Cát Tiên: Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hàng hóa

Thực hiện Nghị quyết số 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cát Tiên về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hàng hóa, đến nay, huyện Cát Tiên đã đạt được kết quả khá tích cực và toàn diện, ngành Nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất GO bình quân hàng năm 5,09% và khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế trong huyện.

Trồng và chăm sóc bưởi da xanh tại xã Quảng Ngãi

Trồng và chăm sóc bưởi da xanh tại xã Quảng Ngãi

Huyện Cát Tiên có tổng diện tích tự nhiên 42.670,6 ha; trong đó, diện tích đất canh tác nông nghiệp khoảng 13.500 ha (chiếm khoảng 31,6%). Do đó, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện; đồng thời, là nguồn thu nhập chính của người dân nông thôn và là nhân tố quan trọng trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện.

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng - Bí thư Huyện ủy Cát Tiên cho biết, trên cơ sở điều tra, khảo sát, đánh giá nông hóa thổ nhưỡng và các quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã, quy hoạch vùng huyện; phát huy tối đa các điều kiện, lợi thế của địa phương, nhận định và dự báo đúng xu thế của thị trường, Huyện ủy Cát Tiên đã chỉ cho các cơ quan, đơn vị chức năng chỉ đạo sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cải tạo vườn hộ, vườn tạp, xây dựng vườn mẫu (giảm diện tích thu nhập dưới 50 triệu đồng/ha và tăng diện tích thu nhập trên 100 triệu đồng/ha), đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, mở rộng truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích.

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết với tinh thần quyết tâm chính trị cao, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt, đến nay đã đạt được kết quả khá toàn diện. Cụ thể, huyện Cát Tiên đang duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất GO ngành Nông nghiệp đạt 5,09%; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất cây trồng chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng; phát triển sản xuất an toàn, hữu cơ và chuyển đổi, cải tạo vườn hộ sang trồng cây sầu riêng, cây cà phê và các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao gắn với xây dựng phát triển vườn mẫu để nâng cao giá trị sản xuất.

Đến nay, huyện Cát Tiên đã thực hiện chuyển đổi, cải tạo vườn tạp, cây kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao với diện tích khoảng 1.900 ha; tái canh 550 ha cây điều ghép cao sản kết hợp với thâm canh tăng năng suất, giảm diện tích cây điều từ 6.334 ha năm 2020 xuống còn dưới 5.000 ha; giảm diện tích canh tác thu nhập dưới 50 triệu đồng/ha từ 34,5% năm 2020 xuống còn 18,3%.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, quản lý, kiểm soát dịch bệnh và bước đầu triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển chăn nuôi bò sữa. Hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển sản phẩm OCOP. Hạ tầng sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư góp phần mở rộng đáp ứng nhu cầu tưới chủ động đạt trên 90%.

Hiện toàn huyện Cát Tiên có 21 chuỗi liên kết với diện tích 2.950 ha, chiếm khoảng 15,5%, diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 29%. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích tăng từ 70 triệu đồng năm 2020 lên 78 triệu đồng năm 2023 và ước năm 2024 đạt 80 triệu đồng, năm 2025 là 82 triệu đồng. Toàn huyện có 23 sản phẩm được chứng nhận OCOP ở 9 xã, thị trấn và có 1 liên hiệp hợp tác xã và 24 hợp tác xã/9 xã, thị trấn đang tiếp tục củng cố thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể và xây dựng điểm tựa tiên phong trong liên kết phát triển sản xuất hàng hóa, tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Đặc biệt, huyện Cát Tiên đã và đang phát triển mạnh nhãn hiệu Lúa - Gạo Cát Tiên. Toàn huyện có 6 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu, có 3 sản phẩm mang nhãn hiệu Lúa - Gạo Cát Tiên và 7 sản phẩm chế biến từ lúa gạo được công nhận sản phẩm OCOP; hàng năm có 1.500-2.000 tấn gạo mang nhãn hiệu Lúa - Gạo Cát Tiên cung ứng trên thị trường.

Theo đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết số 06 đã đề ra, thời gian tới, Huyện ủy Cát Tiên sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển các vùng sản xuất cây trồng chủ lực trọng tâm là vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, lúa giống, lúa hữu cơ gắn với phát triển nhãn hiệu sản phẩm của huyện. Chuyển đổi cải tạo vườn hộ, xây dựng vườn mẫu phát triển vùng cây ăn quả, cây công nghiệp nhằm giảm diện tích thu nhập dưới 50 triệu đồng/ha, tăng diện tích thu nhập trên 100 triệu đồng/ha. Nâng cao chất lượng đàn vật nuôi gắn với chăn nuôi an toàn sinh học, trang trại, gia trại. Thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh. Duy trì và phát triển liên kết hợp tác với Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt triển khai Đề án Phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện. Thực hiện tốt công tác quản lý và phát triển nuôi chim yến. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thông minh gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, chuyển đổi số, thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nhằm nâng cao giá trị nông sản. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp, hợp tác xã trong phát triển sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng nhãn hiệu nông sản và phát triển sản phẩm OCOP.

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202410/cat-tien-phat-trien-nong-nghiep-toan-dien-ben-vung-theo-huong-hang-hoa-d9d035b/