Câu chuyện đẹp về một người thầy

Hơn 20 năm bén duyên với nghề, thầy giáo Trần Văn Hòa, giáo viên Trường THCS Phú Dương (quận Thuận Hóa) đã đến với các em học sinh bằng cả nhiệt tâm của một người thầy.

Thầy Trần Văn Hòa (bìa trái) bên các em học sinh trong một hoạt động ngoại khóa tại trường

Thầy Trần Văn Hòa (bìa trái) bên các em học sinh trong một hoạt động ngoại khóa tại trường

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngư dân đông con ở thôn Lê Bình, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, thầy Trần Văn Hòa đã nuôi ước mơ được đứng trên bục giảng ngay từ những ngày còn theo ba mẹ sống lênh đênh trên sông nước. Thầy Hòa kể: “Nhà tôi có 11 anh chị em lớn lên ở thôn vạn đò. Cả gia đình sống ở chiếc đò mưu sinh bằng nghề chài lưới trên phá Tam Giang. Lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn đói nghèo, trong môi trường “ít chữ”, song ba mẹ tôi quyết tâm không để con thất học. Ý thức được nỗi vất vả và thương bố mẹ, anh em chúng tôi quyết tâm học hành, để sau này thoát khỏi cảnh lênh đênh trên sông nước, trở thành người có ích cho xã hội”.

Sau nhiều năm sống trên đò, đến năm 1993, cả gia đình mới mua được nhà và thoát khỏi cảnh lênh đênh sông nước. Những ngày tháng cùng bố mẹ thả lưới, lội sông, nhìn những đứa trẻ lớn lên giữa vùng quê đầy nắng gió, Hòa thật sự đồng cảm. Cậu bé ước mơ lớn được đem con chữ đến với tuổi thơ nghèo. Tốt nghiệp 12, không do dự, anh đăng ký thi vào ngành sư phạm. Tháng 2/2002, Trần Văn Hòa chính thức trở thành thầy giáo dạy Văn ở Trường THCS Vinh Hà (Phú Vang). Dạy học ở đây hơn 17 năm, thầy Hòa được chuyển đến dạy ở Trường THCS Phú Dương (quận Thuận Hóa) cho đến hôm nay.

Từ một người con dân làng chài lưới, thực hiện được ước mơ trở thành nhà giáo, với thầy Hòa, đó là niềm vui, niềm tự hào lớn. Bao nhiêu năm đi dạy, thầy Hòa gần gũi, yêu thương, hết lòng với các em học sinh ở miền quê. Ngoài giảng dạy, anh còn đam mê sáng tác. Nhiều bài thơ, truyện ngắn của anh được đăng tải trên các báo. Với tác phẩm Ngôi nhà…đò, thầy Trần Văn Hòa đoạt được 2 giải Nhất cuộc thi viết về Gia đình tôi do Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Phú Vang tổ chức năm 2020. Anh còn tích cực hướng dẫn học sinh viết bài dự thi Cây bút tuổi hồng TP. Huế đoạt giải Nhất; 2 giải triển vọng của Hội đồng Đội Trung ương.

Điều đáng trân trọng là dù cuộc sống khó khăn, song gia đình thầy Hòa có đến 3 anh em trai chọn nghề dạy học. Cả 3 anh em đều là những thầy giáo giỏi, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong giảng dạy và các hoạt động khác, được tỉnh, trung ương tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Đặc biệt, xuất thân từ cuộc sống nghèo khó nên 3 anh em thầy giáo Hòa rất thấu hiểu hoàn cảnh của học sinh ở làng quê nghèo. Thầy luôn nhớ về xóm đò của mình, về nghề chài lưới trên phá Tam Giang của bố mẹ bằng niềm tự hào. Bởi lẽ, anh luôn tâm niệm rằng, nếu không có những tháng ngày lênh đênh trên sông nước thì chưa chắc anh đã có khát vọng được đi học, được đi dạy. Vì thế, thầy Hòa luôn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo ở các trung tâm nuôi dạy trẻ em nghèo. Thầy luôn vận động người thân hiến máu nhân đạo. Tính đến nay, số lần hiến máu của cả 3 anh em thầy Hòa là 34. Thầy quan niệm: “Giọt máu mình cho đi để cứu sống được nhiều bệnh nhân. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ của anh em chúng tôi”.

Cô giáo Mai Thị Lệ Chinh, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Dương chia sẻ: “Thầy giáo Trần Văn Hòa luôn nghiêm túc, tâm huyết với nghề. Thầy luôn quan tâm các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hai năm trở lại đây, thầy đã hướng dẫn học sinh dự thi Cây bút tuổi hồng đạt kết quả tốt”.

Bài, ảnh: Văn Toản

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/giao-duc/cau-chuyen-dep-ve-mot-nguoi-thay-150611.html