'Cây kơ nia' cổ thụ của buôn Bưng A

Già làng Oi Mai thường xuyên nhắc nhở con cháu trong buôn chấp hành tốt pháp luật. Ảnh: HOA SIÊM

Gần 30 năm làm phó buôn rồi trưởng buôn và là thành viên tổ hòa giải, tổ vay vốn, tổ dòng họ tự quản về an ninh trật tự (ANTT), già làng Oi Mai (buôn Bưng A, xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh) được bà con kính trọng, yêu mến vì tấm lòng và những cống hiến của ông cho buôn làng.

Cùng lực lượng Công an huyện Sông Hinh đến thăm già làng Oi Mai, chúng tôi bị cuốn hút vào những chuyện kể của già, từ lúc ông còn là một trai làng khỏe mạnh, xung phong làm du kích xã, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hay những câu chuyện phân xử, hòa giải các mâu thuẫn, xích mích trong gia đình hoặc trong dòng họ cũng không kém phần hấp dẫn.

Đó là việc giải quyết mâu thuẫn giữa gia đình Ma Vang (buôn Bưng A) với gia đình Ma Men (cùng dòng họ K’sor) ở buôn Bưng B. Cho rằng bò của nhà Ma Vang ăn lúa của rẫy nhà mình nên Ma Men phạt vạ Ma Vang, bắt đền 2 bao lúa. Sau này, khi Ma Men hái vài lá cọ trong rẫy của Ma Vang làm chòi canh lúa, Ma Vang bắt Ma Men phải đền một con bò trị giá 5 triệu đồng.

Sau khi nắm bắt tình hình, Tổ dòng họ tự quản về ANTT K’sor đã tổ chức họp, phân tích, hòa giải mâu thuẫn giữa hai gia đình. Đặc biệt, nhờ già làng Oi Mai khuyên nhủ những điều hay, lẽ phải, Ma Vang nhận ra việc “kéo bò” của Ma Men là sai, là vi phạm pháp luật nên đã tự giác trả lại bò cho Ma Men. Hai gia đình hòa thuận trở lại.

Ea Lâm là xã phức tạp về ANTT của huyện Sông Hinh với 5 buôn, gần 700 hộ dân, trong đó 95% là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là Ê Đê. Cuộc sống của bà con ở đây còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, một số hủ tục còn tồn tại trong đời sống của người dân. Với đặc điểm mọi công việc lớn nhỏ và những vấn đề xích mích, mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, họ tộc đều do già làng, trưởng họ hoặc người có uy tín trong dòng họ xem xét, phân xử, quyết định nên Đảng ủy xã Ea Lâm đã xây dựng mô hình “Dòng họ tự quản” ở 3 dòng họ: Nay, Ksor và Hving ở buôn Bưng B - buôn phức tạp về ANTT của xã.

Già làng Oi Mai tên thật là Ksor Y Pánh, năm nay đã bước vào tuổi 70. Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông tham gia lực lượng du kích xã. Từ sau ngày giải phóng, ông đã có gần 30 năm làm phó rồi trưởng buôn Bưng A, thành viên tổ hòa giải, tổ vay vốn, thành viên tổ dòng họ tự quản về ANTT… Năm này qua năm khác, ông đã đi từ nhà này đến nhà kia, khi là để khuyên nhủ bà con chăm lo làm ăn, lúc lại tuyên truyền cho bà con thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình. Nhiều khi ông cùng cán bộ xã đến sửa nhà, xây nhà, góp phần xóa nhà tạm cho những hộ nghèo.

Trong chừng ấy năm làm cán bộ buôn, tham gia công tác giữ gìn ANTT, ông cũng không nhớ hết mình đã hòa giải thành công bao nhiêu vụ việc, từ tranh chấp đất đai, ly hôn, trả của… cho đến việc cha con, anh em, người trong dòng họ xích mích nhau. Già Oi Mai chia sẻ: “Tôi thường nói với bà con đừng nghe lời kẻ xấu xúi giục theo FULRO - “Tin lành Đê ga”; thanh niên đủ tuổi mới được lấy vợ lấy chồng, đừng có tảo hôn như trước đây nữa. Tôi cũng thường nói bà con chăm lo làm ăn, trai tráng trong buôn không được chạy xe máy lạng lách, phải đảm bảo ANTT buôn làng, chấp hành pháp luật cho tốt”.

Đại tá Nguyễn Trọng Thám, Trưởng Công an huyện Sông Hinh, cho biết: Già làng Oi Mai là một trong những già làng uy tín, tiêu biểu của huyện Sông Hinh. Ông hiện là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi buôn Bưng A. Với uy tín của mình, ông đã tuyên truyền, vận động cho 45 con cháu trong dòng họ không nghe theo kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo tham gia FULRO - “Tin lành Đê ga”, hòa giải hơn 100 vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân, có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác giữ gìn ANTT ở cơ sở.

Mới đây, già làng Oi Mai vinh dự được lựa chọn là gương điển hình tham dự hội nghị toàn quốc về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc do Bộ Công an tổ chức tại Hà Nội. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, già làng Oi Mai vẫn luôn tâm niệm, ngày nào còn khỏe, ngày đó ông sẽ còn góp sức cho sự bình yên và phát triển của buôn làng. Chính điều đó, bà con trong dòng họ và buôn làng luôn yêu mến, quý trọng và xem ông như cây kơ nia cổ thụ tỏa mát cho buôn làng.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, già làng Oi Mai vẫn luôn tâm niệm, ngày nào còn khỏe, ngày đó ông sẽ còn góp sức cho sự bình yên và phát triển của buôn làng. Chính điều đó, bà con trong dòng họ và buôn làng luôn yêu mến, quý trọng và xem ông như cây kơ nia cổ thụ tỏa mát cho buôn làng.

Đại tá Nguyễn Trọng Thám, Trưởng Công an huyện Sông Hinh

HOA SIÊM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/349/246148/-cay-ko-nia--co-thu-cua-buon-bung-a.html