'Cất cánh' trên đường băng du lịch
Đông Anh đang khai thác hiệu quả tiềm năng di sản văn hóa – lịch sử, từng bước hình thành chuỗi du lịch văn hóa – sinh thái, hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Du lịch gắn với giữ gìn hồn cốt quê hương
Trong định hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội đã xác định rõ ba lĩnh vực có thế mạnh cần ưu tiên là thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hóa.
Nắm bắt rõ tinh thần của Nghị quyết, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh - Trưởng Phòng Văn hóa, khoa học và thông tin huyện Đông Anh cho biết, huyện hướng đến xây dựng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa mang thương hiệu riêng gắn với du lịch, từng bước đưa văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp thiết thực vào sự phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Thời gian qua, để phát triển du lịch văn hóa, Đông Anh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử, thích ứng với xu thế hiện đại.

Đông Anh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử, thích ứng với xu thế hiện đại.
Đồng thời, huyện tích cực ứng dụng công nghệ trong quảng bá văn hóa du lịch, góp phần đưa hình ảnh địa phương đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước. Một điểm nhấn quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của Đông Anh chính là phát huy vai trò của cộng đồng, đặc biệt là các nghệ nhân, người cao tuổi và thế hệ trẻ.
Huyện chủ trương khuyến khích người dân tham gia tổ chức lễ hội, truyền nghề, làm du lịch cộng đồng... để du lịch không chỉ là "ngành công nghiệp không khói" mà còn là câu chuyện gìn giữ hồn cốt quê hương. Bên cạnh đó, Đông Anh đặc biệt quan tâm tới việc kết nối du lịch với phát triển làng nghề và kinh tế địa phương.
Bà Linh cho biết huyện đã hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm đặc trưng làng nghề qua hội chợ, sàn thương mại điện tử, truyền thông; xây dựng các tour du lịch trải nghiệm gắn với di tích và ẩm thực địa phương; đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện tiếp cận vốn ưu đãi.
Vượt qua thách thức
Trong quá trình phát triển đô thị, Đông Anh cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa – lịch sử.
Theo Trưởng Phòng Văn hóa, khoa học và thông tin huyện Đông Anh, đó là sức ép từ quá trình đô thị hóa, phát triển hạ tầng và các dự án đầu tư ngày càng lớn, làm thu hẹp không gian văn hóa, ảnh hưởng đến tính nguyên trạng của các di tích.
Nhân lực làm công tác bảo tồn di sản tại cơ sở chưa đồng đều, thiếu chuyên môn sâu. Một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ, chưa hiểu đúng và đủ về giá trị di sản văn hóa. Tình trạng xâm hại di tích, xây dựng trái phép gần di tích vẫn còn xảy ra.
Nhiều di tích có giá trị nhưng chưa được kết nối hiệu quả trong các tour tuyến du lịch văn hóa – lịch sử; Thiếu sản phẩm văn hóa đặc trưng, dịch vụ trải nghiệm hấp dẫn để thu hút du khách, nhất là khách quốc tế.

Công tác truyền thông, giáo dục cộng đồng được đẩy mạnh nhằm nâng cao ý thức gìn giữ di sản trong nhân dân.
Đưa ra giải pháp giải quyết những khó khăn còn tồn đọng, bà Linh cho biết, Đông Anh xác định văn hóa là động lực phát triển bền vững, không chỉ dừng ở bảo tồn mà còn gắn kết chặt chẽ với kinh tế, du lịch và quá trình đô thị hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Trên tinh thần đó đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý di sản, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Việc đầu tư trùng tu, bảo tồn di tích được thực hiện có trọng điểm, ưu tiên các công trình xuống cấp nghiêm trọng, có giá trị lịch sử - văn hóa cao, đồng thời tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực từ cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tâm huyết với văn hóa.
Song song với đó, Đông Anh chú trọng phát triển du lịch văn hóa - lịch sử gắn với di sản, xây dựng các tour tham quan, trải nghiệm tại Đông Anh – Cổ Loa, gắn với lễ hội truyền thống, sản phẩm lưu niệm, ẩm thực và trình diễn dân gian để tạo sức hút du lịch.
Công tác truyền thông, giáo dục cộng đồng cũng được đẩy mạnh qua truyền hình, mạng xã hội, trường học, nhằm nâng cao ý thức gìn giữ di sản trong nhân dân. Đặc biệt, huyện đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong công tác bảo tồn và quảng bá di sản như số hóa dữ liệu, xây dựng bảo tàng ảo, tour du lịch thực tế ảo (VR/AR) tại các di tích lớn như Cổ Loa, Địa đạo Nam Hồng, Đền Sái...
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cat-canh-tren-duong-bang-du-lich-204250524171115291.htm