Cắt giảm thuế - điểm nghẽn trong chính sách kinh tế của Mỹ
Việc gia hạn vĩnh viễn các khoản cắt giảm thuế có thể khiến tổng nợ công của Mỹ tăng từ mức 100% GDP hiện nay lên 130% GDP vào năm 2034, tương đương khoản vay thêm 7.200 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, D.C. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 18/5, Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát tiếp tục nỗ lực thúc đẩy dự luật cắt giảm thuế quy mô lớn do Tổng thống Donald Trump đề xuất, trong bối cảnh một trong những cố vấn kinh tế hàng đầu của ông phản ứng mạnh với quyết định hạ bậc tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đối với Chính phủ Mỹ.
Trước đó, một nhóm nghị sỹ đảng Cộng hòa theo đường lối cứng rắn đã ngăn cản dự luật vượt qua một bước thủ tục quan trọng vào ngày 16/5, với lý do dự luật chưa cắt giảm chi tiêu đủ mạnh. Hạ viện dự kiến sẽ xem xét lại trong phiên họp hiếm hoi vào tối ngày 18/5 (giờ địa phương).
Các chuyên gia phân tích độc lập cho rằng dự luật này - nhằm gia hạn các khoản cắt giảm thuế từ năm 2017, vốn là thành tựu lập pháp nổi bật của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu - có thể làm tăng thêm từ 3.000 tỷ USD đến 5.000 tỷ USD vào khoản nợ quốc gia, hiện đã ở mức 36.200 tỷ USD, trong thập kỷ tới.
Moody’s cho biết quyết định hạ bậc tín nhiệm xuất phát từ xu hướng nợ công gia tăng, dự kiến sẽ đạt mức 134% GDP vào năm 2035.
Trong hai cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 18/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã bác bỏ tầm quan trọng của việc bị hạ tín nhiệm nói trên, cho rằng dự luật sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đủ mạnh để vượt qua gánh nặng nợ.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo việc Moody’s - cơ quan xếp hạng tín dụng lớn mới nhất hạ tín nhiệm của Mỹ là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ đang nợ quá nhiều và cần có hành động điều chỉnh, hoặc tăng thu hoặc giảm chi tiêu.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cho biết dự luật vẫn “đang đi đúng hướng” và nhiều khả năng được thông qua. Hiện Đảng Cộng hòa nắm thế đa số với chênh lệch khá mong manh tại Hạ viện Mỹ với tỷ lệ 220-213.
Đảng Cộng hòa đang chia rẽ về mức độ cắt giảm chi tiêu để bù đắp cho các khoản giảm thuế của Chính phủ Mỹ.
Những nghị sỹ bảo thủ muốn cắt giảm chương trình bảo hiểm y tế Medicaid dành cho người thu nhập thấp.
Tuy nhiên, một số nghị sỹ ôn hòa và thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa phản đối, cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những cử tri đã bầu cho ông Trump hồi tháng 11/2024 và cần được giữ chân trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2026.

Quyết định hạ tín nhiệm của Moody’s diễn ra giữa lúc nền kinh tế Mỹ vẫn bất ổn vì các chính sách thuế quan của ông Trump. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nếu được thông qua, dự luật có thể khiến khoảng 8,6 triệu người mất quyền tiếp cận Medicaid. Ngoài ra, dự luật còn đề xuất xóa thuế đối với tiền tip và một phần thu nhập làm thêm ngoài giờ - hai cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Trump - đồng thời tăng chi tiêu quốc phòng và cấp thêm ngân sách cho các biện pháp siết chặt kiểm soát biên giới.
Quyết định hạ tín nhiệm của Moody’s diễn ra giữa lúc nền kinh tế Mỹ vẫn bất ổn vì các chính sách thuế quan của ông Trump, vốn đã tác động mạnh đến thị trường toàn cầu. Điều này có thể khiến giới đầu tư thêm lo ngại khi thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa trở lại vào ngày 19/5.
Trong khi đó, các nhà đầu tư toàn cầu cảnh báo rằng kế hoạch cắt giảm thuế sâu rộng của Tổng thống Trump có thể khiến Mỹ đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng.
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), đề xuất của ông Trump nhằm duy trì vĩnh viễn các khoản cắt giảm thuế trong Đạo luật về Việc làm và Cắt giảm thuế năm 2017 sẽ khiến nợ công của Mỹ tăng thêm hàng nghìn tỷ USD, đẩy quốc gia này vào một cuộc khủng hoảng nợ đáng lo ngại.
IIF cũng tỏ ra nghi ngờ khả năng các khoản thu từ thuế quan có thể bù đắp cho phần ngân sách thất thu, đồng thời cảnh báo rằng việc áp thêm thuế nhập khẩu có thể phản tác dụng nếu làm giảm nguồn thu và đẩy lạm phát tăng cao.
Theo ước tính của IIF, nếu không có nguồn thu bù đắp, việc gia hạn vĩnh viễn các khoản cắt giảm thuế sẽ khiến tổng nợ công của Mỹ tăng từ mức tương đương 100% GDP hiện nay lên 130% GDP vào năm 2034, tương đương khoản vay thêm 7.200 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Theo IIF, lộ trình nợ này là lý do chính khiến Chính phủ Mỹ nỗ lực tìm kiếm các nguồn thu mới, bao gồm cả việc áp thuế quan nhập khẩu mạnh tay.
Tuy nhiên, IIF cho rằng ngay cả khi tính cả nguồn thu từ thuế quan và tiết kiệm ngân sách nhờ kế hoạch cắt giảm bộ máy nhà nước mà tỷ phú Elon Musk hậu thuẫn, nước Mỹ cũng chỉ huy động được chưa đến một nửa số tiền cần thiết, bất chấp tuyên bố từ chính quyền Tổng thống Trump rằng có thể thu về 700 tỷ USD mỗi năm./.