Cạnh tranh từ thương mại điện tử - Bài 2: Siết chặt quản lý để tạo môi trường cạnh tranh công bằng

Theo các chuyên gia kinh tế, việc các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới không tuân thủ pháp luật Việt Nam cần phải được xử lý mạnh tay để thị trường được công bằng, minh bạch trong thời đại kinh tế hội nhập.

Anh Lê Thanh Chí, ngụ ở Quận 3 mua đôi giày màu đen với giá 483.000 đồng (trên hình) nhưng khi anh muốn đổi hàng, trả hàng thì mất khá nhiều thời gian. Ảnh: NVCC

Anh Lê Thanh Chí, ngụ ở Quận 3 mua đôi giày màu đen với giá 483.000 đồng (trên hình) nhưng khi anh muốn đổi hàng, trả hàng thì mất khá nhiều thời gian. Ảnh: NVCC

Cạnh tranh không lành mạnh

Theo một số người tiêu dùng, giá sản phẩm trên các sàn TMĐT xuyên biên giới cực rẻ nhưng thực tế có nhiều sản phẩm có chất lượng “tiền nào của nấy”. Cụ thể, các sản phẩm thời trang thường có đường may rất thưa, dễ bung chỉ, mặc được vài lần bị sờn và dễ rách...; các sản phẩm đồ gia dụng như máy xay sinh tố, máy vắt cam... chỉ dùng được vài lần thì hỏng động cơ. Chưa kể, việc đổi trả hàng trên các sàn TMĐT xuyên biên giới cũng gặp không ít khó khăn.

Anh Lê Thanh Chí (ngụ ở Quận 3) cho biết, khi anh đổi trả hàng, sàn thương mại điện tử Temu đã yêu cầu liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng, cung cấp bằng chứng về sản phẩm bị lỗi hoặc không đúng mô tả, sau đó chờ hướng dẫn. Tuy nhiên, ngôn ngữ giao tiếp trên sàn này là tiếng Anh, tiếng Trung nên anh không trao đổi được. Một số điều khoản trong chính sách đổi trả cũng chưa rõ ràng như không ghi rõ thời gian hoàn thành quá trình đổi trả, yêu cầu sản phẩm đổi trả phải còn nguyên tem mác, không có dấu hiệu đã sử dụng... Sàn cam kết cho đổi trả trong vòng 15 ngày kể từ khi giao hàng nhưng có đơn hàng tới tay bên mua mất cả tuần nên thời gian còn lại rất ngắn.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội cao su, nhựa TP Hồ Chí Minh cho biết, các sản phẩm giá rẻ trên các sàn TMĐT xuyên biên giới chỉ có 3 dạng: Bị lỗi, xuất khẩu thừa và không theo quy chuẩn sản xuất an toàn. "Tuy nhiên, sự xuất hiện của chúng làm xáo trộn kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp ngành giày, dép, hàng tiêu dùng của Việt Nam", ông Nguyễn Quốc Anh khẳng định.

Các nhà bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất trong nước phải chịu nhiều chi phí trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Các nhà bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất trong nước phải chịu nhiều chi phí trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

"Thực tế có tình trạng nhà sản xuất trong nước nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc, sau đó dán nhãn thương hiệu Việt Nam và bán lại trên thị trường nội địa. Nhưng cách làm này cũng không hiệu quả bằng cách làm của các sàn TMĐT xuyên biên giới như Temu. Việc ngồi nhà mà vẫn mua được hàng quốc tế giá rẻ hơn 20 - 50% so với hàng trong nước, thời gian giao hàng chỉ vài ngày, miễn phí giao hàng và đổi trả khiến người tiêu dùng nào cũng thích. Cách thức mua bán mới này tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trên nhiều lĩnh vực vốn đang gặp khó khăn do chi phí sản xuất cao", ông Nguyễn Quốc Anh cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Hồ Văn Dũng, Giám đốc công ty sản xuất đồ gia dụng Hải Thắng cho biết, đang có sự quản lý không công bằng giữa hàng sản xuất trong nước với hàng giá rẻ từ nước ngoài thâm nhập qua các sàn TMĐT. "Các doanh nghiệp trong nước muốn khuyến mãi trên 50% phải xin phép, muốn xuất khẩu thì phải chỉn chu về xuất xứ, nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng, phải đóng thuế, phí... trong khi hàng giá rẻ từ nước ngoài lại nhập cảnh dễ dàng, khiến tiểu thương, đại lý cũng chuyển sang bán hàng nước ngoài. Với người tiêu dùng, sản phẩm nào rẻ thì ưu tiên mua, nhưng nguồn hàng giá rẻ từ nước ngoài về có chất lượng thấp và có thể chứa chất độc hại. Người tiêu dùng trong nước có thể dùng hàng vài lần rồi bỏ đi nhưng xã hội sẽ phải trả phí để xử lý nguồn rác thải rất lớn này", ông Hồ Văn Dũng nói.

