Cao điểm du lịch Hè: Du khách, lữ hành 'trốn bay,' cảnh giác lừa đảo online

Không chỉ du khách 'né bay' giữa cơn bão giá của ngành hàng không trong nước, đại diện nhiều đơn vị lữ hành cũng cho biết họ chọn làm mới sản phẩm du lịch với đường bộ để 'giảm tải' nhằm hút khách.

Xác định “né” đường bay để giảm tải chi phí cho chuyến nghỉ Hè Quảng Bình của gia đình, Thu Minh (Hà Nội) cho biết cô thậm chí đã phải mua vé tàu hỏa trước ngày khởi hành tới hai tháng, vì xác định dù là tàu hỏa nhưng nhu cầu đi lại dịp Hè của người dân sẽ rất lớn.

“Chỉ với 4 triệu đồng tôi đã bảo đảm được phương tiện di chuyển khứ hồi cho chuyến xê dịch của hai vợ chồng và hai đứa con. Tôi thấy quyết định mua vé sớm của mình thật sáng suốt. Bởi chỉ vài ngày sau quay trở lại tìm kiếm thông tin trên website đường sắt tôi đã thấy hết sạch vé chặng Hà Nội-Quảng Bình. Trên các hội nhóm mặc dù vẫn có nhiều người rao bán vé tàu và combo hành trình tôi chọn nhưng tất nhiên giá cao hơn nhiều,” Thu Minh nói.

Thực tế, để chuẩn bị cho kỳ nghỉ dài mùa Hè, không chỉ các gia đình, hội nhóm bạn bè, cơ quan đoàn thể mà ngay cả các công ty du lịch cũng muốn “trốn bay.” Đại diện nhiều đơn vị lữ hành cho biết họ chọn cách làm mới các sản phẩm du lịch nội địa để né đường bay nhằm thu hút khách.

Bên cạnh đó, để "mách nước" cho du khách tránh gặp phải những "bẫy" lừa đảo trực tuyến, các đơn vị liên qua đang tích cực truyền thông, cảnh tỉnh người dân khi bước vào mùa cao điểm du lịch Hè.

Rủ nhau "trốn bay"

Để xây dựng tour, tuyến cho dịp nghỉ Hè hầu hết các đơn vị lữ hành đã phải “chốt” với các đối tác từ vận chuyển, dịch vụ ăn uống đến lưu trú… từ trước đó vài tháng đến nửa năm. Chính vì thế, ngay cả những công ty lớn như Vietravel, Saigontourist, hay Du lịch Việt… cũng không thể đợi được đến lúc hàng không “hạ nhiệt” giá vé máy bay mà phải tự “cứu mình” trước bằng nhiều phương án.

 Chuẩn bị đến mùa cao điểm du lịch Hè 2024. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Chuẩn bị đến mùa cao điểm du lịch Hè 2024. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Một trong những giải pháp của các đơn vị này là khai thác các tuyến đường bộ nội địa. Giám đốc Tiếp Thị - Truyền thông Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, bà Đoàn Thị Thanh Trà cho biết phía công ty đã tận dụng lợi thế cao tốc, kết nối tốt ở miền Nam là Vũng Tàu, Bình Thuận, miền Bắc là giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận như Quảng Ninh, Hải Phòng.

Với tuyến miền Trung như điểm đến Đà Nẵng, một số đơn vị đã tính toán đến việc đưa ra các gói tour kết hợp chiều đi bằng tàu hỏa vãn cảnh, chiều về bằng máy bay. Phương án vừa giúp giảm áp lực đường bay, tiết kiệm chi phí vừa góp phần gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Còn Tổng Giám đốc Du lịch Việt, bà Phạm Phương Anh cho biết tất cả các tuyến tour nội địa của đơn vị này sẽ tách riêng vé máy bay, tour tại điểm đến để tạo thuận lợi cho du khách “săn vé rẻ,” đồng thời công ty vẫn cung cấp dịch vụ khách sạn, vé máy bay… theo yêu cầu riêng của từng nhóm khách.

