Thực hiện ca phẫu thuật phức tạp cứu bệnh nhân phình mạch máu não
Với tình trạng đau đầu kéo dài và yếu liệt nửa người, sau thăm khám bác sĩ phát hiện chị L. có túi phình lớn ở mạch máu não. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ túi phình kết hợp tạo cầu nối mạch máu (bypass) - kỹ thuật phức tạp trong lĩnh vực ngoại thần kinh.
Ngày 14/4, tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình), bác sĩ của đơn vị vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật phức tạp, cứu sống bệnh nhân bị phình mạch máu não.

Hình ảnh phình mạch máu não của bệnh nhân.
Trước đó, bệnh nhân V.T.L. (48 tuổi, trú xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) nhập viện trong tình trạng đau đầu kéo dài và yếu liệt nửa người. Sau thăm khám, bác sĩ phát hiện chị L. có túi phình lớn ở mạch máu não.
Chị L. cho biết, trước khi nhập viện khoảng 2 tháng đã xuất hiện các triệu chứng đau đầu và tê nửa người bên trái. Chị L. đến thăm khám tại một cơ sở y tế khác và được chẩn đoán có phình mạch não dạng hình thoi, kích thước lớn, nằm ở động mạch não giữa bên phải – một dạng phình mạch rất phức tạp và khó điều trị.
Bác sĩ đề xuất phương pháp đặt Stent chuyển dòng – một kỹ thuật hiện đại nhưng chi phí cao (bệnh nhân phải chi trả thêm hơn 100 triệu đồng). Do điều kiện kinh tế khó khăn, số tiền vượt quá khả năng chi trả, chị L. xin xuất viện về nhà điều trị.
Thời gian gần đây các triệu chứng đau đầu và dấu hiệu liệt nửa người trở nên nghiêm trọng. Chị L. được người thân đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới để thăm khám, điều trị. Với tình trạng bệnh của chị L., bác sĩ chỉ định thực hiện phẫu thuật cắt bỏ túi phình kết hợp tạo cầu nối mạch máu (bypass).
Theo đó, sau khi thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho ca phẫu thuật, các bác sĩ tiến hành cắt bỏ túi phình hình thoi và nối lại hai đầu động mạch bằng kỹ thuật bypass. Sau hơn 7 giờ thực hiện vi phẫu, ca mổ đã thành công, hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, phục hồi tốt.

Sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, phục hồi tốt.
ThS.BS nội trú Phạm Thanh Nhân, khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới cho biết, bypass là kỹ thuật vi phẫu phức tạp, được đánh giá là kỹ thuật cao trong lĩnh vực ngoại thần kinh hiện nay.
"Phình mạch não được coi là 'kẻ giết người thầm lặng' vì thường không có triệu chứng rõ ràng. Khi túi phình vỡ, nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng rất cao. Nếu được phát hiện sớm, có thể can thiệp và điều trị kịp thời bệnh nhân có thể tránh được các biến chứng nặng nề, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng", BS Nhân cho biết.
BS Nhân cho biết thêm, tại Việt Nam chưa có thống kê chính thức, nhưng theo một số nghiên cứu, tỷ lệ người mang phình mạch não có thể lên đến 5% dân số.
"Hiện vẫn chưa có biện pháp nào ngăn ngừa hoàn toàn việc hình thành phình mạch não, do đó việc phát hiện sớm thông qua các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp CT mạch máu có thuốc cản quang, chụp cộng hưởng từ có thuốc đối quang từ hoặc cộng hưởng từ 3 Tesla là yếu tố then chốt trong việc phòng ngừa biến chứng nghiêm trọng.
Khi bệnh nhân có biểu hiện bất thường trong cơ thể nên đến các cơ sở y tế để thăm khám, tránh nguy hiểm về tính mạng và các biến chứng đáng tiếc", BS Nhân chia sẻ.