn bó được với cây tiêu đều có diện tích tương đối lớn. Ấn tượng nhất là hộ bà Nguyễn Thị Liên ở thị trấn Thanh Bình hiện vẫn duy trì được vườn tiêu trên 15 năm tuổi với 3.000 nọc. Cây xanh tốt, năng suất đạt bình quân từ 2,5-3kg/nọc. Vườn tiêu rộng lớn nhưng chỉ có khoảng 50 nọc bị chết. Đây là kết quả có được nhờ áp dụng quy trình trồng, chăm sóc vườn tiêu theo hướng hữu cơ bền vững.
![Vườn tiêu của gia đình bà Liên tuy đã 15 năm tuổi nhưng vẫn xanh tốt, cho năng suất cao](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_415_51458756/6cad9bd3ac9d45c31c8c.jpg)
Vườn tiêu của gia đình bà Liên tuy đã 15 năm tuổi nhưng vẫn xanh tốt, cho năng suất cao
Bà Liên chia sẻ: “Vườn tiêu của gia đình được sự hướng dẫn chăm sóc của cán bộ khuyến nông huyện. Cán bộ về tận vườn khuyên gia đình chăm bón cây bằng phân chuồng, phân hữu cơ, vi sinh. Lúc mới canh tác theo hướng hữu cơ, năng suất không cao, nhưng bù lại cây phát triển tốt và cho năng suất ổn định. Hạt tiêu nhờ vậy chắc và nặng hơn so với canh tác truyền thống”.
Thạc sĩ Đỗ Hữu Đức, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp cho hay: Tiêu thuộc họ dây leo dễ mẫn cảm với tác động từ bên ngoài. Do đó, nếu bón phân hóa học, cây phát triển nhanh nhưng cũng suy nhanh, không có độ bền. Khi tác động vào bộ rễ, cây bị tổn thương, sâu bệnh dễ tấn công dẫn đến nguy cơ làm cây chết và giảm năng suất.
Theo đánh giá của Thạc sĩ Đỗ Hữu Đức, hộ bà Liên là một điển hình về canh tác tiêu theo hướng hữu cơ tại địa phương. Có giai đoạn bị khô hạn nhưng vườn tiêu của gia đình bà Liên vẫn phát triển xanh tốt, năng suất ổn định. Nhiều năm qua, trung tâm thường chọn vườn tiêu này và 2-3 mô hình khác để triển khai các hội thảo đầu bờ, hướng dẫn, chia sẻ phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ cho người trồng tiêu trong huyện.
“Trồng tiêu theo hướng hữu cơ mang lại nhiều lợi ích, dùng một lượng rất ít phân, thuốc hóa học, đất không bị chai, giữ được độ tơi xốp, màu mỡ, tạo độ bền cho cây phát triển. Đồng thời sức khỏe của nông dân được bảo vệ tốt, sản phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” - bà Liên chia sẻ.
Tạo nguồn thu kép
Ở huyện Đồng Phú, trồng tiêu để phát triển kinh tế gia đình cũng là lựa chọn của nhiều nhà nông. Thế nhưng, để cây tiêu phát triển bền vững, hạn chế sâu bệnh hại, cho năng suất cao, kết hợp trồng xen và áp dụng nhiều giải pháp hữu hiệu để tăng giá trị trên cùng một diện tích, thì hộ anh Dương Văn Phê ở ấp 4, xã Tân Lập là một điển hình.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_415_51458756/4403b77d8033696d3022.jpg)
![Với 1 ha bí đỏ trồng xen lấy ngọn trong vườn tiêu, gia đình anh Dương Văn Phê, ấp 4, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú thu về bình quân gần 1 triệu đồng/ngày](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_415_51458756/a506547863368a68d327.jpg)
Với 1 ha bí đỏ trồng xen lấy ngọn trong vườn tiêu, gia đình anh Dương Văn Phê, ấp 4, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú thu về bình quân gần 1 triệu đồng/ngày
Gắn bó với cây tiêu từ năm 1996, đến nay, anh Phê đã có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư, chăm sóc vườn tiêu hơn 7.000 nọc. Điều đặc biệt ở người nông dân này là trồng tiêu cả ở tỉnh Đắk Nông và Bình Phước. Chính vì canh tác tiêu ở 2 điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu hoàn toàn khác nhau nên anh Phê đã biết rút kinh nghiệm và phát huy ưu điểm của từng địa phương vào vườn tiêu của gia đình.
