Cấp phép lưu hành vacine dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE
Chia sẻ tại cuộc họp với các tỉnh, các doanh nghiệp về sử dụng 600 nghìn liều vacine NAVET- ASFVAC từ tháng 7/2022, Quyền Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long vừa cho biết: Cục vừa tham mưu lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) cấp Giấy chứng nhận lưu hành vacine AVAC ASF LIVE.
Theo Quyền Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, vừa qua Cục đã tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ NN-PTNT về việc cấp Giấy chứng nhận lưu hành vacine AVAC ASF LIVE (vacine DTLCP nhược độc, đông khô) của Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam. Đồng thời, tổ chức thẩm định giống virus vacine và kiểm nghiệm 3 lô vacine DTLCP của Công ty Dabaco.
Đây có thể coi là điểm sáng tiếp theo của Cục thú y sau khi cấp Giấy chứng nhận lưu hành vacxin DTLCP NAVET-ASFVAC cho Công ty Navetco và tổ chức Lễ công bố vacxin Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) vào ngày 3/6/2022.
Cấp phép thêm vacine dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE.
Hiện nay, hệ thống thú y đã cung ứng 261,5 triệu liều vacine cúm gia cầm và đang bảo quản tại kho của doanh nghiệp 68,8 triệu liều. Dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong quý 3 là 160 triệu liều. Với vacine lở mồm long móng, số liều cung ứng là 22,6 triệu liều, trong đó đang bảo quản tại kho của doanh nghiệp 10 triệu liều và dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong quý 3 là 11 triệu liều.
Tổng lượng vacine tai xanh cung ứng cho thị trường là 17 triệu liều, đang bảo quản tại kho của doanh nghiệp 7 triệu liều. Dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong quý 3 là 9 triệu liều.
Về vacine viêm da nổi cục, tổng cung ứng là 1,5 triệu liều, đang bảo quản tại kho của doanh nghiệp 861,780 liều và kế hoạch nhập quý 3 là 1 triệu liều.
Đối với vacine dại, cung ứng 6 triệu liều, đang bảo quản tại kho của doanh nghiệp 2,1 triệu liều và dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong quý 3 là 1 triệu liều.
Tại cuộc họp, ông Long cũng chỉ rõ một số khó khăn mà ngành thú y đang phải đối mặt.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2022, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên cả nước bị thiệt hại khoảng 14.807 ha, tăng gấp 1,42 lần so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra có khoảng 1.019 bè, vèo, bể nuôi thủy sản bị thiệt hại, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, bệnh đốm trắng xảy ra ở phạm vi rộng hơn 28,6% và diện tích có tôm mắc bệnh tăng 59,4%; bệnh hoại tử gan tụy cấp tính xảy ra ở phạm vi rộng hơn 4,5% và diện tích có tôm mắc bệnh tăng 5,5%;
Dịch bệnh trên cá tra đã xảy ra tại 49 xã của 16 huyện của tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long, với tổng diện tích bị bệnh là 245,62 ha. Một số bệnh chủ yếu thường gặp là bệnh xuất huyết, bệnh gan thận mủ, bệnh do ký sinh trùng.
So với cùng kỳ năm 2021, phạm vi cá tra bị mắc bệnh tăng gấp hơn 2 lần nhưng diện tích cá tra bị mắc bệnh giảm khoảng 15%.
Cùng với đó là diễn biến thời tiết cực đoan của thời tiết cũng như việc tuyên truyền, cập nhật thông tin và các văn bản chỉ đạo về công tác thú y ở địa phương còn chậm, đặc biệt tại cấp huyện và cấp xã chưa chủ động lập kế hoạch, bố trí kinh phí triển khai phòng, chống dịch bệnh.