Câu hỏi thường gặp liên quan đến chấn thương dây chằng chéo trước

Chấn thương dây chằng chéo trước là tổn thương thường gặp nhất ở đầu gối. Theo thống kê, có khoảng 70% chấn thương thể thao, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt… liên quan đến khớp gối, phổ biến nhất là chấn thương dây chằng đầu gối.

Nếu không được chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời và triệt để bệnh nhân có nguy cơ suy giảm khả năng vận động và tái phát chấn thương.

Nội dung

1. Đông y có chữa được chấn thương dây chằng chéo trước không?

2. Các phương pháp điều trị chấn thương dây chằng chéo trước

3. Chấn thương dây chằng chéo trước có chữa khỏi được không?

4. Những chú ý quan trọng đối với chấn thương dây chằng chéo trước

5. Chi phí khám chữa bệnh

1. Đông y có chữa được chấn thương dây chằng chéo trước không?

Một trong những chấn thương gối phổ biến nhất là chấn thương dây chằng chéo trước có thể là bong gân hoặc đứt.

Nếu như không may bị chấn thương dây chằng chéo trước, vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, bác sĩ có thể chỉ định điều trị phẫu thuật để đầu gối có thể phục hồi chức năng. Mặc dù đông y không chữa được chấn thương dây chằng chéo trước nhưng có nhiều bài thuốc giúp hỗ trợ điều trị phục hồi căn bệnh này.

2. Các phương pháp điều trị chấn thương dây chằng chéo trước

Dây chằng chéo trước (ACL) là dây chằng quan trọng trong ổn định khớp gối. Tổn thương dây chằng chéo trước gối thường xảy ra đối với một số người vận động tại vùng gối quá sức như: Các vận động viên thể thao, các cầu thủ bóng đá và người bị tai nạn lao động,…Bệnh ngày càng trở nên tồi tệ hơn nếu bệnh nhân không được thăm khám và điều trị kịp thời.

Việc điều trị chấn thương dây chằng chéo trước tùy thuộc vào từng bệnh nhân. Nếu chấn thương dây chằng mức độ nhẹ có thể tự lành nếu được chăm sóc đúng cách. Để khớp gối chóng lành, người bệnh cần:

Cho đầu gối nghỉ ngơi: Hạn chế di chuyển, cử động mạnh vùng gối, tránh các tác động lên gối để giảm thiểu cơn đau. Nếu được, nên sử dụng nạng cho tới khi không còn đau nhiều nữa.

Tổn thương dây chằng chéo trước gối thường xảy ra đối với một số người vận động tại vùng gối quá sức.

Tổn thương dây chằng chéo trước gối thường xảy ra đối với một số người vận động tại vùng gối quá sức.

Trong vòng 24h sau chấn thương, cần chườm lạnh đầu gối từ 20-30 phút sau mỗi 3-4 giờ để giảm sưng và đau. Tiếp tục thực hiện chườm lạnh trong 2-3 ngày sau đó hoặc đến khi hết sưng.
Nâng cao đầu gối bằng cách kê một chiếc gối phía dưới trong lúc nằm hoặc ngồi.
Mang nẹp đầu gối để ổn định vùng bị tổn thương, đồng thời bảo vệ gối không bị chấn thương thêm.
Uống thuốc giảm đau chống viêm. Bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng và cách dùng.
Vật lý trị liệu cho khớp gối: Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ thiết lập các bài tập giúp bệnh nhân.
Kiểm soát cơn đau và sưng phù.
Hiệu chỉnh cơ sinh học và duy trì sự ổn định của các khớp.
Ngăn ngừa chấn thương tái phát.
Cải thiện các triệu chứng khác như viêm gân, khó cử động chân và yếu cơ.

- Điều trị không phẫu thuật:

Điều trị không phẫu thuật thích hợp cho các chấn thương cấp độ 1. bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp cố định hoặc dùng nẹp, vật lý trị liệu, giúp bệnh nhân dần dần trở lại các hoạt động và tập luyện thể thao bình thường.

Bệnh nhân không cần phẫu thuật khi: Có vết rách nhỏ tại dây chằng chéo trước và có thể lành khi nghỉ ngơi và tập vật lý trị liệu. Không tham gia thể dục, thể thao, đặc biệt là khi bệnh nhân > 55 tuổi. Bệnh nhân có mong muốn được điều trị vật lý trị liệu không phẫu thuật.

