Cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp

Huyện Thanh Thủy hiện có trên 55.000 người trong độ tuổi lao động đang làm việc tại các thành phần kinh tế, chiếm tỉ lệ 58%. Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức về nghề nghiệp trong nhân dân. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo nhiều việc làm mới, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thường xuyên tổ chức các sàn giao dịch việc làm nhằm giúp doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thường xuyên tổ chức các sàn giao dịch việc làm nhằm giúp doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

Nhằm giới thiệu cơ hội và tạo điều kiện tìm việc làm cho người lao động, UBND huyện Thanh Thủy đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức sàn Giao dịch việc làm năm 2023, giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư vấn tuyển sinh, doanh nghiệp có cơ hội tuyển dụng lao động theo nhu cầu, người lao động có cơ hội tìm được việc làm phù hợp với năng lực... Từ sàn giao dịch việc làm được tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua, nhiều người lao động ở Thanh Thủy đã tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định. Đồng thời nhiều học sinh Trung học cơ sở, THPT cũng được tư vấn học nghề theo nhu cầu, đáp ứng yêu cầu tìm việc làm sau khi ra trường.

Tham gia sàn giao dịch việc làm, nhiều lao động đã được các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Thủy tuyển dụng, có việc làm và nguồn thu nhập ổn định

Tham gia sàn giao dịch việc làm, nhiều lao động đã được các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Thủy tuyển dụng, có việc làm và nguồn thu nhập ổn định

Theo thống kê của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, 78% lực lượng lao động trên địa bàn huyện Thanh Thủy được đào tạo và truyền nghề; trên 32% tổng số lao động có bằng cấp, chứng chỉ. Ngoài việc tổ chức sàn giao dịch việc làm, trung bình hàng năm, huyện Thanh Thủy tổ chức khoảng 4 – 5 lớp đào tạo nghề cho người lao động có nhu cầu học nghề, mỗi lớp khoảng 35 học viên. Các lớp đào tạo nghề được đổi mới chất lượng, nội dung theo hướng tiếp cận với nhu cầu của thị trường lao động, trong đó đặc biệt chú ý tới việc giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp và rèn kỹ năng nghề cho người học. Ông Vũ Kiêm Toàn – Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thanh Thủy cho biết: Việc tổ chức sàn giao dịch việc làm tạo cầu nối giữa doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động và người lao động đang cần việc làm.

Từ chương trình đào tạo nghề, nhiều hộ dân ở huyện Thanh Thủy đã học tập được tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào thực tế, góp phần nâng cao thu nhập

Từ chương trình đào tạo nghề, nhiều hộ dân ở huyện Thanh Thủy đã học tập được tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào thực tế, góp phần nâng cao thu nhập

- Mô hình trồng rau an toàn ở xã Đồng Trung

Để tạo điều kiện cho người lao động biết nghề, huyện cũng đã xây dựng các kế hoạch, chương trình, giáo trình đào tạo nghề, trong đó tập trung vào các nghề có thế mạnh của địa phương để phục vụ cho phát triển du lịch, như: Nghiệp vụ lễ tân, dịch vụ nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, làm tương, trồng và nhân giống nấm, trồng rau an toàn... Để việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, huyện đã mời các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi... tham gia truyền dạy nghề. Sau khi được đào tạo, nhiều người được giới thiệu tuyển dụng vào các cơ sở sản xuất, nhà máy, khu du lịch - dịch vụ, góp phần đắc lực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Đến nay, tỉ lệ người học nghề phi nông nghiệp để chuyển dịch cơ cấu lao động ở Thanh Thủy khá lớn, bước đầu đáp ứng được nhu cầu lao động làm việc có năng suất, chất lượng trong các ngành du lịch, dịch vụ...

Trong giai đoạn 2021- 2025, huyện Thanh Thủy lựa chọn 16 ngành, nghề đào tạo sơ cấp tại các xã để học viên có cơ hội lựa chọn, phù hợp với năng lực, nhu cầu bản thân như: Hàn điện; May công nghiệp; Sửa chữa máy nông nghiệp; Nghiệp vụ lễ tân; Dịch vụ nhà hàng; Kỹ thuật nấu ăn; Tạo dáng và chăm sóc cây cảnh; Kỹ thuật nuôi cá nước ngọt; Nuôi cá lồng; Nuôi và phòng trị bệnh cho gà... Với việc xây dựng lộ trình đào tạo nghề cho lao động địa phương lâu dài, đồng thời chủ động tổ chức các sàn giao dịch việc làm dưới nhiều hình thức như trực tiếp, online, Thanh Thủy đang nỗ lực tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/cau-noi-giua-nguoi-lao-dong-va-doanh-nghiep/202381.htm