Cấp bách hoàn thành các dự án lớn, TP.HCM kiến nghị loạt cơ chế đặc thù
Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã kiến nghị các cơ chế đặc thù cho thành phố để triển khai nhanh chóng và hiệu quả các dự án lớn, như: đường Vành đai 3 TP.HCM, cơ chế cho TP. Thủ Đức, được chủ động bổ sung tổng mức vốn và danh mục các dự án đầu tư công 2021-2025…
Ảnh minh họa.
Chiều 20/3/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về kết quả công tác năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, tình hình thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội (Nghị quyết 54).
MỖI NGÀY THU NGÂN SÁCH 2.200 TỶ ĐỒNG
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, trong hai tháng đầu năm 2022, thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực, phục hồi tốt so với các tháng trước, một số chỉ tiêu đạt bằng cùng kỳ, một số ngành đạt mức bằng như trước dịch.
Cụ thể, tổng thu ngân sách hai tháng đạt hơn 88.000 tỷ đồng, đạt gần 22,8% dự toán năm và tăng 14,9% so với cùng kỳ; bình quân 01 ngày làm việc thu khoảng 2.200 tỷ đồng, trong đó thu nội địa tăng 19%.
Về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 54, ông Mãi cho biết đối với vấn đề quản lý đất đai, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất lúa (tổng diện tích các dự án là 1.843,79ha). Điều này đã giúp thành phố rút ngắn thời gian xem xét việc chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10ha đất trồng lúa, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án…
Về đầu tư, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố, tổng mức vốn đầu tư trên 12.954 tỷ đồng; điều chỉnh 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố.
Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM chiều ngày 20/3/2022 - Ảnh: HCMC.
Đề án huy động vốn đầu tư xã hội phát huy hiệu quả, trong giai đoạn 2018 - 2021, TP.HCM đã phát hành thành công 2.800 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương (các kỳ hạn 20 năm, 30 năm); vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài hơn 12.219 tỷ đồng, góp phần đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu, giảm áp lực cho ngân sách thành phố trong việc cân đối, bố trí nguồn vốn để trả nợ.
TẠO CƠ CHẾ ĐẶC THÙ CHO TP.HCM
Theo Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, để triển khai thực hiện nhiều dự án lớn nhanh chóng và hiệu quả, kiến nghị Quốc hội xem xét các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố. Trong đó, có dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và kiến nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, xây dựng dự án này.
Thành phố cũng đề nghị được tăng mức vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025. Vì TP.HCM cần tận dụng tối đa tiềm lực về vốn đầu tư công để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau khi chịu tác động của đại dịch Covid-19.
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM kiến nghị Quốc hội cho phép thành phố được thực hiện cơ chế đối với các nguồn vốn mà thành phố có thể huy động từ các nguồn thu của thành phố, ngoài mức vốn thông báo của Thủ tướng Chính phủ là 142.557 tỷ đồng (Quyết định số 1535/QĐ-TTg).
Ngoài ra, thành phố cũng được phép chủ động quyết định việc bổ sung tổng mức vốn và danh mục các dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 theo nguyên tắc bảo đảm không tăng mức bội chi của ngân sách địa phương, không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, kiến nghị Quốc hội xem xét ủng hộ, tạo điều kiện để Đề án Phát triển TP.HCM trở thành Trung tâm tài chính quốc tế được thông qua trong thời gian sớm nhất.
Về Đề án Phát triển TP.HCM trở thành Trung tâm tài chính quốc tế, ông Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM kiến nghị Quốc hội xem xét ủng hộ, tạo điều kiện để đề án được thông qua trong thời gian sớm nhất.
Trong đó, Quốc hội ban hành một nghị quyết về cơ chế - chính sách đặc thù riêng cho Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM.
Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số luật hiện hành (Luật Chứng khoán 2019, Luật Đất đai 2013, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Thương mại 2005, Luật Kinh doanh bất động sản 2015, Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Luật Đầu tư 2020, Pháp lệnh Ngoại hối 2013…) và ban hành một số luật mới (Luật về Fintech, Luật về ngân hàng số…).
Đối với TP. Thủ Đức, Ban Thường vụ Thành ủy cho biết, hiện nay, UBND TP.HCM đang chỉ đạo các sở, ngành và UBND TP. Thủ Đức xác định cụ thể các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng đề án kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Thủ Đức. Qua đó trao cho TP. Thủ Đức thẩm quyền tối đa để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao.
Đối với Nghị quyết số 54, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM kiến nghị Quốc hội cho phép thành phố được tiếp tục thực hiện nghị quyết này đến hết giai đoạn 2023 - 2025 hoặc Quốc hội sẽ ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM phù hợp với vị trí vai trò của thành phố để vừa huy động cao nhất nguồn lực phát triển, vừa nâng cao hiệu quả quản lý “một siêu đô thị”.
Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến nội dung trọng tâm đề xuất cơ chế chính sách phát triển TP.HCM, như: trong lĩnh vực đầu tư tài chính công; thẩm quyền tổ chức bộ máy hành chính; thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị về áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất khi xác định, thẩm định, quyết định giá đất trên địa bàn TP.HCM.
Riêng trong lĩnh vực tài chính công, Ban Thường vụ Thành ủy kiến nghị có cơ chế cho TP.HCM tạo nguồn thu mới từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ ở một đô thị lớn mà pháp luật hiện hành không cấm hoặc được Trung ương cho phép. Nguồn thu mới không phải điều tiết về Trung ương trong một thời gian nhất định.