Theo xu hướng, các tour truyền thống sẽ dần phải thích nghi và thay thế bằng hình thức bán lẻ dịch vụ như vé máy bay, phòng khách sạn. Hình thức này đã và đang phát triển mạnh sau đại dịch COVID-19, tuy nhiên vấn đề là các công ty lữ hành phải đối mặt với sự cạnh tranh từ những nền tảng đặt dịch vụ trực tuyến. Vì thế, để thu hút khách mua các dịch vụ lẻ, họ phải thêm ưu đãi riêng như tặng quà, giảm giá dịch vụ mua kèm như vé tham quan khu vui chơi…

 Hè 2024, du khách có xu hướng chọn những điểm đến giàu tính trải nghiệm. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Hè 2024, du khách có xu hướng chọn những điểm đến giàu tính trải nghiệm. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Đặc biệt, ghi nhận lượng khách tích cực từ dịp lễ 30/4 cho sản phẩm đường bộ, đường thủy, Du lịch Việt đã quyết định sẽ giúp du khách giảm từ 20-40% chi phí so với đường bay bằng những tour tàu hỏa chất lượng cao từ Thành phố Hồ Chí Minh tới Phan Thiết, Ninh Thuận, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng hay tàu cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh đi Côn Đảo.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội, ông Phạm Văn Bảy nhận định mùa du lịch Hè 2024, du khách sẽ có xu hướng lựa chọn những sản phẩm giàu tính trải nghiệm, đi sâu vào tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật, môi trường sống tại những nơi mà mình đặt chân tới.

Theo ông Bảy: “Nếu như trước đây, du khách Việt thường tập trung vào việc tìm kiếm những điểm đẹp để chụp hình check-in thì năm nay, du khách quan tâm nhiều hơn đến việc trải nghiệm và chia sẻ lại không chỉ là hình ảnh, mà còn là những câu chuyện thú vị, những kiến thức mới mẻ.”

“Né” lừa đảo trực tuyến cách nào?

Lừa đảo trực tuyến đã trở thành vấn nạn của một xã hội bùng nổ công nghệ hiện đại. Câu chuyện tưởng đã “muôn năm cũ” nhưng thực tế vẫn cứ tái diễn hàng ngày ở bất kỳ đâu, với bất kỳ ai. Các đối tượng xấu thường sử dụng những chiêu thức quen thuộc để “săn mồi,” còn người “mắc bẫy” thường vì chủ quan, sơ sểnh hoặc một phút nổi lòng tham mà “oan gia.”

 Lừa đảo trực tuyến đã trở thành vấn nạn của một xã hội bùng nổ công nghệ hiện đại. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Lừa đảo trực tuyến đã trở thành vấn nạn của một xã hội bùng nổ công nghệ hiện đại. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Nhằm cảnh tỉnh người dân trước khi bước vào mùa cao điểm du lịch Hè, Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tích cực truyền thông Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến. Trong đó, lừa đảo “combo du lịch giá rẻ” được đơn vị này này xếp vị trí hàng đầu.

Vậy dấu hiệu để nhận diện chiêu thức lừa đảo này là gì để người dân, du khách có thể “né” tránh, bảo toàn ví tiền, tài khoản trước mỗi giao dịch?

Theo Cục An toàn Thông tin, các đối tượng thường đăng tải bài viết quảng cáo tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (từ 30-50% giá trị) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn, từ đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc.

Đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa, nhưng sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… Sau đó chúng lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu để không trả lại tiền.

Các đối tượng cũng làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch, chúng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.

 Du khách được khuyến cáo nếu mua tour nên tìm đến những công ty uy tín. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Du khách được khuyến cáo nếu mua tour nên tìm đến những công ty uy tín. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Làm giả/chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức. Thậm chí, các đối tượng còn mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút “con mồi.”

Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất vé máy bay và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé, nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.

Để tránh bị lừa đảo trước các thủ đoạn trên, Cục An toàn Thông tin khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các App du lịch (ứng dụng du lịch). Để yên tâm hơn, người dân có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề… của công ty lữ hành, du lịch.

Bên cạnh đó, cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30-50% so với mặt bằng chung thị trường); đặc biệt thận trọng khi được yêu cầu chuyển tiền cọc giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp.

Người dân cần chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk…

Đặc biệt, đối với các trang mạng xã hội (Fanpage) hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch, nhất là gói du lịch giá rẻ, vé máy bay giá rẻ, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán. Xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết./.

 Để tránh bị lừa đảo trước các thủ đoạn trên, Cục An toàn Thông tin khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Để tránh bị lừa đảo trước các thủ đoạn trên, Cục An toàn Thông tin khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cao-diem-du-lich-he-du-khach-lu-hanh-tron-bay-chi-mat-lua-dao-online-post950719.vnp