Câu chuyện thứ năm mốt: Tôi nhập ngũ vì sự thúc giục của trái tim

Khám nghĩa vụ quân sự, cân nặng 42kg. Trong đầu thoáng nghĩ: '42kg có đậu nghĩa vụ quân sự không?' trong khi tôi đã quyết tâm tình nguyện nhập ngũ vì trái tim tôi đã thúc giục rồi'.

Đó là câu chuyện của 34 năm trước.

Trước ngày kiêu hãnh lên đường tòng quân (ngày 8-3-1989), tôi được lệnh gọi đi khám nghĩa vụ quân sự. Cuối những năm 1980, quê tôi (xã Nga Tân, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) nghèo lắm. Từ nhà đến trung tâm huyện cách xa 6km, chưa có một mét đường nhựa. Sáng ấy, tôi “cuốc bộ” lên huyện. Thanh niên “nhà quê” 18 tuổi bỡ ngỡ “tò te” như “nai tơ”. Một anh sĩ quan đeo hàm trung úy gọi tên tôi vào khám “vòng 1” (cân nặng, chiều cao) rồi đọc “cao 152, nặng 42” và đưa cho tôi tờ giấy A3 màu cánh gián (Trích yếu 63). Tôi cầm tờ giấy nghĩ thầm trong bụng: “Có 42kg sao vào bộ đội đây!”. Thoáng buồn. Rồi “đánh liều” “giấu nhẹm” tờ giấy đó vì nghĩ “cân nhầm, mình phải nặng hơn”, và xin “khám lại vòng 1”. Tôi hồi hộp chờ đợi. Anh sĩ quan trung úy đọc dõng dạc “nặng 41”. Tôi đổ mồ hôi, nghĩ trong đầu: “Lúc nãy cân 42kg, giờ còn 41, sao mà đi bộ đội được?”. Trấn tĩnh, tôi quyết định cầm tờ “Trích yếu 63” đầu tiên có số cân “nặng 42kg” đi khám tiếp.

Sau khi khám tất cả các phòng, tôi cầm tờ giấy trên tay, ứa nước mắt đọc dòng chữ “Trúng nghĩa vụ quân sự năm 1989”. Đêm đó tôi không sao ngủ được. Phần vì vui mừng được đi bộ đội, phần thương bố mẹ già ở nhà vất vả vì ngày tòng quân đã cận kề.

Ngày 8-3-1989, tôi hăng hái lên đường nhập ngũ. Lần đầu tiên xa quê hương, gia đình nỗi nhớ thắt ruột nuốt vào lòng. Gương mặt già nua của mẹ lúc tiễn chân khiến tôi xúc động. Xe chuyển bánh, bóng hình mẹ và làng xóm xa dần. Đó là chuyến đi xa đầu đời không thể nào quên với tôi.

Tác giả chụp ảnh tháng 12-1994, ngay sau khi ra trường, trước ngày đi nhà giàn DK1 (phúc nguyên 2A).

Tác giả chụp ảnh tháng 12-1994, ngay sau khi ra trường, trước ngày đi nhà giàn DK1 (phúc nguyên 2A).

Vào quân ngũ tôi được biên chế về Tiểu đoàn 474, Lữ đoàn 147 Hải quân đóng quân tại Yên Hưng (Quảng Ninh). Ngày dãi nắng tập bắn trên đồi Khe Giá, đêm huấn luyện vượt sông Chanh. Những gian khổ vất vả cộng với nỗi nhớ nhà có lúc tưởng chừng “không vượt qua”. Nhưng hình ảnh kiêu hãnh tự hào của người chiến sĩ hải quân đứng gác ngoài hải đảo cứ thúc giục trong tim tôi. Trong lòng tự nhủ: “Càng khó khăn càng vững niềm tin. Ước mơ theo đường binh nghiệp thì dù khó khăn gian khổ mấy cũng quyết tâm vượt qua”.

Sau 6 tháng quân trường, tôi được điều về Bộ Tham mưu Hải quân (Hải Phòng) làm lính vệ binh của Bộ Tư lệnh. Sau đó tôi viết đơn đi học Sĩ quan Chính trị quân sự tại Trường Sĩ quan Chính trị - Quân sự đóng quân tại Bắc Ninh - Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh). Sau 4,5 năm đèn sách, tháng 10-1994 tôi ra trường với “lon trung úy”. Thời ấy, “lon trung úy” không phải là hiếm trong sĩ quan trẻ, song chàng trai 23 tuổi trẻ măng đeo hàm trung úy như tôi quả là nhiều người mơ ước.

Tôi được điều về Lữ đoàn 171 Hải quân, rồi ra nhà giàn DK1 Phúc Nguyên 2A nhận nhiệm vụ. Những thập niên 90 của thế kỷ XX, đời sống của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 còn rất nhiều gian khổ. Ngoài phải đối mặt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nắng gió quanh năm, còn phải “nén lòng” với nỗi nhớ quê hương, gia đình canh cánh. Thủa ấy, phương tiện thông tin cũng chưa hiện đại như bây giờ. Mọi thông tin từ đất liền ra Nhà giàn chủ yếu viết thư tay. Báo chí 2 tháng đọc 1 lần. Thức ăn hằng ngày chủ yếu là cá biển. Rau xanh chia từng lọn nhỏ, nước ngọt dè sẻn từng ca… khó khăn thiếu thốn, gian khổ là vậy, nhưng chúng tôi chẳng hề nao núng tinh thần. 11 năm đi nhà giàn DK1, là 11 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Sau những ngày tháng “sống với biển, vui buồn với biển”, tôi được vào công tác ở đất liền. Trải qua nhiều chức vụ công tác và thăng trầm cuộc sống, điều làm tôi hãnh diện nhất là đã được làm anh Bộ đội Cụ Hồ với “bản lĩnh thép” của người lính thời bình, biết sống vì đồng đội và sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần….

Mùa xuân năm 2023, hàng vạn thanh niên trên mọi miền đất nước lên đường tòng quân thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Có thanh niên nhập ngũ vì nối tiếp truyền thống gia đình, có thanh niên lên đường theo Luật Nghĩa vụ quân sự. Song chắc chắn rằng, có hàng ngàn chiến sĩ xung phong tòng quân vì sự thúc giục của trái tim như trái tim tôi trước đây từng thúc giục. Đó là trái tim biết hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, cho dân tộc và quê hương Việt Nam.

MAI THẮNG (30 Phước Sơn, đường 11, phường 11, Thành phố Vũng Tàu)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cau-chuyen-thu-nam-mot-toi-nhap-ngu-vi-su-thuc-giuc-cua-trai-tim-719545