Câu chuyện của Chu Ngọc Quang Vinh và những điều cần suy ngẫm

ĐTO - Câu chuyện học sinh Chu Ngọc Quang Vinh đăng dòng trạng thái trên trang cá nhân tối 1/9/2024 là tiếng chuông cảnh tỉnh trong công tác giáo dục tư tưởng cho học sinh đối với ngành giáo dục.

Từ sáng ngày 2/9/2024 đến nay, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều clip đăng tải thông tin học sinh Chu Ngọc Quang Vinh, lớp 12 Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (tỉnh Yên Bái) có phát biểu vô ơn trong thời điểm cả nước đang chuẩn bị mừng Kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024). Là giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, tôi vô cùng bất ngờ và tự hỏi chuyện gì đang xảy ra đối với một học sinh giỏi, học trường chuyên mang tên Bác. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng vào cuộc, qua làm việc, em Chu Ngọc Quang Vinh đã nhận thức được những phát ngôn của mình là trái với quy định của pháp luật, tự nguyện gỡ bỏ bài đăng và viết lời xin lỗi đăng lên trang cá nhân.

Dù hành vi của Quang Vinh là sai trái, nhưng với nhận thức chưa đầy đủ của một học sinh phổ thông thì có thể chúng ta sẽ bao dung cho em. Nhưng qua câu chuyện của Quang Vinh, chúng ta cần có nhiều điều suy ngẫm.

Thứ nhất, các nhà trường theo đuổi mục tiêu chất lượng, đó là cách tiếp cận chưa đầy đủ.

Đào tạo một học sinh giỏi, có kiến thức sâu, rộng và đạt nhiều thành tích trong các kỳ thi, giành nhiều giải thưởng là điều đáng tự hào cho các nhà trường, các địa phương. Tuy nhiên, điều đó có lẽ chưa đủ khi chúng ta chưa đo được nhận thức của các em về các vấn đề xã hội, về trách nhiệm cá nhân đối với nhà trường, quê hương và đất nước. Sự lệch lạc nhận thức của học sinh về các vấn đề văn hóa, xã hội, chính trị là một nguy cơ có thật, là cơ hội để các thế lực thù địch tận dụng để thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ của ta.

Các nhà trường xem mảng chuyên môn là xương sống của nhà trường, với cách tiếp cận này thì chuyên môn là quan trọng nhất, chất lượng chuyên môn là yếu tố hàng đầu để đánh giá chất lượng nhà trường. Chính cách tiếp cận như thế đã tạo ra một khoảng trống lớn trong công tác giáo dục, vì sẽ vô tình xem nhẹ công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh, đặt nặng mục tiêu chuyên môn xuyên suốt quá trình dạy học. Điều này sẽ làm cho học sinh ảo tưởng sức mạnh khi đạt thành tích học tập cao và khó tránh khỏi lệch lạc trong nhận thức.

Qua câu chuyện của Chu Ngọc Quang Vinh, các trường cần nhìn lại cách tiếp cận về chất lượng, hiệu quả giáo dục của nhà trường một cách đầy đủ hơn. Trong đó, yếu tố giáo dục tri thức chuyên môn và yếu tố giáo dục nhận thức về chính trị, về các vấn đề xã hội phải được đặt ở vị trí ngang hàng nhau để đào tạo ra những thế hệ học sinh vừa có kiến thức, kỹ năng tốt vừa có thái độ, phẩm chất đáp ứng tiêu chuẩn con người Việt Nam toàn diện trong thời đại mới.

Thứ hai, công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh chưa được đặt ngang hàng với hoạt động dạy và học.

Không khó để nhận ra trong chương trình giáo dục nhà trường, phần lớn thời gian dành cho hoạt động dạy và học. Thời gian dành cho các hoạt động giáo dục chỉ chiếm một tỉ trọng khiêm tốn, nhất là công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh vẫn chưa được chú trọng đúng mức, vẫn giữ vai trò thứ yếu trong hoạt động của nhà trường. Chính cách tiếp cận ấy, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh vẫn chưa được đặt ngang hàng với hoạt động dạy và học.

Thời gian tới, các cấp quản lý giáo dục cần có cái nhìn đầy đủ và có hành động thực chất để nâng vị trí của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong các cơ sở giáo dục ngang tầm với hoạt động dạy và học. Từ đó giúp học sinh có sự nhận thức đầy đủ, đúng đắn về các vấn đề văn hóa, xã hội, chính trị... của đất nước, tạo sức “đề kháng” ban đầu để chống lại những thủ đoạn của các thế lực thù địch nhắm vào các em.

Thứ ba, quan tâm hơn nữa công tác giáo dục lịch sử dân tộc, lòng yêu nước cho học sinh.

Một vấn đề nhức nhối trong thực tiễn giáo dục ngày nay là vấn đề dạy và học lịch sử, vấn đề giáo dục truyền thống của dân tộc và lòng yêu nước trong học sinh. Thực tiễn cho thấy, sự hiểu biết và yêu thích lịch sử trong giới trẻ đang sụt giảm nghiêm trọng, đây là một khoảng trống trong nhận thức của các em, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để lấp đầy bằng những tư tưởng sai lệch. Trường hợp em Chu Ngọc Quang Vinh là một minh chứng cho thấy sự thiếu hụt tri thức lịch sử, sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức công dân dẫn đến sự vô ơn đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì nền độc lập của dân tộc. Đó là một sự cá biệt, không thể quy chụp cho cả một thế hệ, nhưng đó cũng là một sự cảnh tỉnh để chúng ta nhìn lại công tác giáo dục lịch sử dân tộc, giáo dục lòng yêu nước trong học sinh thời gian qua. Vì vậy, cần thiết phải có sự rà soát, chấn chỉnh kịp thời để không phải xuất hiện thêm nhiều trường hợp tương tự trong thời gian tới.

Có lẽ đã đến lúc các nhà giáo dục cần nhìn lại và đặt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, lịch sử dân tộc và lòng yêu nước đối với thế hệ trẻ đúng với tầm vóc, sứ mệnh của nó.

Huỳnh Văn Mến

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/giao-duc/cau-chuyen-cua-chu-ngoc-quang-vinh-va-nhung-dieu-can-suy-ngam-125449.aspx