'Cầu nối' trong sản xuất và tiêu thụ nông sản
Thời gian qua, các HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tạo điều kiện cho nông dân nâng cao thu nhập, hiệu quả kinh tế và phát triển nông nghiệp bền vững.

Sản xuất cây cảnh theo hướng liên kết tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Định Hòa, xã Định Hòa.
Để liên kết thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoằng Đông, xã Hoằng Thanh đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, lựa chọn tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị các sản phẩm cho thành viên. HTX đã thành lập hệ thống dịch vụ phục vụ thành viên theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ dịch vụ đầu vào, công tác giám sát quy trình chăm sóc, bảo vệ đến thị trường đầu ra cho sản phẩm. Hàng năm, HTX đều đấu mối ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp thực hiện cung ứng, cho nợ tiền giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật và trực tiếp thu mua nông sản với nông dân. Mỗi năm HTX ký hợp đồng bao tiêu với Công ty TNHH Thực phẩm An Việt với sản lượng từ 800 đến 1.000 tấn khoai tây, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động, với thu nhập khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Nhờ vậy, chủ trương liên kết, sản xuất lớn của HTX được các hộ thành viên và người dân ủng hộ.
Hiện toàn tỉnh có 857 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Để hỗ trợ HTX thành viên nâng cao hiệu quả hoạt động, tập hợp được nhiều thành viên tham gia, Liên minh HTX tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đề án hỗ trợ xây dựng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị của Liên minh HTX Việt Nam, như: đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, tổ chức điều hành sản xuất của các HTX, hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực. Đồng thời, để thúc đẩy các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm, hàng năm, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp tổ chức cho các HTX tham dự các hội nghị, hội thảo giữa các doanh nghiệp với các HTX trong và ngoài tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 150 HTX nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao. Điển hình, như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, xã Thiệu Hóa thực hiện liên kết với Công ty CP Mía đường Lam Sơn, đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới trên diện tích 4,1ha để trồng dưa Kim Hoàng hậu (sản phẩm dưa Kim Hoàng hậu của HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và xây dựng 20ha vùng trồng rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP, doanh thu hàng năm của HTX đạt 26 tỷ đồng); mô hình liên kết sản xuất trồng lan Hồ Điệp và 7.000m2 nhà màng trồng dưa chuột, dưa Kim Hoàng hậu của HTX Nông nghiệp Định Thọ, xã Lưu Vệ; mô hình tích tụ ruộng đất 81ha trồng mía nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy Đường Việt Đài của HTX DVNN Thành Long, xã Thạch Bình; mô hình liên kết thành viên, hộ nông dân trồng cây chè trên diện tích 30ha và sản xuất sản phẩm chè OCOP chất lượng cao, đạt doanh thu 2,5 tỷ đồng/năm của HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn, xã Thọ Bình; mô hình HTX liên kết tiêu thụ và cung ứng giống, vật tư, máy nông nghiệp, dịch vụ làm đất, bao tiêu sản phẩm cho thành viên, đồng thời xây dựng nhà kho bảo quản, cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm của HTX nông nghiệp Phú Lộc, xã Hoa Lộc... Các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Thực tế cho thấy, khi tham gia chuỗi giá trị, chi phí sản xuất, kinh doanh của HTX giảm từ 5- 8%, thu nhập của thành viên tăng 20 - 25%, mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng dẫn, tư vấn cho các HTX thành viên trong việc phát triển vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác phối hợp với các cấp, ngành và các địa phương trong việc vận động các thành viên, hội viên tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, HTX. Cùng với đó, các HTX cũng năng động, chủ động tìm kiếm thị trường, liên kết với doanh nghiệp và người dân để hình thành, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, góp phần đưa nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Qua đó, khẳng định vai trò “cầu nối” bền chặt của mình trong sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa người dân và doanh nghiệp.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/cau-noi-trong-san-xuat-va-tieu-thu-nong-san-254248.htm