Cây xanh đô thị Đà Nẵng không đẹp, xanh, tạo dấu ấn như các đô thị lân cận

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn ngày 3-10 chủ trì phiên họp của Đoàn giám sát HĐND TP về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Công ty Công viên-Cây xanh Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn phát biểu kết luận phiên họp của Đoàn giám sát.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn phát biểu kết luận phiên họp của Đoàn giám sát.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Diễm- Giám đốc công ty cho biết, hiện nay đơn vị có 600 người, quản lý 60 ngàn cây xanh, được TP bố trí kinh phí mỗi năm khoảng 150 tỷ đồng. