Cây thang giáo lý của Hòa thượng Thích Thiện Hoa

Hòa thượng Thích Thiện Hoa đã có những đóng góp to lớn, tạo nên một dấu ấn không thể phai mờ cho PGVN nói chung và Phật giáo miền Nam nói riêng, nhất là trong việc đóng một cây thang giáo lý cho Phật giáo nước nhà, bộ Phật học phổ thông, sách gối đầu giường của nhiều vị phật tử

FacebookEmail

Hòa thượng Thích Thiện Hoa đã có những đóng góp to lớn, tạo nên một dấu ấn không thể phai mờ cho PGVN nói chung và Phật giáo miền Nam nói riêng, nhất là trong việc đóng một cây thang giáo lý cho Phật giáo nước nhà, bộ Phật học phổ thông, sách gối đầu giường của nhiều vị phật tử

Gs.Ts Nguyễn Hùng Hậu
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2023

Tóm tắt:Hòa Thượng Thích Thiện Hoa (1918-1973), cây đại thụ đức độ với bao đức hạnh thầm lặng cống hiến trọn đời cho Phật giáo Việt Nam; người có công to lớn, đóng góp nhiều mặt, phong phú, đa dạng cho đạo pháp. Ông là một nhà giáo dục lỗi lạc, người đầu tiên trong giới tăng già thành lập và điều hành một nhà xuất bản kinh sách nổi tiếng; người chèo lái con thuyền phật pháp miền Nam vượt qua thác ghềnh và đạt được nhiều thành tựu quan trọng; đặc biệt ông đã đóng một cây thang giáo lý cho Phật giáo Việt Nam, bộ Phật học phổ thông, sách gối đầu giường của nhiều vị phật tử.
Từ khóa: Cây thang giáo lý, Hòa thượng Thích Thiện Hoa, đạo pháp, Phật giáo Việt Nam, Phật học phổ thông

Hòa thượng Thích Thiện Hoa (1918-1973), người có công lao to lớn, đóng góp nhiều mặt, phong phú, đa dạng cho Phật giáo Việt Nam (PGVN) nói chung và Phật giáo miền Nam nói riêng. Trong Điếu văn vĩnh biệt, có ghi: ông là một nhà giáo dục lỗi lạc, đã đào tạo hết lớp này đến lớp khác không biết bao nhiêu tăng tài cho miền Nam. Trong lĩnh vực sáng tác và phiên dịch kinh điển, Hòa thượng đã đóng góp lớn cho công cuộc xây dựng Tam tạng kinh điển Việt Nam. Ông là người đầu tiên trong giới tăng già đã có sáng kiến thành lập và điều hành một nhà xuất bản kinh sách nổi tiếng mà hầu như không một độc giả Phật giáo nào mà lại không biết.

Trong lĩnh vực chèo lái con thuyền đạo pháp miền Nam, Hòa thượng là người giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Trưởng ban Hoằng pháp Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Tăng già Nam Việt, Trưởng ban giáo thọ Tăng già toàn quốc, Ủy viên Giáo dục Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo trong cuộc đấu tranh chống Mỹ Ngụy kỳ thị và đàn áp Phật giáo năm 1963.

Ngoài đào tạo nhiều bậc tăng tài đức độ, ông còn để lại một kho tàng giáo lý vô giá cho hàng tăng, ni, phật tử làm hành trang đi trên con đường tu học. Ông là cây đại thụ đức độ với bao đức hạnh thầm lặng cống hiến trọn đời cho Phật giáo miền Nam. Phương châm của Hòa thượng là: “Gánh vác phật sự là việc tốt, nhưng khi lãnh nhiệm vụ lớn, phải tự xem mình như đứa con nít. Dù bị người chê khen khinh trọng vẫn không nao núng. Đừng nhớ mình có chùa to, có đệ tử nhiều, gặp việc trái ý là xách gói về chùa. Tâm niệm được như thế, mới nên đảm đang đại sự”. Ông là tấm gương sáng ngời cho hàng hậu thế, đặc biệt là hàng ngũ tăng, ni, phật tử noi theo. Bài này chỉ giới hạn ở việc phân tích một khía cạnh nhỏ trong đóng góp của ông, đó là đóng một cây thang giáo lý cho PGVN.

Theo Hòa Thượng, hoài bão đóng một cây thang giáo lý cho PGVN, phải mất hơn 25 năm mới thực hiện được. Ông viết: “Trong lúc du học ở Xuân Kinh (1938), đến mùa hè năm 1941, tôi được dịp may dự thính lớp Giáo Lý của Đoàn Thanh Niên Đức Dục, trong một tháng (mỗi đêm giảng 2 giờ), do Bác sĩ Lê Đình Thám đảm trách (lớp này hiện nay còn Thượng Tọa Thích Minh Châu và Đạo hữu Võ Đình Cường v.v…) Tôi thích thú quá! Vì thấy bác sĩ đem phương pháp giảng giải của Tây phương mà giải thích, trình bày một triết lý cao siêu của Đông phương.

Hòa thượng Thích Thiện Hoa (1918-1973) – Ảnh: St

Sự phối hợp cả Âu và Á làm cho người nghe rất thích thú vì hiểu được rằng triết lý cao siêu của Đông phương qua phương pháp trình bày rõ ràng rành mạch của Tây phương. Từ đó tôi hoài bão một cái mộng: “làm sao, sau này mình sẽ đóng
một cây thang giáo lý” (tức là bộ “Phật Học Phổ Thông”, ngày hôm nay)”(1).

Theo Hòa thượng, nội dung cây thang giáo lý, tức bộ “Phật học Phổ thông”, chia làm 12 khóa: Từ khóa I đến khóa IV, nói về “Ngũ thừa Phật giáo” và những vấn đề cần biết như nhân quả, luân hồi, Đạo Phật v.v… Đây là những điều căn cốt của Phật giáo. Khóa V, năm bài đầu nói về Lịch sử truyền bá của Phật giáo, từ Ấn Độ sang Trung Hoa đến Việt Nam và các nước khác một cách cô đọng, xúc tích. Ba bài tiếp nói về Đại cương Phật giáo (10 tông phái) trang bị cho người đọc một cái phông chung tổng thể, khái quát nhất về Phật giáo. Hai bài tiếp theo nói về “Nhân sinh và vũ trụ” là hai vấn đề tối quan trọng trong triết học Phật giáo. Khóa thứ VI và VII là Đại cương kinh Lăng nghiêm, khóa thứ VIII là kinh Viên Giác, 2 bộ kinh này thuộc về tánh tông và được ca tụng nhiều nhất trong Thiền môn. Khóa thứ IX là Duy thức học (Luật Đại thừa Bách pháp, Bát thức qui củ, Duy thức Tam thập tụng, A Đà Na thức, và luận Nhân Minh, tức lôgic học Phật giáo). Khóa thứ X và XI là luận Đại thừa khởi tín, một bộ luận có tiếng tăm trong Phật giáo Đại thừa. Duy thức học và luận Khởi tín, thuộc về Tướng Tông. Thế là từ khóa I đến khóa XI, có thể giúp cho độc giả hiểu được căn bản giáo lý Ngũ Thừa Phật giáo, Tánh Tông và Tướng Tông, cùng những vấn đề hết sức trọng yếu nhưng vô cùng căn bản trong Phật giáo. Đến khóa thứ XII là kinh Kim Cang Bát Nhã và Tâm kinh, thuộc về Tánh không tông, để giúp cho hành giả muốn lên cao phải cởi bỏ những gì nặng nề đã mang từ lâu. Ông chia ra 12 khóa, từ thấp đến cao giúp cho quí phật tử dễ học; cũng như cây thang có 12 nấc để cho người dễ leo.

