Cạnh tranh đón đại bàng: Việt Nam 'cầm vàng đừng để vàng rơi'

'Có khoảng 13-14 dự án FDI quy mô lớn thuộc các lĩnh vực bán dẫn, AI... đang được các bộ ngành thương thảo với các tập đoàn FDI lớn, trong đó một số dự án được thực hiện trong 2024', đó là tiết lộ của GS.TS. Nguyễn Mại (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - VAFIE) trong cuộc trò chuyện với PV.

Theo FDI Markets, đảo Sumatra (Indonesia) là khu vực ghi nhận tăng trưởng FDI cao nhất toàn cầu trong năm 2023 với 13 tỷ USD cam kết đầu tư cho 13 dự án FDI, tăng từ mức chỉ 1 dự án vào năm 2022. Đứng thứ hai là vùng Calabarzon, phía Nam thủ đô Manila, Philippines nhờ hàng loạt dự án vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi và chip bán dẫn. Tỉnh Bình Dương (Việt Nam) đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách này, nhưng kém Sumatra và Calabarzon khá xa về cả tăng trưởng dự án và tăng trưởng lượng vốn đầu tư (xem biểu đồ).

Những con số này không đại diện cho toàn bộ bức tranh thu hút FDI trong khu vực, nhưng phần nào phản ánh sức hút đầu tư của các quốc gia ASEAN. Từ tháng 12/2023 đến nay, khu vực này liên tục đón CEO của 3 tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới ghé thăm: Nvidia, Apple và Microsoft. Những chuyến thăm mở đường cho hàng loạt khoản đầu tư giá trị.

Tháng 4 vừa qua, Nvidia cho biết sẽ xây trung tâm AI trị giá 200 triệu USD tại Indonesia. Ngay sau đó, hôm 23/4, Nvidia và FPT công bố hợp tác chiến lược toàn diện đầu tư 200 triệu USD xây dựng nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory) tại Việt Nam. Microsoft trong tuyên bố ngày 1/5 đã cam kết đầu tư 2,2 tỷ USD trong 4 năm vào lĩnh vực AI và điện toán đám mây để giúp Malaysia phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Apple mở ra khả năng xây nhà máy ở Indonesia…

Vì sao là ASEAN? Có thể kể đến những ưu thế nổi bật của khu vực này: hầu hết quốc gia có nền chính trị ổn định, vị trí địa chính trị chiến lược, thị trường 655 triệu dân với cơ cấu dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định (dự báo đạt 4,7% trong năm 2024 theo Ngân hàng Phát triển châu Á), nguồn lao động giá rẻ với tay nghề ngày một nâng cao, nhiều ưu đãi và trợ cấp từ Chính phủ ...

Khi FDI công nghệ cao đổ về ASEAN và các quốc gia trong khu vực nỗ lực nắm bắt cơ hội, Việt Nam cảm nhận rõ sức nóng của cuộc cạnh tranh hút FDI thế hệ mới. Đầu năm nay, việc tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ - Intel - quyết định đầu tư vào Malaysia dù ban đầu dự kiến mở rộng nhà máy tại Khu công nghệ cao TP HCM là một minh chứng rõ ràng.

Đón “đại bàng” và tham vọng chia phần miếng bánh tỷ đô

“Có khoảng 13-14 dự án FDI quy mô lớn thuộc các lĩnh vực bán dẫn, AI... đang được các bộ ngành thương thảo với các tập đoàn FDI lớn, trong đó một số dự án được thực hiện trong 2024”, đó là tiết lộ của GS.TS. Nguyễn Mại (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - VAFIE) trong cuộc trò chuyện với PV.

Vị chuyên gia cho rằng lợi thế quốc gia của Việt Nam trong thu hút FDI đến từ nhiều yếu tố: ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, vị trí địa chính trị chiến lược, hàng loạt FTA thế hệ mới…

Đáng chú ý, trong tương lai, việc khai thác nguồn tài nguyên đất hiếm được ông đánh giá là lợi thế riêng, kỳ vọng trở thành “át chủ bài” của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh hút FDI chất lượng cao, đặc biệt là vào lĩnh vực bán dẫn. Trữ lượng đất hiếm - loại nguyên vật liệu quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, phát triển vi mạch và điện tử - tại Việt Nam ước tính lên tới 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới và bằng một nửa Trung Quốc.

“Thị trường bán dẫn thế giới hiện nay phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc (khoảng 80%), Việt Nam tham gia xuất khẩu đất hiếm chắc chắn sẽ làm cho cán cân trên thị trường đất hiếm thế giới thay đổi. Rất nhiều quốc gia phát triển từ Mỹ, EU, Hàn Quốc… đều đang kỳ vọng Việt Nam trở thành nguồn cung đất hiếm lâu dài cho ngành bán dẫn thế giới. Năm ngoái, nhiều tập đoàn Mỹ đã tới Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư trong ngành đất hiếm cũng như bán dẫn”, GS Nguyễn Mại cho hay.

