Cần có tính đặc thù, tạo thuận lợi hơn cho nhà giáo

Cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà giáo tại phiên họp thứ 42 sáng 7.2, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, những quy định trong dự thảo Luật phải có tính đặc thù theo hướng tạo thuận lợi và điều kiện tốt hơn cho nhà giáo.

 Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Bảo đảm công bằng, không phân biệt nhà giáo trong công lập hay ngoài công lập

Trình bày dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà Giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo và những việc không được làm (Điều 11), tiếp thu ý kiến của ĐBQH đề nghị quy định về quyền chung của nhà giáo công lập và ngoài công lập; quy định rõ nhà giáo công lập tuân thủ theo quy định pháp luật về viên chức, nhà giáo ngoài công lập thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định pháp luật về lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 dự thảo Luật phù hợp với từng đối tượng bảo đảm công bằng, không phân biệt nhà giáo trong công lập hay ngoài công lập.

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà Giáo. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà Giáo. Ảnh: Hồ Long

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng ngoài các quy định của pháp luật có liên quan, nhà giáo còn được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, uy tín khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp (điểm c khoản 2 Điều 8). Đồng thời, Điều 41 dự thảo Luật quy định rõ, người có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, uy tín, danh dự, nhân phẩm của nhà giáo, thì tùy theo đối tượng, tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về nghĩa vụ của nhà giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định tại khoản 2 Điều 7 dự thảo Luật theo hướng coi hoạt động phục vụ cộng đồng là một trong những nội dung hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; quy định trách nhiệm của nhà giáo có ý thức tự học, học tập suốt đời, phát triển nghề nghiệp liên tục tại điểm c, khoản 1, Điều 32 dự thảo Luật. Đồng thời, quy định nghĩa vụ của nhà giáo tham gia xây dựng môi trường giáo dục an toàn, dân chủ, đổi mới, sáng tạo tại điểm e, khoản 2, Điều 9 dự thảo Luật và trách nhiệm trong việc phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, phát huy phẩm chất và năng lực của người học tại điểm d khoản 2 Điều 9.

Nhà giáo là viên chức đặc thù nên ngoài những quyền của viên chức được quy định tại Luật Viên chức, thì nhà giáo được thêm một số quyền khác và điều này được thể hiện khá rõ tại Điều 8 dự thảo Luật. Ghi nhận điều này, song theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, về nghĩa vụ của nhà giáo, tại Điều 9 dự thảo Luật quy định “nhà giáo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của pháp luật về viên chức” là "đúng nhưng chưa hoàn toàn phù hợp". Bởi lẽ, không phải nghĩa vụ nào của viên chức, giáo viên cũng phải thực hiện đầy đủ.

Đơn cử, Điều 24 dự thảo Luật quy định về đánh giá đối với nhà giáo, theo đó, nhà giáo thực hiện kiểm điểm, đánh giá vào cuối năm học, còn theo Luật Viên chức thì viên chức thực hiện đánh giá, kiểm điểm vào tháng 12. “Thế bây giờ nhà giáo có phải đánh giá lại vào tháng 12 nữa không? Hay là nhà giáo một năm phải đi kiểm điểm, đánh giá 2 lần? Tôi nghĩ rằng có lẽ là một lần thôi”. Nêu quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị nên cân nhắc thêm quy định về quyền, nghĩa vụ của giáo viên cho hợp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, nhà giáo là đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật Viên chức và khi xây dựng dự án Luật Nhà giáo đã xác định không nhắc lại tất cả nội dung Luật Viên chức đã quy định, trừ những vấn đề mới, mang tính đặc thù của nhà giáo.

Sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo xuất phát từ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta coi giáo dục là một trong 2 quốc sách hàng đầu, bên cạnh khoa học công nghệ. Do đó, việc ban hành luật riêng về nhà giáo để có những quy định đặc thù, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, thống nhất trong quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn. Với cách tiếp cận như vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, so với Luật Viên chức, những quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo phải có tính đặc thù theo hướng tạo thuận lợi hơn và tạo điều kiện tốt hơn cho nhà giáo. Ngoài những nghĩa vụ chung được pháp luật quy định đối với viên chức, dự thảo Luật có thể quy định những nghĩa vụ khác, mang tính đặc thù gắn với nhà giáo, song cần cân nhắc quy định một cách hợp lý.

Tạo sự chủ động trong tuyển dụng, phát triển nhà giáo

Góp ý vào nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận thấy, quy định về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo tại Điều 14 dự thảo Luật có điểm khác so với quy định về tuyển dụng đối với viên chức. Điểm b, khoản 2, Điều 14 dự thảo Luật quy định “đối với cơ sở giáo dục công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng nhà giáo hoặc phân cấp cho cơ quan quản lý giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng…”.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Bày tỏ thống nhất với quy định này, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng thấy rằng, điểm khác của quy định này so với quy định về thẩm quyền tuyển dụng viên chức là ngoài phân cấp cho người đứng đầu cơ sở giáo dục, thì dự thảo Luật đang quy định phân cấp cho cả cơ quan quản lý giáo dục. Trong khi đó, Luật Viên chức chỉ phân cấp cho người đứng đầu cơ sở.

“Như vậy chúng ta đang mở ra và lại hạn chế bớt quyền của cơ sở giáo dục công lập”. Chỉ ra điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, cần làm rõ quy định này sẽ tạo thuận lợi hơn hay sẽ bó buộc hơn đối với cơ sở giáo dục so với quy định của Luật Viên chức?

Mặt khác, dự thảo Luật đang quy định vấn đề phân cấp thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho các cơ sở giáo dục công lập. Ở địa phương, việc phân cấp này sẽ chủ yếu do UBND cấp tỉnh phân cấp hoặc UBND cấp huyện phân cấp cho các cơ sở giáo dục THPT, THCS… Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, cần rà soát lại rất kỹ với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Bởi, rất nhiều quy định về phân cấp, ủy quyền trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đang được sửa theo hướng quy định khái quát về nguyên tắc phân cấp, ủy quyền và không quy định chi tiết như trong hai luật hiện hành.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chủ trương hiện nay là thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để. Lưu ý quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, thẩm quyền tuyển dụng đối với giáo viên nên được phân cấp cho cơ sở giáo dục công lập, kể cả với cơ sở giáo dục công lập đã được giao hay chưa được giao quyền tự chủ; người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, không nên quy định “cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng hoặc chủ trì tham mưu việc phân cấp tuyển dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chưa được giao quyền tự chủ” với lý do cơ quan quản lý nhà nước chỉ hoạch định chính sách, kiểm tra, thanh tra. “Ta đã có quy chuẩn, tiêu chuẩn tuyển dụng, có nghị định, thông tư quy định điều này; ông tuyển không được, không đúng là tôi thổi còi, còn việc tuyển dụng là để cơ sở giáo dục làm...”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao thẩm quyền cho ngành giáo dục chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển nhà giáo nhằm đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ. Đồng thời, thống nhất giao Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của từng Bộ, ngành liên quan, nhất là giao thẩm quyền quản lý nhà nước về nhà giáo ở các địa phương cho UBND cấp tỉnh đối với nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương. Trong đó, quy định rõ vai trò chủ trì tham mưu của ngành giáo dục trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhà giáo trên địa bàn theo quy định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục rà soát, cập nhật quan điểm về phân cấp, trong đó có việc phân cấp thẩm quyền tuyển dụng của cơ sở giáo dục trên cơ sở quan điểm nêu trên. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần nghiên cứu nội dung vừa tiếp thu và giải trình đối với các cơ sở giáo dục đủ năng lực và điều kiện, thì tiếp tục thực hiện giao thẩm quyền đó.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-co-tinh-dac-thu-tao-thuan-loi-hon-cho-nha-giao-post403871.html