Cần áp đặt thuế nhập khẩu

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội cao su, nhựa TP Hồ Chí Minh cho rằng, đang có sự bất công rõ rệt trong môi trường TMĐT. Trong khi các doanh nghiệp nội địa phải chịu nhiều loại thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất) thì hàng hóa từ các nước về qua các sàn TMĐT xuyên biên giới lại được hưởng ưu đãi về thuế, thậm chí không phải nộp thuế khi bán hàng vào Việt Nam. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước, làm mất cân bằng thị trường.

"Để tạo môi trường cạnh tranh công bằng, Chính phủ cần áp đặt thuế nhập khẩu đối với hàng nước ngoài được bán qua các sàn TMĐT nói chung", ông Nguyễn Quốc Anh đề nghị.

Mặt hàng gia dụng được bày bán khá nhiều tại các hệ thống bán lẻ của Việt Nam và có thể đổi, trả hàng hóa khi có lỗi từ nhà sản xuất.

Mặt hàng gia dụng được bày bán khá nhiều tại các hệ thống bán lẻ của Việt Nam và có thể đổi, trả hàng hóa khi có lỗi từ nhà sản xuất.

Cũng đề xuất xử lý mạnh tay với hành vi lũng đoạn thị trường, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội dệt may - thêu đan TP Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam đã có hành lang pháp lý về quản lý thương mại điện tử nhưng pháp lý chưa đồng bộ và chưa triển khai một cách ráo riết. Đặc biệt, nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn vẫn còn lúng túng, chạy theo thị trường. Tuy nhiên, với những sàn thương mại điện tử hoạt động không phép, hoạt động sai phạm thì phải xử phạt, có chế tài nghiêm minh.

"Thực ra chúng ta có các hàng rào thương mại, công cụ thuế cũng mạnh, nhưng có lẽ hành động chưa tới, chưa quyết liệt nên vẫn còn những trường hợp lách luật. Nếu phạt thật nặng, đánh thuế đầy đủ thì sẽ bít cửa hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả. Đây là thời điểm cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý, xử lý nghiêm các sàn vi phạm, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất nội địa. Cần phải mạnh tay xử lý với những doanh nghiệp lũng đoạn thị trường, bán phá giá để thị trường công bằng, minh bạch trong thời kinh tế hội nhập. Đối với doanh nghiệp Việt Nam muốn tăng sức cạnh tranh trên sân nhà có thể dùng thế mạnh về chất lượng để cạnh tranh nhưng cũng phải thay đổi mẫu mã sản phẩm, chế độ bảo hành hoặc đổi trả hàng, duy trì chính sách hậu mãi tốt nhất", ông Phạm Văn Việt cho biết.

Còn theo bà Trần Thị Bảo Thu, chủ thương hiệu Moon Corner, để giữ được vị thế cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các hộ kinh doanh, shop bán hàng quy mô vừa và nhỏ phải tăng cường xây kênh và phát triển đa kênh để tiếp cận hiệu quả ở tất cả các “điểm chạm” với khách hàng. Bên cạnh đó, chính sách chăm sóc khách hàng và hậu mãi tốt sẽ là phương thức marketing quan trọng để giữ chân khách hàng. Đặc biệt, sản phẩm phải khác biệt và độc đáo để tạo nên những giá trị riêng mà khách hàng không dễ tìm thấy hoặc so sánh với các shop hay sàn thương mại điện tử khác cũng là một hướng để nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Với lợi thế của doanh nghiệp Việt là đang kinh doanh trong nước mình, hiểu hành vi và nhu cầu người Việt Nam, hiểu văn hóa, lịch sử của đất nước mình nên việc phát triển các sản phẩm nội địa chất lượng, khác biệt, được bán thẳng đến tay người tiêu dùng Việt với giá tốt, chính sách marketing độc đáo và hậu mãi chu đáo thì sẽ vẫn có nhiều khả năng nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp mình”, bà Trần Thị Bảo Thu cho biết thêm.

Bài cuối: Doanh nghiệp Việt phải tìm kiếm cơ hội trên "sân nhà"

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/canh-tranh-tu-thuong-mai-dien-tu-bai-2-siet-chat-quan-ly-de-tao-moi-truong-canh-tranh-cong-bang-20241028211335087.htm