Câu chuyện truyền cảm hứng của cậu bé đánh giày
Từng là trẻ đường phố, Nguyễn Văn Phúc đánh giày 10 năm và thi đỗ Đại học. Từ những đồng tiền ít ỏi làm vốn, Phúc cùng người bạn đồng sự khởi nghiệp bằng xưởng chăm sóc đồ da và giang tay đón nhận những đứa trẻ đường phố về làm với mình.
Cậu bé 10 năm đánh giày thi đỗ đại học
Nguyễn Văn Phúc sinh năm 1990 tại huyện Thanh Oai, Hà Nội. Phúc là con trai duy nhất trong một gia đình có 5 anh chị em tại huyện Thanh Oai, Hà Nội. Năm 2001, sau khi bố mất vì bệnh trọng, Phúc bắt đầu gia nhập đội quân đánh giày của làng.
Theo lời Phúc, nghề đánh giày giống như nghề gia truyền trong làng, có khi bố mẹ đánh giày rồi con cái cũng lại theo gót đi đánh giày, như một vòng tròn không có lối ra. Anh vừa đánh giày trang trải việc học, vừa nuôi giấc mơ thay đổi cuộc sống của mình. Hơn ai hết, Phúc luôn hiểu, cách để thay đổi cuộc đời của mình chỉ có thể là con đường học.
Để thực hiện được điều đó, mỗi ngày Phúc dậy từ 3-4h sáng, bắt xe ra Hà Nội rồi rong ruổi các con đường để đánh giày mưu sinh. Đều đặn như vậy, cứ sáng học thì chiều đi đánh giày và ngược lại. “Khi ấy, mẹ tôi không biết việc con đi đánh giày. Cứ sáng sớm, tôi mang đồ nghề đi, trưa lại bắt xe về ăn vội bát cơm sau đó lên lớp. Công việc này được duy trì tới khi tôi lên đại học" - anh Phúc kể lại.
Câu chuyện của Phúc đã từng truyền cảm hứng mạnh mẽ năm 2010 khi kiên trì 10 năm đánh giày thi đỗ Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Anh cũng bén duyên với công việc truyền hình cho tới mãi bước ngoặt năm 2015. Khi đó, anh đã bỏ lại sau lưng công việc của truyền hình để tiếp tục với những đôi giày. Qua những lần đánh giày cho khách, anh bắt đầu được tiếp xúc với lượng đồ hiệu khá nhiều.
"Vốn có sẵn kiến thức về da giày, tôi tìm hiểu và nghiên cứu một số quy trình và sản phẩm bảo dưỡng đồ da. Sau một thời gian, tìm được vật liệu và quy trình phù hợp, tôi quyết định kinh doanh theo hướng bảo dưỡng đồ da với phân cấp cao hơn một chút so với trước. Ý định này được ấp ủ từ năm 2015, cho tới năm 2018, tôi mới có cơ hội bắt tay vào làm" - anh hồi tưởng
Con đường khởi nghiệp luôn có những chông gai, tới năm 2019, anh Phúc “nhặt được” Chiến - "đồng nghiệp đường phố" hai anh em cùng chung tay mở xưởng với số vốn ít ỏi 100 triệu đồng.
Nơi khởi nghiệp ban đầu của hai anh em là một căn phòng nhỏ tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ban ngày, hai anh em loay hoay sửa chữa đồ da cho khách. Tối đến, mỗi người một nơi, làm xe ôm, đánh giày để trang trải cuộc sống. Đến nay, Bệnh viện đồ da của anh Phúc đã có tệp khách hàng ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhiều anh em. Điều đặc biệt, những đồng sự của Phúc cũng có chung đặc điểm đó là những đứa trẻ của đường phố.
Ngôi nhà của những người yếu thế
Sau một thời gian lăn lộn, xưởng đồ da dần có khách hàng ổn định. Khi xưởng phát triển hơn, anh Phúc và Chiến lại thêm đón những "anh em đường phố" về cùng làm với mình.
Hồi tưởng lại, Nguyễn Viết Chiến, quê Thanh Hóa, không thể quên ngày gặp anh Phúc. Từ vùng quê nghèo Thanh Hóa, Chiến có người bố bị bệnh hiểm nghèo, anh cũng phải nghỉ học để dành cho chị gái có thể tiếp tục học trên Giảng đường. Bán đi chiếc xe đạp cũ, Chiến lên Hà Nội “khởi nghiệp” đánh giày chỉ với số tiền 100.000 đồng. Ngày ngày, Chiến lang thang quanh khu Mỹ Đình để tìm khách. Số tiền kiếm được từ công việc đánh giày dù ít ỏi chỉ đủ để Chiến trang trải cuộc sống. Cuộc gặp với Phúc đã thay đổi Chiến. "Đừng lang thang đánh giày nữa. Về làm cùng anh không?" – Phúc hỏi, và nói về ước mơ mở một xưởng đồ da, nơi anh em được sống, được làm việc như một gia đình, Chiến liền gật đầu đồng ý.
Nguyễn Văn Băng, quê Thanh Hóa, từng có quãng thời gian dài mưu sinh trên đường phố. Mất bố năm 17 tuổi, anh rời quê lên Hà Nội với vỏn vẹn 7.000 đồng trong túi. Công việc đầu tiên của anh khi đặt chân lên Thủ đô là làm phụ hồ, sau đó là “đồng nghiệp” đánh giày cùng Phúc. Sau nhiều biến cố và mất phương hướng trong cuộc sống, Phúc và Chiến lúc ấy đã mở xưởng đồ da và gọi Băng về làm cùng.
Là em út trong xưởng, hoàn cảnh của Trịnh Đình Thái, quê Thanh Hóa, không khác nhiều so với các đàn anh đi trước. Thái nghỉ học từ năm lớp 11 vì số tiền đóng học phí trở thành gánh nặng quá lớn với gia đình. Không có nhiều lựa chọn, Thái quyết định lên Hà Nội tìm cách mưu sinh.
"Khi ra Hà Nội, tôi may mắn được các anh đồng hương gọi về đây làm. Mới đầu cũng chưa biết gì, đến giờ thì tôi đã làm được hết mọi việc, tiền công nhận được không thua kém các anh là bao. Số tiền kiếm được, tôi chỉ giữ lại một ít, còn lại gửi về cho mẹ ở quê" – Thái giãi bày.
Từng nhiều năm lăn lộn với đường phố, hơn ai hết, Phúc thấu hiểu những khó khăn mà Băng, Chiến và Thái từng đối mặt. Các anh em đều là những đứa trẻ của đường phố, bị đối xử, bị xúc phạm và coi thường. Thậm chí có người còn là nạn nhân của buôn người. Do vậy, dù là người lập nên xưởng đồ da nhưng Phúc không bao giờ coi mình là ông chủ.
"Khi quyết định mời anh em về đây làm việc, tôi luôn coi mình như một người anh chứ không phải người chủ. Tất cả anh em làm ở đây đều bước ra từ vất vả, bản thân tôi cũng vậy. Do đó tôi xem mình như một người anh đi trước giúp đỡ các em. Tôi hướng dẫn các em không chỉ là một công việc làm mà mong các em có thể sống tốt hơn và thay đổi cuộc sống của chính các em” – Phúc nói thêm.
Từ cái “nghiệp” của bản thân khi gắn với đánh giày, Phúc mở bệnh viện đồ da và chào đón những người “anh em đường phố”, những người yếu thế đến với mình. Ở đó, họ được coi như một gia đình, có một mái nhà, có được một nơi ăn chốn ở, một công việc trong sáng và được làm lại cuộc đời.