Tuy nhiên, ông Mại khẳng định trong cuộc cạnh tranh thu hút FDI khốc liệt hiện nay, chúng ta không thể mãi "nằm ngủ" với thông điệp "Việt Nam là điểm đến hứa hẹn của các nhà đầu tư nước ngoài". Nhất là khi những quốc gia ASEAN như Indonesia, Malaysia, Thái Lan đang tỏ ra nhỉnh hơn Việt Nam trong nhiều yếu tố từ chất lượng nguồn nhân lực, giá thuê nhân công… cho đến yếu tố hạ tầng hay chính sách hỗ trợ, trợ cấp trực tiếp hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Ở góc nhìn nhà đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) Hong Sun nhận định Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến tiềm năng cho dòng vốn FDI công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn. Tờ Nikkei Asia từng đánh giá trong khi Singapore là trung tâm sản xuất quan trọng với chuỗi sản xuất bán dẫn hoàn chỉnh nhất khu vực ASEAN; Malaysia chiếm một nửa công suất đóng gói và thử nghiệm chip quan trọng với sự hiện diện của 50 tập đoàn bán dẫn đa quốc gia; Thái Lan được xem như “sân sau” của các hãng chip Nhật Bản thì Việt Nam được kỳ vọng trở thành một trung tâm quan trọng cho các nhà phát triển chip.

Hiện Việt Nam có khoảng 40 công ty trong ngành công nghiệp bán dẫn, đa số là doanh nghiệp FDI. Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc và thế giới như Intel, Samsung, Hana Micron Vina, Amkor Technology… đang quan tâm đến cơ hội đầu tư vào ngành bán dẫn Việt Nam với những dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp…

“Cơ hội dành cho Việt Nam trong chiếc bánh tỷ đô này rất lớn. Song, không dễ để Việt Nam trở thành "bến đỗ" mới cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu nếu không có một sự chuẩn bị mang tính nền tảng”, đại diện KOCHAM nhấn mạnh. Ông Hong Sun nhắc đến hai yếu tố hạn chế mà Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm cải thiện nếu muốn đón sóng FDI thế hệ mới cũng như trở thành “cứ điểm” của nhiều tập đoàn bán dẫn; là vấn đề nguồn nhân lực và hạ tầng điện.

“Ngành bán dẫn và các ngành công nghệ cao nói chung cần nguồn cung ứng điện 24/24. Còn về nguồn nhân lực, hiện có một số ngành công nghệ cao mà Việt Nam bây giờ mới đào tạo người, có những ngành đã đào tạo rồi nhưng chưa đủ, nếu có dự án ngay thời điểm thì cũng không đủ nhân lực”, ông Hong Sun chia sẻ.

Từ góc độ chủ thầu bất động sản công nghiệp trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp FDI, ông Ngô Hữu Tiệp (Chủ tịch HĐQT Giza Group) cũng nhận định rằng Việt Nam tuy sở hữu nhiều lợi thế thu hút FDI công nghệ cao, nhưng lại đứng trước một số hạn chế hạ tầng và nguồn nhân lực.

Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đang thiếu quỹ đất sạch quy mô cho những dự án lớn, trong khi nhiều nhà đầu tư sang Việt Nam yêu cầu quỹ đất rất lớn từ vài chục đến vài trăm hecta. Về nguồn nhân lực, không chỉ nhân lực chất lượng trong các ngành công nghệ cao như bán dẫn đang thiếu mà ngay cả nguồn nhân công phổ thông, theo ông Tiệp cũng không thực sự dồi dào như trước vì hiện có quá nhiều dự án đầu tư thâm dụng lao động. “Sự cạnh tranh nhân công cũng đang đẩy cao mức lương chi trả. Thực tế lương mà các chủ đầu tư FDI phải chi trả cho nhân công Việt Nam trước đây thì bằng 1/3 Trung Quốc, bây giờ bằng khoảng 1/2 Trung Quốc và vẫn trên đà tăng lên”, ông Tiệp cho hay.

Đề xuất hỗ trợ chi phí cho “đại bàng” công nghệ cao làm tổ

Một diễn biến khác được các chuyên gia dự báo sẽ tác động đến triển vọng dòng vốn FDI là việc Quốc hội hồi tháng 11/2023 đã thông qua nghị quyết về việc áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024. Mức thuế suất áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất.

Tác động lớn nhất mà các chuyên gia quan ngại là sức cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam có thể bị giảm sút do những thay đổi của chính sách thuế. Tuy nhiên theo GS. Nguyễn Mại, khi ra quyết định đầu tư với các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, điều các tập đoàn công nghệ lớn họ quan tâm nhất không nhất thiết là ưu đãi thuế. 3 điều mà doanh nghiệp FDI quan tâm hơn khi lựa chọn đầu tư là thủ tục hành chính, các cơ chế đặc thù riêng với những dự án quy mô lớn và vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ.

“Họ tới Việt Nam đầu tư, quyết định ra rất nhanh và họ cũng muốn triển khai nhanh chóng. Do vậy để hút đầu tư, phải cố gắng rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép kinh doanh, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án. Tại Indonesia, Tổng thống hứa hẹn phê duyệt các dự án FDI lớn trong 10 ngày”, ông Mại cho hay.

Hiện Chính phủ cũng đang xây dựng các cơ chế ưu đãi khác để cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp sau khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực. Trong một đề xuất mới đây, nhóm chuyên gia Đại học Kinh tế Quốc dân gợi ý việc hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách tăng thêm các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm các khoản chi đào tạo nhân lực; chi phí nghiên cứu và phát triển; chi phí đầu tư trang thiết bị, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoặc chuyển giao công nghệ; chi bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, bao gồm nghiên cứu và ứng dụng…

* Trích Đặc san của Tạp chí điện tử Doanh Nhân Việt Nam

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/canh-tranh-don-dai-bang-viet-nam-cam-vang-dung-de-vang-roi.html