Hòa thượng soạn từng dàn bài, rồi đem ra giảng dạy cho học chúng, bắt họ ký chú kỹ lưỡng; sau khi giảng xong, cho họ làm bài, Hòa thượng sửa, rồi viết lại thành từng tập sách nhỏ để cho tín đồ mượn xem, như quyển Đạo Phật, Tam qui, Ngũ giới, Tứ nhiếp pháp, Lục độ v.v…

Theo Hòa thượng, muốn làm việc lớn, trước phải làm việc nhỏ, muốn đi xa trước phải từ nơi gần. Nhân có lớp giáo lý, số học chúng trên 30 vị, Hòa thượng thí nghiệm chương trình Phật học phổ thông (thang giáo lý) mà ông đã ôm ấp cái mộng từ lâu, để chờ cơ hội tốt, một hoàn cảnh thuận lợi hơn, sẽ đem ra thực hiện (thời gian tập sự, chờ đợi gần 8 năm). Năm 1952, Thượng tọa Thích Thiện Hòa (Giám đốc Phật học Đường Nam Việt), TT.Thích Nhựt Liên (Tổng Thư ký Giáo Hội Tăng Già Nam Việt) và TT.Thích Quảng Minh (Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt) đến thăm và mời ông về Sài Gòn để chung lo phật sự, với lời khuyên: “Cái đèn treo trên cao, thế nào ánh sáng cũng chiếu xa hơn”. Đầu năm 1953, đến Sài gòn vào chùa Ấn Quang, sau khi thu xếp chỗ ăn ở tạm xong, quí Thầy giao phó cho ông hai gánh nặng, là “Giáo dục và Hoằng pháp” (vừa làm Trưởng Ban Giáo dục Giáo hội Tăng già Nam Việt kiêm Đốc giáo Phật Học Đường Nam Việt và vừa làm trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Tăng già Nam Việt).

Hòa Thượng tâm sự, suốt một thời gian, trên 10 năm trường, đông sông tây đục, cả ngày chỉ lo dạy học, diễn giảng rồi huấn luyện cán bộ trụ trì và giảng viên, hết khóa Hạ đến khóa Đông, con người tôi như con vụ. Mặc dù công việc quá bận rộn, nhưng cái chí nguyện “đóng cây thang giáo lý” đã ôm ấp từ lâu, ông không hề xao lãng. Ban ngày dạy học, ban đêm soạn bài, dịch kinh. Hết giờ dạy cho tăng, ni ở các học đường, rồi đến dạy cho lớp Như Lai Sứ giả và Cư sĩ. Ngoài ra còn làm các phật sự khác, việc Giáo hội, việc lễ lược, tổ chức, thù tạc v.v… Một ngày đêm, ông làm việc thẳng 4 buổi (sáng, chiều, tối và khuya). Mỗi tuần, tối thứ Tư hoặc là tối thứ Năm, ông mở lớp dạy giáo lý tại chùa Ấn Quang (Phật học đường Nam Việt) rồi đến chùa Phước Hòa (trụ sở của hội Phật học Nam Việt) để dạy Phật pháp cho quý phật tử cư sĩ, tức là lớp “Phật học Phổ thông”.