- Điều trị phẫu thuật:

Điều trị phẫu thuật được khuyến cáo cho những người bị rách hoàn toàn dây chằng chéo trước hoặc chấn thương cấp độ 3, phẫu thuật tái tạo dây chằng khớp gối là lựa chọn tốt nhất.

Sau phẫu thuật, nếu kết hợp các bài tập vật lý trị liệu cùng các phương pháp phục hồi chức năng khác theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể chơi thể thao trở lại sau 12 tháng. Nói chung, việc lựa chọn phương pháp điều trị cho bệnh đứt dây chằng chéo trước dựa vào những yếu tố như: mức độ tổn thương dây chằng, các tổn thương phối hợp bên trong khớp gối, độ tuổi của bệnh nhân, và nhu cầu vận động của bệnh nhân.

3. Chấn thương dây chằng chéo trước có chữa khỏi được không?

Chấn thương dây chằng chéo trước có thể được điều trị khỏi bằng phẫu thuật hoặc người bệnh không phẫu thuật nhưng cần kết hợp tập vật lý trị liệu.

4. Những chú ý quan trọng đối với chấn thương dây chằng chéo trước

Có thể chia ra 3 mức độ của chấn thương dây chằng chéo trước như sau:

Mức độ 1: Tình trạng dây chằng bị tổn thương nhẹ. Dây chằng bị kéo giãn nhẹ nhưng vẫn có thể giúp giữ cho khớp gối ổn định.
Mức độ 2: Tình trạng dây chằng bị kéo giãn đến mức trở nên lỏng lẻo, thường được gọi là rách một phần dây chằng.
Mức độ 3: Tình trạng dây chằng bị đứt hoàn toàn. Dây chằng bị đứt làm đôi hoặc bị kéo rời khỏi xương, và khớp gối trở nên không ổn định.

Tình trạng rách một phần của dây chằng chéo trước rất hiếm; hầu hết các chấn thương dây chằng chéo trước đều là rách hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ chấn thương dây chằng chéo trước (ACL), bao gồm:

Giới tính nữ: Có thể do sự khác biệt về giải phẫu, sức mạnh cơ bắp và ảnh hưởng của hormone.
Tham gia các môn thể thao: Những môn như bóng đá, bóng bầu dục, bóng rổ, thể dục dụng cụ và trượt tuyết có nguy cơ cao gây chấn thương dây chằng chéo trước.

Tình trạng thể chất kém: Không có sự chuẩn bị thể lực đầy đủ có thể làm tăng nguy cơ chấn thương.
Sử dụng các động tác sai kỹ thuật: Ví dụ như việc đưa đầu gối vào trong khi thực hiện động tác squat cũng làm chấn thương dây chằng chéo trước gối.
Mang giày không phù hợp: Việc sử dụng giày không vừa vặn có thể ảnh hưởng đến động tác và dẫn đến chấn thương.
Sử dụng thiết bị thể thao không được bảo dưỡng đúng cách: Như việc sử dụng các dụng cụ trượt tuyết không được điều chỉnh đúng cách.
Chơi trên sân cỏ nhân tạo: Loại sân này có thể làm tăng nguy cơ chấn thương dây chằng chéo trước do tính chất bề mặt của nó.

5. Chi phí khám chữa bệnh

Việc chi phí chấn thương dây chằng chéo trước phụ thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể, nếu chỉ ở mức độ nhẹ thì không tốn kém bằng mức độ nặng. Tổn thương của bệnh nhân có thể có chỉ định phẫu thuật tái tạo cả hai dây chằng chéo hoặc chỉ cần tái tạo dây chằng chéo trước, thậm chí không cần phẫu thuật (vì tùy thuộc vào thời gian tổn thương, tuổi, triệu chứng lâm sàng và thăm khám, đánh giá của các bác sĩ chuyên ngành...).

Nếu phẫu thuật tái tạo cả 2 dây chằng chéo, chi phí phẫu thuật khoảng 70 triệu, chỉ tái tạo dây chằng chéo trước chi phí 40-45 triệu chưa tính các chi phí khác.

Chi phí này cũng còn thay đổi tùy từng cơ sở khám chữa bệnh, có bảo hiểm y tế hay không có. Thời gian nằm viện khoảng 7 ngày, bệnh nhân phải mang nẹp, đi nạng 10-12 tuần, sau 3-4 tháng người bệnh có thể đi lại tương đối bình thường, tuy nhiên, sau đó quá trình luyện tập sau mổ kéo dài hàng năm.

BSCK2 Nguyễn Thị Thu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cau-hoi-thuong-gap-lien-quan-den-chan-thuong-day-chang-cheo-truoc-169250328105427465.htm