Cầu tín dụng những tháng đầu năm vẫn thấp

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tín dụng nền kinh tế tính đến cuối tháng 4/2023 tăng hơn 12 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 3,05% so với cuối năm 2022 và tăng 9,78% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công nhân trong giờ làm việc tại Công ty Cổ phần kết cấu Thép Minh Trị, Khu Công nghiệp Mỹ Xuân 2, thị xã Phú Mỹ. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Công nhân trong giờ làm việc tại Công ty Cổ phần kết cấu Thép Minh Trị, Khu Công nghiệp Mỹ Xuân 2, thị xã Phú Mỹ. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Tính đến ngày 27/4, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) khá tốt (đạt 12,4 triệu tỷ đồng, bằng 101% tín dụng), thanh khoản hệ thống dồi dào và chưa bị giới hạn chạm trần tăng trưởng tín dụng.

Cầu tín dụng của nền kinh tế giảm

Riêng khu vực Đông Nam Bộ, đến hết quý I/2023, huy động vốn khu vực đạt trên 4,1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc, giảm 0,75% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I/2023 là 1,24%; tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 2,61%).

Đại diện NHNN cho biết: Dư nợ ngành Nông, lâm, thủy sản đạt trên 900.000 tỷ đồng (chiếm 7,4%); ngành Công nghiệp và xây dựng đạt gần 3,2 triệu tỷ đồng (chiếm 26%); ngành Dịch vụ đạt khoảng 8,2 triệu tỷ (chiếm 66,6%).

Tín dụng ngành Ngân hàng 4 tháng đầu năm tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 3 triệu tỷ đồng (chiếm gần 25% dư nợ nền kinh tế), doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng (chiếm 18%).

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, các giải pháp điều hành chính sách của Chính phủ, NHNN đều hướng tới tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, kịp thời cung ứng vốn tín dụng để góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Mặc dù NHNN đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp này, song tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn thấp, xuất phát chủ yếu do các nguyên nhân cầu tín dụng của nền kinh tế giảm.

“Thứ nhất, kinh tế Việt Nam có độ mở, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế, trong khi bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát cao, nhu cầu thương mại, đầu tư giảm ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Một số chỉ số kinh tế trong nước (như sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, giải ngân FDI) giảm so với cùng kỳ, trong đó, các thị trường, đơn hàng, đơn giá xuất khẩu tiếp tục sụt giảm. Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn chung, cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng”, Phó Thống đốc NHNN cho biết.

Thứ hai, theo lãnh đạo NHNN, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý; thứ ba, đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), việc tiếp cận tín dụng của nhóm này còn hạn chế là do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành còn hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi, chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường, tính liên kết với chuỗi sản xuất còn hạn chế.

Lãi suất tiếp tục giảm

Mới đây, Vietcombank đã công bố giảm lãi suất huy động từ 0,2 - 0,3%/năm cho nhiều kỳ hạn, cụ thể: 3 tháng giảm xuống 5,1%/năm; 1-2 tháng giảm xuống 4,6%/năm; gửi tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 12 tháng cũng giảm còn 7,2%/năm. Trước đó, Agribank cũng giảm lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng từ 7,2% xuống còn 7%/năm; 1-2 tháng xuống 4,6%/năm và 3-5 tháng là 5,1%/năm.

Từ đầu năm đến nay, biểu lãi suất của ngân hàng OCB cũng điều chỉnh nhiều lần. Lãnh đạo OCB cho biết: Từ việc điều chỉnh lãi huy động, ngân hàng đã có điều kiện tiết giảm chi phí vốn, để đưa ra nhiều chương trình cho vay với lãi suất thấp hơn trước.

"So với cuối năm 2022, mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 2,5 - 3%. Chúng tôi có những gói ưu đãi để giúp khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ví dụ gói 7,99% cho vay ngắn hạn và 10,49% cho vay dài hạn", ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng OCB chia sẻ.

Trên cơ sở các điều kiện vĩ mô ổn định hơn, lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã giảm 0,34% so với tháng trước; mặt bằng lãi suất được dự báo có thể giảm thêm trong nửa cuối năm. "Tốc độ lạm phát dự báo khoảng 4 - 4,5% thì khả năng huy động lãi suất đối với các tổ chức tín dụng cũng như lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có thể ở mức sẽ giảm dần và từ giờ đến cuối năm tôi cho rằng sẽ giảm 0,5%", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết.

Tại cuộc làm việc của Đoàn công tác các bộ ngành do Thống đốc NHNN Việt Nam dẫn đầu để nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xuất nhập khẩu ở tỉnh Vĩnh Long mới đây, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho biết sẽ giảm 0,5% lãi suất đối với các khoản cho vay phát sinh mới. Đối với các khoản vay hiện hữu, ngân hàng sẽ giảm lãi suất từ 1 - 1,5%, tùy từng khoản vay có kỳ hạn ngắn hoặc trung dài hạn.

Bên cạnh việc cơ cấu lại nợ cho những khách hàng khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, Agribank sẽ ban hành phương án cụ thể về thời gian giảm lãi suất cho những khoản vay mới và giảm lãi vay cho những khoản dư nợ cũ. “Hoạt động cho vay nông nghiệp nông thôn của ngân hàng chúng tôi ở nhiều địa phương hiện nay chiếm thị phần trên 90% ở các địa phương; riêng cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo ngân hàng có mức lãi suất rất thấp”, Tổng giám đốc Agribank chia sẻ.

Ông Trương Văn Cầm - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) chia sẻ: Dệt may là ngành sử dụng lao động lớn, lượng hàng xuất khẩu cũng lớn. Từ cuối quý IIII/2022, ngành này đứng trước nhiều khó khăn: Đơn hàng giảm 15 - 20%, đơn giá giảm 20 - 30%, có những đơn giá giảm 40 - 50%...

“Những điều này trước đây chưa từng xảy ra”, lãnh đạo Vitas trăn trở. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp thời qua cũng đã phải cắt giảm nhân công.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/cau-tin-dung-nhung-thang-dau-nam-van-thap-20230516132412763.htm