Câu hỏi lớn giữa lúc nắng nóng 'nướng chín' nhiều nơi ở Mỹ

Một số quan chức địa phương và chuyên gia cho rằng cơ quan mới chuyên về nắng nóng ở cấp độ liên bang sẽ giúp giảm thiểu hàng trăm ca tử vong mỗi năm.

 Nắng nóng cướp đi sinh mạng của nhiều người Mỹ hơn bất cứ hiện tượng thời tiết cực đoan nào khác. Ảnh: AP.

Nắng nóng cướp đi sinh mạng của nhiều người Mỹ hơn bất cứ hiện tượng thời tiết cực đoan nào khác. Ảnh: AP.

Nắng nóng đang khiến nhiều người Mỹ thiệt mạng hơn bất cứ hiện tượng thời tiết cực đoan nào khác. Giữa cuộc khủng hoảng về khí hậu, mối nguy từ nắng nóng sẽ ngày càng tăng.

Để đối phó, một số thành phố tại Mỹ - từ Phoenix tới Los Angeles - đã bổ nhiệm các quan chức chuyên đối phó với nắng nóng, Guardian đưa tin.

“Một văn phòng thường trực về vấn đề nắng nóng rất có giá trị với thành phố chúng tôi. Trước đây thường không rõ ai là người chịu trách nhiệm”, Thị trưởng Phoenix Kate Gallego nói. Phoenix đã thiết lập văn phòng ứng phó và giảm nhẹ tác động của nắng nóng đầu tiên tại Mỹ hồi năm 2021.

Đã có những ý kiến cho rằng động thái trên cần được chính quyền liên bang Mỹ áp dụng, giúp công tác ứng phó nắng nóng nhận được nhiều nguồn lực hơn. Tuy nhiên, cũng có chuyên gia nhận định điều Washington cần làm là củng cố các cơ chế sẵn có thay vì lập ra một cơ quan mới.

Nhu cầu từ địa phương

Phoenix là một trong những thành phố nóng nhất nước Mỹ. Trong năm 2022, hạt Maricopa của bang Arizona - nơi Phoenix là thủ phủ - ghi nhận 425 ca tử vong liên quan đến nắng nóng, tăng 25% so với con số năm trước đó.

Theo bà Gallego, một cơ quan ứng phó nắng nóng ở cấp độ liên bang sẽ giúp các địa phương chia sẻ kinh nghiệm.

“Chúng tôi có khoảng 30 ý tưởng ứng phó nắng nóng. Nếu New Orleans đã biết 25 ý tưởng trong số đó nhưng họ vẫn hưởng lợi từ năm ý tưởng mới, đó sẽ là điều tuyệt vời. Các thị trưởng tại Texas - nơi đã ghi nhận quá nhiều ca tử vong trong thời gian gần đây - cũng vậy”, thị trưởng Phoenix nói thêm.

Bên cạnh đó, cơ quan điều phối liên bang có thể giúp ích cho các khu vực vốn không thường xuyên phải đối mặt với nắng nóng như vùng Tây Bắc nước Mỹ ven Thái Bình Dương. Bà Gallego nhớ lại trận lụt hiếm hoi xảy ra với Phoenix năm 2014, khi bà mới nhận nhiệm sở.

“Chúng tôi không có nhiều kinh nghiệm đối phó với lũ lụt. Tuy vậy, chính quyền liên bang thì có. Qua Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA), họ tư vấn và giúp tôi hiểu rằng mình phải tìm kiếm các bao cát khẩn cấp ở đâu, ví dụ như vậy”, bà chia sẻ.

 Nhiều khu vực tại Mỹ ghi nhận mức nhiệt đạt kỷ lục mới trong thời gian qua. Ảnh: Reuters.

Nhiều khu vực tại Mỹ ghi nhận mức nhiệt đạt kỷ lục mới trong thời gian qua. Ảnh: Reuters.

Những hoạt động chia sẻ kinh nghiệm như vậy sẽ hữu ích với vùng Tây Bắc nước Mỹ. Bà Cecilia Sorensen, chuyên gia tại Đại học Columbia, cho biết khu vực này không có kế hoạch đối phó khi phải đối mặt với “vòm nhiệt” chết người năm 2021.

