Cầu nối tìm lại tên cho những liệt sĩ chưa xác định được danh tính
Hoạt động thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính là một trong nỗ lực cụ thể hóa chính sách 'Đền ơn đáp nghĩa' của Đảng, Nhà nước. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Công an Sơn La đã triển khai bài bản, quyết liệt nhiệm vụ thu thập, cập nhật thông tin phục vụ triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính, đáp ứng mong mỏi của nhiều gia đình liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.
Thu nhận mẫu lưu động kết hợp tặng quà gia đình liệt sĩ ở Sơn La
Thực hiện kế hoạch của Bộ Công an về triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính, Công an tỉnh Sơn La đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương; đồng thời, trực tiếp ban hành kế hoạch và nhiều văn bản để chỉ đạo, tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn vừa qua, lực lượng Công an cấp xã đóng vai trò nòng cốt, phối hợp với các ngành chức năng địa phương thành lập các tổ công tác đến tận nhà các gia đình thân nhân liệt sĩ để thu thập thông tin, cập nhật dữ liệu. Đến nay, công tác khảo sát cơ bản đã hoàn thành, sẵn sàng cho việc thu nhận mẫu ADN.
Hiện tại, toàn tỉnh đã thu thập phiếu thông tin và cập nhật lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hồ sơ 2.783 liệt sĩ, trong đó có 2.210 liệt sĩ không có thông tin phần mộ hoặc phần mộ không có hài cốt, 573 liệt sĩ đã xác định được thông tin phần mộ. Tổ Công tác cấp xã đã tổ chức thu thập và cập nhật thông tin 1.488 trường hợp là thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính theo họ ngoại.

Thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính tại xã Nậm Ty, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
Thực hiện thông báo của Bộ Công an về lộ trình triển khai thu nhận mẫu ADN trên toàn quốc. Trong đợt 1, tổ chức thu nhận mẫu ADN cho các đối tượng ưu tiên là bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ đẻ của liệt sĩ, thân nhân của liệt sĩ cao tuổi, già yếu. Tại tỉnh Sơn La, có 8 trường hợp mẹ liệt sĩ đủ điều kiện để tổ chức thu nhận mẫu ADN.
Đảm bảo lộ trình tổ chức thu nhận hồ sơ cho thân nhân liệt sĩ, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Nội vụ kiểm tra hồ sơ quản lý, xác định tình trạng sức khỏe của đối tượng cần thu nhận mẫu ADN, tuyên truyền, vận động gia đình liệt sĩ đồng ý tham gia lấy mẫu. Mặc dù số lượng mẫu thu nhận ADN của tỉnh không nhiều, song do thân nhân liệt sĩ cư trú tại nhiều địa bàn cách xa nhau, nhiều trường hợp sức khỏe yếu không tiện đi lại, Công an tỉnh đã triển khai 2 tổ công tác phối hợp tổ chức thu nhận lưu động tại nhà, kết hợp thu nhận tập trung tại trụ sở cơ quan Công an để đảm bảo tiến độ công tác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thân nhân liệt sĩ tham gia lấy mẫu ADN.
Tại buổi thu nhận mẫu ADN lưu động ở các huyện, thành phố, không khó để bắt gặp hình ảnh các cụ già gần trăm tuổi, lưng còng, mắt mờ, tay run rẩy nhưng ánh mắt vẫn rực sáng niềm hy vọng có cơ hội tìm được hài cốt của con mình.
Cụ Vương Thị Ngọc Yến, 95 tuổi, tổ 2, phường Chiềng Lề, mái tóc bạc trắng, đôi tay run run, xúc động nghẹn lời khi nhắc đến con trai mình: "Tôi có con trai là liệt sĩ Trần Mạnh Hợp, hy sinh đã hơn 50 năm rồi. Từ ngày con tôi đi chiến đấu đến giờ, gia đình không có một dòng tin tức nào, cũng không biết phần mộ ở đâu. Hôm nay, khi được các cán bộ Công an thu nhận mẫu ADN, các cháu nói việc này sẽ giúp đối chiếu với hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính, mong sau đợt thu nhận này, sớm tìm được con trai trở về với gia đình".
Chị Quản Thị Dung, có anh trai là liệt sĩ Quản Hữu Bình, hy sinh năm 1979, trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, bày tỏ: "Anh trai tôi hy sinh khi tôi mới 10 tuổi, nhiều năm nay, gia đình đi tìm khắp nơi nhưng không tìm thấy hài cốt của anh. Việc thu nhận mẫu ADN hôm nay sẽ giúp gia đình tôi và nhiều thân nhân liệt sĩ khác có cơ hội tìm được hài cốt các anh hùng liệt sĩ chưa xác định được danh tính".
Từ thành phố Sơn La, chúng tôi vượt hơn 130 km đường đèo dốc quanh co đến bản Nà Hay, xã Nậm Ty, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, nơi có thân nhân liệt sĩ đang mong ngóng thông tin về người thân đã hi sinh vì Tổ quốc. Cụ Lường Thị Bay, mẹ liệt sĩ Quàng Văn Làn, nay đã 113 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời nhưng chưa khi nào cụ thôi hi vọng tìm thấy con. Anh Quàng Văn Yên, em trai liệt sĩ Quàng Văn Làn vẫn ngày ngày động viên mẹ tin tưởng vào sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước và lực lượng chức năng trong hành trình đưa anh trai trở về đất mẹ.
Trong dịp thu nhận mẫu AND đợt này, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh đã tổ chức trao 8 phần quà tri ân các thân nhân là mẹ liệt sĩ, với tổng trị giá 10 triệu đồng.
