Cầu nối tình hữu nghị Việt - Lào

Vừa là phóng viên, biên tập viên Ban Đối ngoại (Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV5), vừa là phiên dịch viên tiếng Lào, chị Nguyễn Thị Xuyến (SN 1994) đã góp phần làm cầu nối, gắn kết hơn mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Lào. Nhiều lần gặp gỡ khi chị về Bắc Giang cùng đoàn công tác của tỉnh Xay Sổm Bun, tôi thực sự ấn tượng với người phụ nữ trẻ trung này.

Qua trò chuyện được biết, chị Xuyến học tiếng Lào, gắn bó với đất nước Lào cũng là một nhân duyên, hoàn toàn không nằm trong kế hoạch hay dự định ban đầu. Tốt nghiệp THPT, trong một lần trò chuyện với người bác ruột, tình cờ chị biết đến suất học bổng du học Lào theo diện hiệp định giữa hai nước nên quyết định nộp hồ sơ rồi trúng tuyển. Ngày 3/1/2013, lần đầu tiên chị đặt chân tới đất nước Triệu voi, bắt đầu hành trình chinh phục ngôn ngữ mới tại Đại học Quốc gia Lào. 4 năm học tập tại đây, thường xuyên tiếp xúc với những người Lào hiền hậu, chị đã thực sự yêu đất nước xinh đẹp này.

 Chị Nguyễn Thị Xuyến (ngoài cùng bên phải) phiên dịch cho Đoàn công tác của Hội LHPN tỉnh Bắc Giang và Xay Sổm Bun tham quan mô hình trồng nho của HTX Lục Ngạn Xanh.

Chị Nguyễn Thị Xuyến (ngoài cùng bên phải) phiên dịch cho Đoàn công tác của Hội LHPN tỉnh Bắc Giang và Xay Sổm Bun tham quan mô hình trồng nho của HTX Lục Ngạn Xanh.

Năm 2017, chị Xuyến tốt nghiệp đại học. Trở về nước, thời gian đầu chờ xin việc, chị làm trợ giảng tại Đại học Đại Nam (trụ sở tại TP Hà Nội) đào tạo sinh viên Lào. Năm 2018, chị chính thức “đầu quân” vào Đài Tiếng nói Việt Nam với công việc của một biên tập viên Chương trình phát thanh tiếng Lào. Học ở Lào, giỏi tiếng Lào, nhưng bước vào thực tế làm việc, thời gian đầu chị cũng gặp không ít khó khăn. Theo chị, bên cạnh giỏi ngôn ngữ thì công việc này còn đòi hỏi nghiệp vụ báo chí, truyền thông, mà đây lại là lĩnh vực chưa từng được đào tạo.

Chính vì vậy, nửa năm đầu tập sự tại VOV5, không kể cuối tuần hay ngày làm việc bình thường, chị Xuyến dành phần lớn thời gian ở lại cơ quan, miệt mài học cách biên tập tin tức tiếng Việt rồi dịch sang tiếng Lào. Bên cạnh đó, chị còn phải học viết tin ra sao, thu âm tiếng động thế nào, rồi đặt câu hỏi phỏng vấn, đọc sao cho chuẩn giọng Thủ đô Viêng Chăn. Cùng đó chị tích cực đọc báo Lào, báo Việt, đọc từ điển để tích lũy vốn từ, luyện giọng, trau dồi khả năng hiểu và phản ứng nhanh nhạy...

Cứ nhiều ngày, nhiều tháng như vậy, phản xạ của chị ngày càng nhanh hơn, dịch nhanh hơn, viết tin, đọc tiếng Lào cũng trơn tru trông thấy. Nhiều biên tập viên, phiên dịch của VOV5 đã đồng hành cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành tại nhiều sự kiện của Việt Nam với các nước. Chị Xuyến cũng không ngoại lệ khi tham gia phiên dịch nhiều khóa bồi dưỡng cho cán bộ Lào, đón tiếp nhiều đoàn ngoại giao đến thăm, làm việc tại Việt Nam.

