Câu chuyện dịch bệnh
Câu chuyện về bệnh bạch hầu, làm tôi nhớ về đại dịch Covid-19, một trong những đại dịch làm ngưng trệ mọi hoạt động của con người khắp nơi trên thế giới.
Thời gian gần đây, thông tin về bệnh bạch hầu xuất hiện ở một vài nơi, làm cho mọi người lo lắng. Đặc biệt, có một bệnh nhân tử vong vì bệnh bạch hầu ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Nguyên nhân tử vong là vì điều trị không kịp thời, người mắc bệnh chủ quan, tự mua thuốc dùng trong gần một tuần, từ khi nhiễm bệnh. Và đi kèm với ca bệnh này, thì 119 người được cách ly, theo dõi.
Bạch hầu là một bệnh nguy hiểm, khả năng lây nhiễm cao, đặc biệt qua đường hô hấp, tiếp xúc gần. Thậm chí còn lây qua đường trung gian, như đồ chơi, hay vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh, và cả việc lan qua vùng da bị tổn thương. Đối với người mắc bệnh, nguy cơ tử vong cao, nếu không được điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, theo thông tin từ báo chí, chuyên gia trả lời là bệnh bạch hầu không thể phát triển thành dịch, không thể lây lan ra cộng đồng trên diện rộng, bởi chỉ có những ca chưa tiêm chủng ngừa mới có nguy cơ mắc bệnh.
Hiện nay, chưa có vaccine đơn phòng bệnh bạch hầu, nhưng trong việc tiêm chủng mở rộng, trong vaccine có thành phần kháng nguyên bạch hầu. Và việc tiêm chủng mở rộng này, phủ sóng khắp cả nước, 90 – 95% dân số. Chỉ trừ những nơi vùng sâu vùng xa, khó khăn, nên tỉ lệ tiêm chủng thấp.
Trường hợp cô gái tử vong cũng nằm trong vùng được tiêm chủng thấp, Kỳ Sơn là một huyện vùng sâu vùng xa, khó khăn, của tỉnh Nghệ An.
Vậy nên, mọi người không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, không được chủ quan. Như trường hợp liên quan đến ca bệnh tử vong, và diện F1 của ca bệnh, chính quyền vẫn điều tra sự di chuyển của bệnh nhân, để tầm soát khả năng lây bệnh, cũng như cho xử lý môi trường, khử trùng, diệt khuẩn ở những nơi có nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng.
Dù chuyên gia khẳng định, những người có nguy cơ mắc bệnh là khi tiếp xúc gần, lúc bệnh nhân hắt hơi, sổ mũi, người tiếp xúc chưa được tiêm ngừa đầy đủ. Tuy nhiên, phòng vẫn hơn chống, mỗi người phải tự biết bảo vệ bản thân mình.
Câu chuyện về bệnh bạch hầu, làm tôi nhớ về đại dịch Covid-19, một trong những đại dịch làm ngưng trệ mọi hoạt động của con người khắp nơi trên thế giới. Đi kèm với sự ngưng trệ đó là biết bao cái chết thương tâm, biết bao câu chuyện đầy đau xót, và nhiều người trong chúng ta thay đổi hoàn toàn số phận, từ một người có niềm hạnh phúc như bao người, trở thành sự bất hạnh, khi những người thân bên cạnh đã ra đi vĩnh viễn.
Đến thời điểm hiện tại, tuy cuộc sống của chúng ta đã diễn ra bình thường, nhưng đâu đó trong cộng đồng vẫn còn nhiều người mang nặng sự thương tổn, sự đau đớn, chưa thể nào lành lặn lại được. Làm sao một người có thể quên đi, rằng trước đó vài ngày, bao người thân bên cạnh, và sau đó là mãi mãi xa nhau. Vết thương lòng đó, nỗi đau tinh thần đó, tâm hồn vụn vỡ đó, có khi cả đời cũng không phai nhạt.
Con người sống trong cõi trần này, ai không mong mình bình an, hạnh phúc, nhưng đôi khi, cuộc sống lại diễn ra đâu như ý muốn.
Trong cơn đại dịch Covid – 19 đó, với riêng cá nhân tôi, cũng có nỗi đau tương tự, khi người anh ruột ra đi. Nguyên nhân cái chết của anh, không phải vì anh mắc virus, mà do vào trúng thời điểm anh điều trị bệnh thì gặp đúng lúc chính phủ khuyến cáo hạn chế đưa bệnh nhân lên tuyến trên, để phòng sự lây lan của dịch bệnh. Và không may, anh đã ra đi. Thực tế, với việc điều trị viên sỏi đường tiết niệu như của anh, ở bệnh viện tỉnh, chắc chắn không thể nào dẫn đến tử vong.
Trường hợp của anh chỉ là một trong vô vàn trường hợp, vì không được đưa lên tuyến trên để điều trị kịp thời, mà bệnh nhân không qua khỏi. Tuy nhiên, vào thời điểm đại dịch, chuyện xảy ra cũng không tránh khỏi.
Sự ra đi của anh, để lại trong tôi một khoảng trống, mà đến bây giờ, dù mấy năm đã qua, nhưng nó vẫn còn đó. Vậy thì, những người mất hết những người thân bên cạnh, sau đại dịch, sao có thể vơi đi?
Hôm nay, cuộc sống của chúng ta trở lại nhịp độ bình thường, dù hệ quả do đại dịch Covid – 19 vẫn còn dài lâu, nhưng cơ bản là tâm thế của con người đã ở trong trạng thái tâm lý bình thường.
Qua đại dịch, nhiều người trong chúng ta phát triển được đời sống tốt hơn, cả về kinh tế và tinh thần. Nhưng bên cạnh đó, nhiều người chìm sâu vào nợ nần không lối thoát, nhiều người thất nghiệp bơ vơ, nhiều gia đình rơi vào cảnh túng quẫn.
Dù biết rằng, cuộc sống vốn phân hóa giàu nghèo, cũng là lẽ tất nhiên của xã hội, nhưng chúng ta vội quên đi những bài học đắt giá, trong thời điểm dịch Covid – 19 bùng phát dữ dội, thì thật tiếc lắm thay?
Với sự phát triển của xã hội loài người ngày nay, câu chuyện dịch bệnh sẽ là câu chuyện có khả năng lặp đi lặp lại, như năm 2003 chúng ta gặp đại dịch SARS, năm 2004 là dịch cúm H5N1, năm 2009 là dịch cúm A/H1N1, dịch Ebula xảy ra năm 2014,…
Sự quên đi nỗi đau, mất mát, để hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn, thì tốt, bởi cuộc sống cần nên như vậy, chúng ta cần hướng về những điều tích cực. Nhưng nếu chúng ta quên đi những bài học về sự hiện hữu mong manh của kiếp người, về sự thành bại trong gang tấc, về cái chết và sự sống tiềm ẩn trong thoáng chốc, mà mãi lao vào tham đắm vật chất, tranh đấu hơn thua, thì sao không nuối tiếc?...
Bệnh bạch hầu là một loại bệnh nguy hiểm, nhưng chắc chắn không lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nó, giúp nhắc nhớ chúng ta biết trân trọng cuộc sống hơn, biết trân quý tình cảm giữa người với người hơn, biết sống hướng đến sự nhân ái và bao dung hơn, thì tốt biết bao. Bởi không sớm thì muộn, chúng ta lại phải đối mặt với một loại dịch bệnh nào đó, trong tương lai…
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cau-chuyen-dich-benh-204240711064940143.htm