Cát Tiên: Xây dựng mã số vùng trồng cho các loại cây trồng chủ lực
Xây dựng mã số vùng trồng nhằm giúp truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản, là điều kiện quan trọng để nông sản có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch. Chính vì vậy, ngành Nông nghiệp huyện Cát Tiên đã phối hợp, hướng dẫn các địa phương xây dựng mã số vùng trồng, góp phần nâng cao giá trị nông sản, hướng tới xuất khẩu.
Những năm gần đây, phong trào trồng cây ăn trái, nhất là các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bưởi da xanh… tại huyện Cát Tiên phát triển rất mạnh. Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên, đến thời điểm hiện tại, trên toàn huyện Cát Tiên đã phát triển diện tích cây ăn trái lên đến 1.047 ha. Trong đó, một số loại cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao, như: Cây sầu riêng 300 ha với diện tích kinh doanh trên 100 ha, năng suất trung bình 20 tấn/ha, sản lượng khoảng 2.000 tấn/năm; cây chôm chôm 230 ha với diện tích kinh doanh 210 ha, năng suất trung bình 25 tấn/ha, sản lượng 5.250 tấn/năm; cây măng cụt 55 ha với diện tích kinh doanh 55 ha, năng suất 4,5 tấn/năm, sản lượng khoảng 247,5 tấn/năm…
Ghi nhận tại xã Đức Phổ - địa phương có diện tích cây ăn trái lớn của huyện Cát Tiên, những năm qua, để nâng cao chất lượng sản phẩm cây ăn trái, xã đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ dân; đồng thời, hướng dẫn cho các hộ cách thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục, tuân thủ quy định theo nguyên tắc 4 đúng. Mặt khác, địa phương cũng tích cực hỗ trợ nông dân trong việc cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu.
Ông Cao Xuân Nghiêm - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đức Phổ cho biết, theo quy định, vùng được cấp mã số vùng trồng phải đáp ứng đủ yêu cầu về diện tích, ít nhất là 2 ha trở lên, tùy theo từng loại cây trồng. Trên cơ sở đó, địa phương đã lựa chọn các loại cây trồng có lợi thế để xây dựng quy trình cấp mã số vùng trồng. Đồng thời, phổ biến cho các hộ dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón danh mục cho phép, đảm bảo đủ thời gian cách ly; thực hiện ghi chép các công đoạn chăm sóc cây trồng...
Mặt khác, dưới sự hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp, Hội Nông dân và Trung tâm Nông nghiệp huyện Cát Tiên, Hội Nông dân xã Quảng Ngãi đã trực tiếp xuống từng chi hội, từng vườn cây ăn trái để tuyên truyền cho hội viên nông dân biết được mục đích, hiệu quả khi tham gia chương trình cấp mã số vùng trồng cho các vườn cây ăn trái. Qua công tác tuyên truyền thì tất cả các hội viên nông dân trồng cây ăn trái hưởng ứng đăng ký tham gia chương trình cấp mã số vùng trồng. Cụ thể, đến nay, xã Đức Phổ đã đăng ký xây dựng mã số vùng trồng bưởi với diện tích 15,8 ha/13 hộ để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ; xây dựng mã số vùng trồng cây sầu riêng với diện tích 80ha/37 hộ để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Ông Trần Quang Trừng - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên cho biết, để nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch là phải có mã số vùng trồng. Đây là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Chính vì vậy, ngay từ khi có văn bản yêu cầu cấp mã vùng trồng cho các vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, UBND huyện Cát Tiên đã chỉ đạo các đơn vị, ngành chức năng khẩn trương vào cuộc.
Đến nay, huyện Cát Tiên đã hoàn thành hồ sơ và đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét công nhận mã số vùng trồng cho 7 vùng cây ăn trái trên địa bàn với tổng diện tích 430,23 ha. Cụ thể, 1 mã số vùng trồng cho cây măng cụt tại xã Đức Phổ với diện tích 10,03 ha/16 hộ; 1 mã số vùng trồng cho cây bưởi tại Quảng Ngãi với diện tích 15,8ha/13 hộ; 5 mã số vùng trồng cho cây sầu riêng với tổng diện tích 404,4 ha/174 hộ tại các xã Quảng Ngãi, Đồng Nai Thượng, Tiên Hoàng, Nam Ninh.
“Việc tham gia các chương trình mã số vùng trồng sẽ góp phần đảm bảo cho người nông dân đáp ứng các yêu cầu về sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Đồng thời, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và nâng cao giá trị, giá thành sản phẩm và thu nhập”, ông Trừng cho biết thêm.
Đề xuất cấp 2 mã số vùng trồng măng cụt và bưởi da xanh cho huyện Cát Tiên
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật về việc đề nghị cấp mã số vùng trồng cho 2 vùng trồng măng cụt và bưởi da xanh của huyện Cát Tiên gồm: Vùng trồng măng cụt của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Đức Phổ với diện tích 10,03 ha/16 hộ tại Thôn 3, xã Đức Phổ; vùng trồng bưởi da xanh của Hợp tác xã Cây ăn trái xã Quảng Ngãi với diện tích 15,8 ha/13 hộ tại Thôn 1, xã Quảng Ngãi. Sau khi kiểm tra đánh giá vùng trồng theo Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020/BVTV, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đề nghị Cục Bảo vệ thực vật xem xét cấp mã số vùng trồng đối với các sản phẩm trên. Qua đó, tạo tiền đề để sản phẩm trái măng cụt xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và bưởi da xanh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.