Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ nối liền cao tốc Phnôm Pênh - Bà Vẹt
TP.HCM đang quyết tâm triển khai nhiều nhóm công việc để đưa dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khởi công vào năm 2025, hoàn thành vào cuối năm 2027.
Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (nối TP.HCM - Tây Ninh) hồi đầu tháng 8-2024. Ngay sau đó, TP.HCM đã bắt tay vào thực hiện nhiều nhóm công việc để có thể khởi công cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vào năm 2025.
Gấp rút triển khai các thủ tục
Mới đây trao đổi với PLO, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), cho biết sau khi Thủ tướng thông qua chủ trương đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Ban Giao thông được UBND TP giao triển khai nhiều nhóm công việc.
Cụ thể từ nay tới cuối năm 2024, TP.HCM phối hợp với Tây Ninh thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng ranh bồi thường và áp dụng cách tiếp cận nhiều cơ chế đặc thù như vành đai 3 - tách riêng dự án bồi thường GPMB, triển khai một số công việc từ chủ trương đầu tư đến khi phê duyệt dự án được nhanh hơn.
Lúc này, TP.HCM có thể kiểm đếm, đo vẽ để tiết kiệm được sáu tháng so với quy định trước đây. Qua khảo sát, tỉ lệ đất nông nghiệp ở TP.HCM và Tây Ninh rất lớn, đây là điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh công tác bồi thường GPMB.
Nhóm việc thứ hai là chuẩn bị dự án đầu tư xây lắp bao gồm lập dự án, phê duyệt dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, tuyển chọn tư vấn, thiết kế kỹ thuật, chọn nhà thầu xây lắp.
Ông Phúc thông tin thêm, phần lõi cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ thực hiện theo trình tự của dự án PPP (loại hình BOT). TP.HCM và Tây Ninh cũng đang chuẩn bị các bước theo Luật PPP, khảo sát nhà đầu tư, tổ chức đấu thầu và tuyển chọn nhà đầu tư.
Đối với đầu tư ngân sách sẽ thực hiện các hạng mục khác như đường song hành cao tốc, cầu vượt nối kết cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Như vậy, quy trình đầu tư cũng sẽ được triển khai tốt, đẩy nhanh dự án nhất có thể.
Với nhiều cơ chế thuận lợi, TP.HCM và Tây Ninh có thể phấn đấu khởi công dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vào quý II-2025 và hoàn thành vào cuối năm 2027. Từ đó, đồng bộ với tuyến đường cao tốc Phnôm Pênh - Bà Vẹt, trong tương lai sẽ trở thành trục giao thông xuyên Á chiến lược cho cả khu vực.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài mở ra không gian phát triển
Ông Phúc chia sẻ tuy dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có nhiều thuận lợi từ cơ chế đặc biệt như vành đai 3 song vẫn còn một số khó khăn vì không có cơ chế chỉ định nhà thầu tư vấn. Vì vậy, dự án có thể mất thêm gần một năm tìm nhà thầu tư vấn so với dự án vành đai 3.
Bên cạnh đó, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được triển khai trên hai địa phương nên đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, Ban bồi thường GPMB hai địa phương.
Theo ông Phúc với kinh nghiệm từ dự án vành đai 3, kỳ vọng của người dân về một tuyến đường nối kết hai địa phương - mở ra trục xuyên Á trong tương lai sẽ trở thành động lực để đưa dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài về đích đúng tiến độ. Dự án trở thành điểm sáng trong việc phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có điểm đầu là nút giao giữa vành đai 3 và Tỉnh lộ 15, điểm cuối kết nối với khu đô thị Mộc Bài. Trong tương lai sẽ kết nối với với cao tốc Phnôm Pênh - Bà Vẹt, trở thành trục xuyên Á và được kỳ vọng trong Nghị quyết của Bộ Chính trị để phát triển miền Đông. Trong đó, có nội dung ghi rõ hình thành trục giao thông, dịch vụ, đô thị, logistics, Mộc Bài - TP.HCM - Cái Mép Thị Vải.
Như vậy, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài nhằm hiện thực hóa chủ trương của Bộ Chính trị để phát triển miền Đông. Đây là tuyến đường giao thông huyết mạch, mở ra không gian phát triển đô thị, cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ.
"Nhìn về tương lai, từ Tây Ninh đi về TP.HCM có thể dễ dàng di chuyển thông qua cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, vành đai 3, Bình Dương, Nam Tây Nguyên và cảng Cái Mép Thị Vải. Đồng thời, người dân cũng dễ dàng đi về Bình Chánh, Long An, cao tốc Bến Lức - Long Thành và sân bay Long Thành, Cần Giờ.
Rõ ràng, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, vành đai 3 và vành đai 4 trở thành mạng lưới để đi tới tất cả các địa phương trong khu vực kinh tế miền Đông, miền Tây, hệ thống cảng biển, đặc biệt là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ " - ông Phúc kỳ vọng.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Phnôm Pênh - Bà Vẹt còn một dự án nối kết với nhau. Hiện Bộ GTVT chủ trì, triển khai nghiên cứu và hình thành dự án để triển khai đồng bộ với hai tuyến cao tốc vừa nêu. Để cuối năm 2027 hoàn thành tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, chính thức nối kết và trở thành trục giao thông xuyên Á.