Chùa Xá Lợi (Quận 3, Tp.HCM) – Ảnh: St

Ông bắt đầu thực hiện “cái mộng” này vào năm 1953, soạn từng bài, đem ra dạy, rút kinh nghiệm rồi ông mới viết kỹ lại thành tập. Đúng 10 bài làm một khóa học. Mỗi năm, ông mở 2 khóa hoặc 3 khóa (trừ 2 năm 1963 và 1964 gặp lúc Pháp nạn nên không mở khóa học Giáo lý được). Ngoài chương trình Phật học Phổ thông, ông còn dạy Bản đồ tu Phật (Phật học cương yếu, 10 Tôn phái) và Duy Thức học v.v… Sau khi rút kinh nghiệm bản thân, từ phương pháp dạy (nghệ thuật trình bày) và bài vở được tu chỉnh rồi in thành tập, ông mở khóa huấn luyện cho các cán bộ Diễn giảng, mỗi khóa 10 bài. Sau khi huấn luyện chu đáo, nắm chắc kết quả, ông mới cử quí vị giảng viên, đi giảng các Tỉnh Hội Phật học, mỗi nơi 10 đêm, rồi trở về thụ huấn 10 bài khác. Như thế, ông cử các vị đi mỗi năm ba kỳ, sau những ngày nghỉ học tại Phật học đường Nam Việt (mỗi năm nghỉ học 3 kỳ, mỗi kỳ 1 tháng).

Khóa giảng được kết quả tốt đẹp, thính giả mỗi ngày một đông, nên giảng viên thêm hào hứng và rút tỉa ra nhiều kinh nghiệm. Nhờ thế, giảng viên nắm được chuyên môn, nghệ thuật diễn giảng, từ đó giảng ngày càng hấp dẫn. Người nghe thích thú. Phong trào học giáo lý từ đô thành đến các tỉnh, trong mấy năm vừa qua ở miền Nam ngày một phát triển. Cứ theo cái đà này mà tiến, hết khóa thứ nhất đến khóa thứ hai, rồi tiếp đến khóa thứ ba và thứ tư v.v… Bắt đầu từ năm 1953 đến 1965 là 13 năm, ông và cộng sự đã hoàn thành được 12 nấc thang Giáo lý; nghĩa là 12 khóa “Phật học Phổ thông”. Nếu cộng với 5 năm hoài bão cái mộng trên, và thời gian tập sự 8 năm, tất cả là 25 năm trọn.

Ông và các cộng sự vô cùng bền bỉ, kiên trì, nhẫn nại, đó là những yếu tố cần thiết trong mọi công việc, nhất là việc sáng tác và phiên dịch. Hòa thượng tâm sự, người sáng tác hoặc phiên dịch, khi thực hiện được một tác phẩm, tự cảm thấy vui mừng và thích thú, không khác gì anh nhà nghèo xây được cái nhà mới. Phải có thích thú như thế, mới làm được mọi công việc nhất là sáng tác và phiên dịch. Người tính tình như thế nào, thì viết văn cũng như thế ấy.

Hòa thượng đưa ra tiêu chí trong phiên dịch và sáng tác: khoa học (rõ ràng thứ lớp), Đại chúng (Phổ thông, bình dân) và Dân tộc (sắc thái Việt Nam), nên những kinh sách, mặc dù khó đến đâu, qua sự phiên dịch hoặc sáng tác của Hòa thượng và các cộng sự, cũng đều làm cho người đọc dễ hiểu và rõ ràng. Theo kinh nghiệm của Hòa thượng, việc trước tác và phiên dịch, nếu tác phẩm nào thiếu ba điểm trên (Khoa học, Đại chúng và Dân tộc) thì khó có thể phổ biến sâu rộng trong quảng đại quần chúng. Đây cũng là những tiêu chí mà Đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu trong Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943; chỉ có điều trong Đề cương văn hóa, thứ tự có thay đổi là: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa. Hòa thượng khi đưa ra những tiêu chí này có lẽ chưa biết đến Đề cương văn hóa. Qua đó ta thấy, phải chăng những tư tưởng lớn gặp nhau?

Trong Phật giáo, nhân là cực kỳ quan trọng, nhưng duyên cũng quan trọng không kém, vì có nhân mà không có duyên, sự nghiệp cũng không thể thành tựu.

