Cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum bao giờ triển khai?

Sáng 17/4, Ban QLDA 85 (Bộ Xây dựng) làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất kế hoạch phối hợp triển khai dự án cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum.

Dự kiến trình Quốc hội cuối năm 2025

Giám đốc Ban QLDA 85 Phạm Văn Minh cho biết, sau khi được Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ triển khai dự án, đơn vị đã khảo sát thực địa, thiết kế sơ bộ hướng tuyến.

Giám đốc Ban QLDA 85 Phạm Văn Minh thông tin về dự án đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi.

Giám đốc Ban QLDA 85 Phạm Văn Minh thông tin về dự án đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi.

“Chúng tôi xây dựng tổng thể ba hướng tuyến chính, nhưng hiện mới ở bước nghiên cứu tiền khả thi. Các thông số như hướng tuyến, điểm đầu - điểm cuối, trạm dừng nghỉ, nút giao… vẫn cần tiếp tục hoàn thiện qua nhiều bước,” ông Minh cho biết.

Cũng theo ông Minh, hướng tuyến căn bản men theo QL24 để tạo sự hỗ trợ nhau khi đưa vào khai thác và QL24 cũng là đường công vụ trong quá trình thi công dự án.

Theo báo cáo sơ bộ dự án cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum dự kiến có chiều dài khoảng dài 136km (Quảng Ngãi 58km và Kon Tum 78km), quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80–100km/h, mặt cắt ngang từ 22 - 24,75m.

Dự kiến trên tuyến có 9 nút giao, xây dựng 60 cầu vượt tuyến chính, 10 cầu ngang và 3 hầm xuyên núi.

Dự án có điểm đầu Km0 giao với cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn qua địa phận thị xã Đức Phổ và điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh qua địa phận TP Kon Tum. Khái toán tổng mức đầu tư khoảng 35 nghìn tỷ đồng.

Để dự án được triển khai các bước tiếp theo thuận lợi, ông Minh đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cần nghiên cứu từ thực tiễn, yêu cầu của địa phương để có ý kiến cụ thể về các nút giao, trạm dừng nghỉ, quy hoạch công nghiệp… Đối với công tác bồi thường, GPMB cũng cần lên kế hoạch chi tiết.

Đối với hạ tầng kỹ thuật như điện, viễn thông, cần quan tâm việc cấp điện thi công, đảm bảo hạ tầng viễn thông phục vụ dự án cũng như di dời khi cần thiết.

Về nguồn vật liệu dự kiến rất lớn, khoảng 24 triệu m3. Trong đó, quan trọng nhất là đất đắp và cát vàng. Do đó, Quảng Ngãi cần chuẩn bị sẵn sàng để dự án không bị động trong quá trình thi công.

Phần lớn tuyến chính dự án đi qua khu vực đồi núi, đèo dốc hiểm trở, song vẫn bám QL24 để làm cơ sở thiết kế.

Phần lớn tuyến chính dự án đi qua khu vực đồi núi, đèo dốc hiểm trở, song vẫn bám QL24 để làm cơ sở thiết kế.

Cũng theo ông Minh, phần lớn tuyến chính dự án đi qua khu vực đồi núi, đèo cao. Trong đó, phức tạp nhất là đoạn tuyến qua đèo Vi Ô Lắk và đèo Măng Đen có độ chênh đến nghìn mét, qua bình đồ như con dốc dựng đứng.

Về tiến độ hồ sơ, thiết kế dự án, ông Minh cho biết chủ đầu tư và tư vấn đang chạy đua, nhưng sớm nhất cũng phải đến kỳ họp Quốc hội tháng 10 hoặc 11 mới có thể trình dự án.

“Dự án mới ở bước nghiên cứu tiền khả thi nên chưa thể xác định chính xác thời gian. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ hồ sơ và hạn chế điều chỉnh, đề nghị Quảng Ngãi đồng hành từ khâu khảo sát, thiết kế đến chuẩn bị nguồn vật liệu phục vụ thi công,” ông Minh kiến nghị.

Liên quan đến mặt cắt tuyến chính, đại diện tư vấn cho biết do phần lớn tuyến đi qua địa hình đồi núi, đặc biệt là các đoạn đèo Vi Ô Lắk và Măng Đen phức tạp, nên được thiết kế mặt cắt 22m, tốc độ 80km/h. Các đoạn còn lại thiết kế mặt cắt 24,75m, tốc độ 100km/h.