Vừa làm phóng viên, biên tập viên, vừa làm phiên dịch tiếng Lào, theo chị đây là một điều may mắn, hai công việc này bổ trợ cho nhau rất nhiều. Làm phóng viên giúp chị được cập nhật tin tức, được tiếp xúc với nhiều lĩnh vực không chỉ giúp chị có kiến thức rộng, vững chắc mà còn tạo phản xạ nhạy bén hơn khi phiên dịch. Còn khi làm phiên dịch, được gặp gỡ nhiều nhân chứng lịch sử, được nghe nhiều, chứng kiến nhiều câu chuyện sinh động, hành động cụ thể về tình hữu nghị Việt - Lào chính là nguồn tư liệu để chị có những bài viết không chỉ làm giàu màu sắc và phong phú hơn, mà còn làm cầu nối gắn kết, góp phần vun đắp mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào có một không hai trên thế giới.

 Chị Nguyễn Thị Xuyến (áo trắng) cùng đoàn công tác tỉnh Xay Sổm Bun thăm chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng).

Chị Nguyễn Thị Xuyến (áo trắng) cùng đoàn công tác tỉnh Xay Sổm Bun thăm chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng).

Nhiều lần theo đoàn công tác của tỉnh Xay Sổm Bun (Lào) đến tỉnh Bắc Giang, là phóng viên kiêm phiên dịch viên, chị Xuyến cho biết trước khi nhận lời, chị tìm hiểu rất kỹ về đặc điểm tình hình, tiềm năng, thế mạnh của cả hai tỉnh để giới thiệu, phiên dịch, chuyển tải thông tin một cách chân thực nhất, dễ hiểu nhất đến các thành viên.

Do chủ yếu là dịch nói (thường khó hơn dịch viết), eo hẹp về thời gian suy nghĩ nên đòi hỏi phản xạ phải nhanh, dịch rõ ràng, đặc biệt là những lời diễn giải, nên chị chăm chú lắng nghe, thể hiện cảm xúc, biểu cảm khuôn mặt phù hợp với giọng điệu của người nói với vấn đề cần chuyển tải. Với vai trò phóng viên, mỗi lần về Bắc Giang phiên dịch, chị còn thu thập tư liệu, khai thác thông tin để viết bài phát thanh trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Bà Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Giang cho biết: Thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa hai tỉnh Bắc Giang và Xay Sổm Bun, đầu tháng 7 vừa qua, Hội LHPN tỉnh Bắc Giang đã tổ chức đón tiếp Đoàn công tác của Hội LHPN tỉnh Xay Sổm Bun (đơn vị kết nghĩa) sang thăm và làm việc. Để cuộc đón tiếp thành công, người phiên dịch đóng vai trò hết sức quan trọng.

Qua tìm hiểu và tham khảo, chúng tôi lựa chọn và có lời mời chị Xuyến - phiên dịch viên của Đài Tiếng nói Việt Nam làm phiên dịch cho cuộc đón tiếp này. Suốt mấy ngày theo từng hoạt động của hai đơn vị, với khả năng tiếp nhận nhạy bén, sự hiểu biết và cởi mở, chị Xuyến đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp quá trình trao đổi, làm việc của hai đoàn thêm chất lượng và thoải mái.

Về Bắc Giang, được nghe, được thấy sự phát triển của tỉnh, chị Xuyến nhận thấy không chỉ thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, Bắc Giang còn là vựa nông nghiệp với nhiều nông sản đặc trưng. Đây là một trong những thế mạnh, lĩnh vực tương đồng giữa Lào và Bắc Giang.

“Không riêng các đại biểu của tỉnh Xay Sổm Bun mà nhiều đoàn công tác khác của Lào mà tôi từng phiên dịch cũng mong muốn được đến Bắc Giang nhiều lần hơn nữa để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trồng cây ăn quả xuất khẩu, phát triển thương hiệu cho các nông sản địa phương. Bên cạnh đó, Bắc Giang còn có nhiều di tích liên quan tới đạo Phật mà người Lào vô cùng quan tâm và muốn tìm hiểu, muốn được giao lưu văn hóa”- chị Xuyến cho biết.

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/cau-noi-tinh-huu-nghi-viet-lao-143800.bbg