Trước nhất, ông mở ra một lớp học giáo lý hằng tuần, bắt đầu năm 1953, mỗi tuần vào tối thứ Tư hoặc tối thứ Năm, và soạn chương trình giáo lý từ sơ cấp đến cao đẳng. Mỗi tuần ông soạn một bài giáo lý để dạy. Và như vậy, ông phải nghiên cứu cách dạy (nghệ thuật trình bày), nghiên cứu mỗi bài phải giảng dạy thế nào cho hấp dẫn, người học dễ hiểu và thích thú. Vì thế mà người học mỗi ngày một đông, từ đó bắt buộc ông mỗi tuần phải soạn ra một bài để dạy. Một năm ông mở dạy hai hoặc ba khóa (trước hạ, giữa hạ và sau hạ). Nhờ thế mà bài vở mỗi ngày thêm nhiều và nghệ thuật giảng dạy mỗi ngày càng thêm điêu luyện. Sau khi đã có sẵn một số tài liệu về giáo lý, và nắm chắc kết quả về sự giảng dạy ở trong tay rồi, ông liền mở ra các lớp huấn luyện cán bộ: Giảng sư, Trụ trì và Như Lai Sứ giả để huấn luyện về chuyên môn. Sau khi được huấn luyện thuần thục, nắm chắc sự thành công trong tay, các vị này được cử đi các Tỉnh hội Phật học mở khóa dạy giáo lý, mỗi nơi 10 đêm. Người học mỗi ngày càng đông; còn người dạy mỗi ngày thêm hào hứng. Nhờ thế mà ông và các cộng sự gây được phong trào học giáo lý trong nhiều năm ở miền Nam. Hòa thượng tâm sự, không gì thích thú bằng: bài mình soạn có người dạy, sách mình viết ra có người đọc. Hoàn cảnh này thúc đẩy ông phải cố gắng biên soạn, để cung ứng nhu cầu về giáo lý cho quí phật tử bốn phương.

Đề công việc được tiến hành một cách suôn sẻ và đi đến thành công, thì không thể thiếu sự sáng tạo, sáng kiến. Hòa Thượng cho rằng với “sáng kiến”, công việc của chúng ta dù cũ cũng thành mới mẻ. Trong khi giảng dịch hay viết, nếu không có một đôi chút sáng kiến thì người nghe hay đọc cảm thấy khô khan, buồn chán. Trái lại, nếu chúng ta có sáng kiến thêm vào, thì người đọc cảm thấy như thưởng thức được vài phần hương vị mới lạ. Bởi thế nên “sáng kiến” không những rất cần trong việc phiên dịch và sáng tác, mà còn rất cần trong mọi công việc và mọi hoàn cảnh.

Hòa thượng Thích Thiện Hoa (1918-1973) – Ảnh: St

Theo đúng kế hoạch và tổ chức, ông chia công việc ra làm 3 phần như sau: Biên soạn, Xuất bản và phổ biến (phát hành).

1. Phần biên soạn và phiên dịch: Ông lập “Phật học Tùng thư”, chia ra làm 10 loại sách sau đây: 1. Kinh, 2. Luật, 3. Luận, 4. Phật học Phổ thông, 5. Bài giảng, 6. Phật học giáo khoa, 7. Giáo lý dạy Gia đình Phật tử, 8. Tạp luận, 9. Sự tích, 10. Kinh tụng (các nghi thức tụng niệm). Tất cả 10 loại sách này, gồm 80 thứ, phân chia làm 8 bộ, mà bộ Phật học Phổ thông, 12 khóa (hay Cây thang giáo lý, 12 nấc) chỉ là một. Các bộ sách này, sắp xếp có thứ tự và theo hệ thống từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, làm cho người đọc dễ hiểu, như cây thang có nhiều nấc, khiến cho người leo lên cao không khó.

2. Phần xuất bản: Ông tổ chức một cơ quan xuất bản gọi là “nhà xuất bản Hương Đạo”, để xuất bản kinh sách được phiên dịch và sáng tác từ trước đến nay. Từ hai bàn tay trắng, Hòa thượng và các cộng sự chỉ lấy công làm lời, lấy lời làm vốn. Ban đầu in từ quyển sách nhỏ, như Tu Tâm, lần đến các tập Phật học Phổ thông v.v… Ngoài sự trả tiền in cho nhà in và nhậm bút, ông rất tiện tặn, không dám tiêu xài. Dành dụm cho tới khi, nhà xuất bản Hương Đạo đã xuất bản được một kho sách gần 80 thứ.