Hướng tuyến sơ bộ của dự án đang được phía tư vấn trình bày tại buổi làm việc.

Hướng tuyến sơ bộ của dự án đang được phía tư vấn trình bày tại buổi làm việc.

"Riêng trạm dừng nghỉ, đại diện tư vấn cho biết, sẽ nghiên cứu bố trí quỹ đất ngay dưới chân đèo Vi Ô Lắk để xây dựng trạm dừng trước khi phương tiện leo đèo, và một trạm khác tại tỉnh Kon Tum. Trong đó, chú trọng kết nối với sân bay Măng Đen", đại diện tư vấn nói.

Bàn giao mặt bằng dự án trong năm 2026

Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi Nguyễn Phúc Nhân cho biết, dự án cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum là công trình thiết yếu đối với cả hai tỉnh. Đặc biệt, sau ngày 1/9 khi hai địa phương sáp nhập, tuyến đường này sẽ trở thành tuyến nội tỉnh, nên việc đầu tư sớm sẽ phát huy hiệu quả khi đó.

Ông Nhân đề nghị Ban QLDA 85 trong quá trình nghiên cứu dự án cần đảm bảo sự đồng bộ từ vị trí nút giao, hành lang tuyến đến trạm dừng nghỉ, tránh điều chỉnh sau phê duyệt vì mỗi lần điều chỉnh đều phát sinh vướng mắc, rất khó xử lý.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết Quảng Ngãi sẽ hoàn thành công tác GPMB dự án trong năm 2026 nếu đảm bảo các điều kiện.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết Quảng Ngãi sẽ hoàn thành công tác GPMB dự án trong năm 2026 nếu đảm bảo các điều kiện.

"Để quá trình triển khai dự án thuận lợi, đề nghị cần xác định trách nhiệm của các bên. Khẩn trương hoàn thành thủ tục để dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư và sớm triển khai trên thực địa", ông Nhân đề nghị.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, khối lượng công tác GPMB của dự án rất lớn, nhưng tỉnh sẽ nỗ lực hoàn thành trong năm 2026 với điều kiện chủ đầu tư phải sớm bàn giao mốc giới.

Về nguồn vật liệu, ông Hiền cũng cho biết, Quảng Ngãi chuẩn bị sẵn sàng. Song, chủ đầu tư cần chuẩn xác nhu cầu, số lượng cụ thể… để làm cơ sở cho việc bổ sung vào quy hoạch và các bước tiếp theo trước khi ra mỏ.

"Theo chủ trương chung của Trung ương, hai địa phương sẽ sáp nhập thành một tỉnh nên công tác chỉ đạo, điều hành sẽ thuận lợi hơn", ông Hiền nói và cho biết, Quảng Ngãi đã thử thách qua hai dự án trọng điểm quốc gia là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Quảng Ngãi - Hoài Nhơn nên có kinh nghiệm trong bồi thường, GPMB và hỗ trợ chủ đầu tư trong xử lý các vướng mắc.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi lưu ý quá trình thiết kế dự án phải chú trọng kết nối với QL24 qua thị trấn Măng Đen để thúc đẩy phát triển Khu du lịch quốc gia Măng Đen.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi lưu ý quá trình thiết kế dự án phải chú trọng kết nối với QL24 qua thị trấn Măng Đen để thúc đẩy phát triển Khu du lịch quốc gia Măng Đen.

Nhấn mạnh vai trò của dự án, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, dự án được đầu tư đưa vào khai thác sẽ phát huy cao giá trị, tiềm năng vùng đất hai bên đường. Nhất là khai thác triệt vùng chuyên canh cây công nghiệp phía Tây của tỉnh sau này. Đặc biệt, sẽ là bệ phóng để khai phá triệt để khu du lịch quốc gia Măng Đen.

"Dự án đưa vào khai thác sẽ mở ra không gian phát triển từ miền biển đến biên giới, thậm chí là kết nối quốc tế với các nước lân bang. Do đó, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế cần tối ưu phương án tuyến ở mức ngắn nhất, hạn chế xung đột tối đa đối với các công trình hiện hữu cũng như các dự án đã phê duyệt thủ tục để triển khai…", ông Hiền lưu ý.

Lê Đức

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/cao-toc-quang-ngai-kon-tum-bao-gio-trien-khai-192250417133038491.htm