“Họ kích hoạt quy trình ứng phó với thảm họa duy nhất mà họ có - nhưng là về động đất”, bà Sorensen nói. “Đây là ví dụ của sự thiếu chuẩn bị”.

Theo bà Jane Gilbert, quan chức phụ trách ứng phó nắng nóng tại hạt Miami-Dade, bang Florida, chính quyền liên bang cần hỗ trợ các địa phương thu thập số liệu người tử vong hoặc đổ bệnh để hiểu rõ tác động của nắng nóng.

“Chúng tôi không có dữ liệu tốt về số ca cấp cứu, nhập viện và tử vong”, bà Gilbert thừa nhận.

Cơ quan điều phối mới

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có các động thái cải thiện khả năng ứng phó với nắng nóng. Hồi năm ngoái, Washington ra mắt trang web liên cơ quan Heat.gov, giúp tăng cường khả năng kết nối giữa các cơ quan liên bang và chính quyền địa phương.

Heat.gov cung cấp một số công cụ hữu ích như hướng dẫn về chỉ số nhiệt hay theo dõi, dự báo tình trạng nắng nóng và tác động tới sức khỏe. Tuy vậy, theo bà Juley Fulcher, nhà vận động về y tế tại tổ chức phi lợi nhuận Public Citizen, trang web không dẫn đến thay đổi chính sách hay tăng hỗ trợ bằng vật chất từ Washington.

“Các hoạt động liên cơ quan tại Washington thường không diễn ra tốt như kỳ vọng”, bà nói.

Nếu cơ quan ứng phó nắng nóng liên bang Mỹ được thành lập, cơ quan này có thể dõi theo chính sách từ khi còn là ý tưởng tới khi hoàn thành, bà Fulcher nhận định.

Trong nhiều năm qua, bà Fulcher đã thúc đẩy quy tắc liên bang để bảo vệ người lao động khỏi nắng nóng - điều bà cho rằng có thể cứu sống hàng trăm người mỗi năm. Giới chức Mỹ đã bắt đầu soạn thảo bộ quy tắc này từ năm 2021 nhưng quá trình xây dựng luật có thể mất “một vài năm”.

 Trẻ em Mỹ giải nhiệt giữa nắng nóng. Ảnh: AP.

Trẻ em Mỹ giải nhiệt giữa nắng nóng. Ảnh: AP.

Bà Fulcher cho rằng một cơ quan thống nhất ở cấp độ liên bang sẽ coi đây là công việc ưu tiên, cũng như mở rộng thêm các hoạt động khác như giáo dục chủ sử dụng lao động hay nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực này.

Dù vậy, bà Sorensen, chuyên gia tại Đại học Columbia, cho rằng một cơ quan mới có thể không giải quyết được vấn đề. “Mỗi khu vực đều có đặc thù riêng, đòi hỏi các công tác riêng nhằm giúp công chúng có sự chuẩn bị”, bà chỉ ra.

Thay vào đó, bà đề xuất giới chức Mỹ củng cố các cơ chế sẵn có. Ví dụ, chính quyền Biden năm 2021 đã thiết lập Văn phòng Biến đổi khí hậu và Bình đẳng về y tế trực thuộc Bộ Y tế Mỹ. Tuy nhiên, cơ quan trên gặp nhiều khó khăn do không được Quốc hội Mỹ cấp đủ ngân sách và thẩm quyền.

“Chúng ta nên cấp tiền để văn phòng có thể làm việc của mình, thay vì tạo ra một hệ thống hoàn toàn mới ở nhánh hành pháp”, bà Sorensen nói.

Ở chiều ngược lại, bà Gallego khẳng định nắng nóng là vấn đề thực sự cấp thiết, xứng đáng có một cơ quan riêng phụ trách ứng phó.

“Đã đến lúc chính quyền liên bang có công cụ mới ứng phó với nắng nóng. Cả hành tinh chúng ta đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu và chúng ta cần thích nghi”, vị thị trưởng tuyên bố, khẳng định rằng cơ quan trên có thể “cứu nhiều mạng người”.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/cau-hoi-lon-giua-luc-nang-nong-nuong-chin-nhieu-noi-o-my-post1446078.html