![Vườn tiêu của gia đình anh Dương Văn Phê (bìa phải) được đầu tư, chăm sóc theo hướng hữu cơ, quanh năm xanh tốt, cho năng suất cao, đứng đầu xã Tân Lập cũng như huyện Đồng Phú](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_415_51458756/3098cfe6f8a811f648b9.jpg)
Vườn tiêu của gia đình anh Dương Văn Phê (bìa phải) được đầu tư, chăm sóc theo hướng hữu cơ, quanh năm xanh tốt, cho năng suất cao, đứng đầu xã Tân Lập cũng như huyện Đồng Phú
Anh Phê khẳng định: Tiêu là cây trồng khó tính, không chống chịu được ngập úng nhưng lại rất cần nước. Vì thế, khi trồng hồ tiêu hữu cơ, các loài cỏ dại mọc đầy vườn sẽ giúp giữ độ ẩm trong đất. Nguồn phân hữu cơ được bón đủ liều lượng sẽ cung cấp chất dinh dưỡng và cũng là môi trường thích hợp giúp cây tiêu có sức sống dài lâu, hạt chắc, cay và thơm ngon.
Vườn tiêu rộng lớn của hộ anh Phê trồng 2 giống tiêu Vĩnh Linh và Ấn Độ. Canh tác theo hướng hữu cơ nên anh dùng phân hữu cơ để bón cho cây. Toàn bộ nọc tiêu đều là cây lồng mức sống. Thay vì để chiều cao mỗi trụ tiêu từ 3-4m, anh Phê để cao 5m. Trụ tiêu phát triển sum suê, năng suất bình quân đạt hơn 5kg/trụ và 1 ha thu về từ 7-9 tấn tiêu khô.
![Cỏ dại trong vườn tiêu của anh Phê được khống chế bằng máy cắt cỏ, không tác động vào bộ rễ, làm ảnh hưởng đến cây tiêu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_415_51458756/25dddba3eced05b35cfc.jpg)
Cỏ dại trong vườn tiêu của anh Phê được khống chế bằng máy cắt cỏ, không tác động vào bộ rễ, làm ảnh hưởng đến cây tiêu
“Sau nhiều năm làm nông nghiệp, tôi thấy Bình Phước vẫn là vùng đất phì nhiêu, rất tốt. Khi cây tiêu đang thời điểm ra bông, nếu nhiệt độ thích hợp sẽ đậu trái nhiều; ngược lại, gặp thời tiết bất lợi, nắng hoặc mưa nhiều sẽ bị cào cào (thưa hạt). Cách xử lý là tăng cường bón phân sinh học, hữu cơ để dưỡng bông. Nếu mưa nhiều, gốc bị thấp, úng phải móc ra; nắng thì mình đi tấp gốc lại” - anh Phê chia sẻ.
Trên nền đất trồng tiêu, xen cây lạc dại để dụ thiên địch và giữ độ ẩm là lựa chọn phổ biến của nhiều hộ trồng tiêu. Thế nhưng, anh Phê đã mạnh dạn trồng xen canh cây bí đỏ để bán ngọn rau. Sau 2 tháng trồng, bí sẽ cho thu hoạch kéo dài hơn 3 tháng. Giá bán lẻ từ 40-45 ngàn đồng/kg và giá sỉ 25 ngàn đồng/kg, gia đình anh Phê có thêm thu nhập gần 1 triệu đồng/ngày, bằng, thậm chí cao hơn nguồn thu từ 1 ha cao su đang cho khai thác. Sau khi thu hoạch xong, những bộ phận còn lại của cây bí được cắt và vun vào gốc để giữ độ ẩm, bổ sung chất hữu cơ cho vườn tiêu.
Trên địa bàn xã hiện còn khoảng 100 ha tiêu đang cho khai thác. Vườn tiêu của hộ anh Dương Văn Phê là mô hình điểm của địa phương. Ngoài quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ, tôi đặc biệt ấn tượng với cách trồng xen bí đỏ cho lấy ngọn trong vườn tiêu của gia đình anh Phê. Tiêu sạch, rau cũng sạch, quan trọng là có thêm nguồn thu rất cao. Cây bí giúp tăng độ ẩm, dụ thiên địch, khi thanh lý lại thành phân cho tiêu. Đây có thể xem là một trong những mô hình trồng tiêu hiệu quả để bà con học hỏi, vận dụng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập Nguyễn Văn Chuyển
Mặc dù canh tác hàng ngàn nọc tiêu ở 2 tỉnh với khoảng cách xa hàng trăm kilômét, nhưng nhờ lắp hệ thống camera khắp vườn nên mọi lúc, mọi nơi, anh Phê đều có thể theo dõi, quản lý được vườn tiêu. Với cách trồng, quản lý vườn tiêu khoa học, hợp lý, anh Phê đã tạo ra một mô hình mang lại nhiều lợi ích từ trồng tiêu.
Hiện giá tiêu khô trên thị trường dao động ở mức cao, hơn 156 ngàn đồng/kg. Trong đó, tiêu canh tác theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP luôn có giá cao hơn hẳn. Giá tiêu tăng trở lại cũng tạo động lực để người trồng đầu tư, chăm sóc vườn tiêu, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe, nâng cao thu nhập cho nông dân, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và góp phần phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/169073/canh-tac-ho-tieu-ben-vung