3. Phần Phổ biến: Sau khi đã có sách vở rồi, ông mở lớp giáo lý tại Sài Gòn dạy theo chương trình mà ông đã soạn. Rồi ông huấn luyện cán bộ đi các tỉnh, cũng dạy theo tài liệu nói trên. Nhờ thế, mà giáo lý được phổ biến sâu rộng, giúp cho sự xuất bản được dễ dàng và sự phiên dịch sáng tác khỏi bị khủng hoảng. Về việc sáng tác phiên dịch, xuất bản và phổ biến, trên 10 năm nay, ông rút tỉa ra rất nhiều kinh nghiệm về sự thất bại cũng như thành công. Gặp thành công, ông giữ y như thế mà tiến. Gặp thất bại ông rút kinh nghiệm để sửa chữa. Mỗi khi ra một quyển sách hay giảng một bài nào, ông dò hỏi dư luận quần chúng, tìm hiểu những phê bình chỉ trích hơn là lời khen ngợi. Nhờ thế mà ông và các cộng sự gặt hái được nhiều thành quả hy hữu.

Chùa Xá Lợi (Quận 3, Tp.HCM) – Ảnh: St

Một trong những bài học kinh nghiệm dẫn đến thành công là Hòa thượng đã trình bày tư tưởng Phật giáo qua phương pháp Tây phương. Ông vào chùa từ thuở bé, lo học giáo lý nhà Phật, chỉ hấp thụ tư tưởng Phật giáo Đông phương. Theo Hòa thượng, một duyên may, năm 1941, ông được dự thính lớp Thanh niên Đức Dục tại Huế, do bác sĩ Lê Đình Thám đảm nhiệm. Bác sĩ là người rất giỏi về Âu học và cũng rất thâm về Á học. Bác sĩ đem phương pháp giảng giải của Tây phương mà giảng giải phân tích nền triết học cổ học Đông phương một cách rõ ràng minh bạch mà vẫn giữ được phần cao siêu thâm thúy. Ông thích thú vô cùng. Theo ông, mặc dù hấp thụ trong thời gian không lâu, nhưng một khi hạt giống đã rơi vào tâm điền rồi, từ đó về sau nó sẽ tiến hóa luôn, nứt mộng, nẩy chồi cho đến khi đơm bông kết trái. Về sự giảng dạy cũng như sự trước tác phiên dịch của ông, người nghe và người đọc được dễ hiểu, rõ ràng và rành mạch là nhờ ông đã áp dụng được đôi phần phương pháp Tây phương.

Tóm lại, Hòa thượng Thích Thiện Hoa đã có những đóng góp to lớn, tạo nên một dấu ấn không thể phai mờ cho PGVN nói chung và Phật giáo miền Nam nói riêng, nhất là trong việc đóng một cây thang giáo lý cho Phật giáo nước nhà, bộ Phật học phổ thông, sách gối đầu giường của nhiều vị phật tử; một tấm gương sáng mẫu mực suốt đời phụng sự đạo pháp và dân tộc. Những kinh nghiệm mà Hòa thượng tích lũy được cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị mà những người tu hành cần phải học tập và tiếp bước.

Gs.Ts Nguyễn Hùng Hậu
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2023

***

CHÚ THÍCH:
(1) Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. Phật học phổ thông. Quyển ba. Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1992, tr.733

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. Phật học phổ thông. Quyển một. Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1992
2. Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. Phật học phổ thông. Quyển hai. Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1992
3. Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. Phật học phổ thông. Quyển ba. Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1992

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/cay-thang-giao-ly-cua-hoa-thuong-thich-thien-hoa.html