Anh Đặng Hữu Điện, Trưởng phòng xét nghiệm, Công ty Genestory, đại diện đơn vị thu nhận mẫu ADN, cho biết: Chúng tôi cử lên Sơn La 4 thành viên để phối hợp với Công an tỉnh Sơn La thu nhận mẫu ADN, chúng tôi đã tiến hành xác thực thông tin và lấy mẫu, quá trình thu thập gặp khó khăn do các mẹ liệt sĩ già yếu, vân tay không còn rõ. Song với tinh thần "Đền ơn đáp nghĩa", chúng tôi không chỉ coi đây là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc. Trong ngày 6/5, 16 mẫu sinh phẩm đã được thu nhận thành công, tích hợp vào hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, sẵn sàng phục vụ công tác giám định ADN khi có yêu cầu.
Thượng tá Nguyễn Trần Phương, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, chia sẻ: Chúng tôi xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, bất kỳ mẫu sinh phẩm nào thu nhận được đều có thể giúp sớm tìm kiếm, xác định danh tính và đưa hài cốt các anh hùng liệt sĩ về với gia đình, góp phần xoa dịu nỗi đau, đáp ứng mong mỏi của thân nhân gia đình liệt sĩ, những người đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Dù hành trình này vẫn sẽ còn nhiều gian nan nhưng với tinh thần trách nhiệm và lòng biết ơn, Công an tỉnh Sơn La tiếp tục rà soát, mở rộng triển khai các đợt thu nhận mẫu tiếp theo, thắp sáng thêm niềm tin và hi vọng các anh sẽ được trở về đúng tên như sự tri ân sâu sắc đối với những người con đã hi sinh để bảo vệ Tổ quốc.

Công an tỉnh Sơn La đã trao 8 phần quà tri ân các thân nhân là Mẹ liệt sĩ.
Điện Biên trên hành trình tìm người thân cho liệt sĩ
Có những cuộc chia ly kéo dài hàng chục năm. Có những phần mộ chưa thể gọi tên. Và hôm nay, 71 năm kể từ Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu tại mảnh đất lịch sử này, một hoạt động rất ý nghĩa đang diễn ra. Hàng chục thân nhân liệt sĩ đã có mặt, mang theo ảnh, giấy tờ, và cả những hy vọng cháy bỏng - hy vọng tìm lại danh tính người thân đã hy sinh vì Tổ quốc. Đây là một hoạt động quan trọng trong Đề án 06 của Chính phủ, thể hiện trách nhiệm và đạo lý sâu sắc đối với những người con đã hy sinh vì Tổ quốc.
Từ sáng sớm, hơn 90 thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin đã được lực lượng Công an xã, phường trên địa bàn tỉnh Điện Biên đưa tới Nhà khách Trúc An Công an tỉnh để thu nhận mẫu ADN, giám định Gene để tìm ra thông tin của những AHLS chưa xác định được danh tính. Bà Nguyễn Thị Tẹo ở xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên có anh trai là liệt sĩ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả tại nước bạn Lào.
Ba thập kỷ qua, bà cùng gia đình lần theo những dòng thư cũ, gặp gỡ đồng đội cũ của anh trai, đi đến từng nghĩa trang trong và ngoài nước, đọc tên từng bia mộ với hy vọng mong manh tìm thấy dấu vết. Nhưng tất cả chỉ là con số không. Khi Nhà nước triển khai lấy mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính, bà Tẹo trở thành một trong những người đầu tiên tại xã Thanh Hưng đăng ký với hi vọng đây sẽ là chiếc chìa khóa thầm lặng mở cánh cửa tìm lại danh tính người anh đã khuất.
Thượng tá Đinh Thanh Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Điện Biên cho biết: "Thực hiện chủ trương thu nhận ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính, với vai trò nóng cốt trong thực hiện Đề án 06, Công an tỉnh Điện Biên đã khẩn trương tham mưu và tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành để tổ chức thực hiện. Các mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ sau khi thu nhận sẽ được đưa vào Ngân hàng gene, sau đó được phân tích, đối chiếu, so sánh và xác thực thông tin với mẫu hài cốt để xác định danh tính liệt sĩ".
Hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên đã cập nhật thông tin của 867 liệt sĩ lên Hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư thông tin, vẫn còn 442 liệt sĩ chưa xác định được thông tin phần mộ. Công tác thu nhận mẫu ADN được tiến hành theo lộ trình, chương trình này chính là bước khởi đầu. Công an tỉnh Điện Biên phối hợp với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH Bộ Công an và Công ty cổ phần GeneStory tiến hành thu nhận mẫu ADN cho thân nhân thuộc họ ngoại của 92 liệt sĩ, trong đó ưu tiên 6 người là Mẹ liệt sĩ lấy mẫu đầu tiên.
"Là tỉnh miền núi, biên giới, địa hình bị chia cắt mạnh, nhiều xã cách xa trung tâm, việc tiếp cận và mời gọi thân nhân liệt sĩ đến để thu nhận mẫu ADN gặp nhiều trở ngại. Một số xã vùng cao như Nậm Pồ, Mường Nhé, Tủa Chùa… có người thân liệt sĩ nhưng hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, khiến việc di chuyển của thân nhân - chủ yếu là người cao tuổi - gặp khó khăn, thậm chí không thể tự đi lại là một trong những khó khăn chúng tôi gặp khi triển khai thực hiện", Trung tá Đinh Xuân Tuyên, Đội trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Điện Biên chia sẻ.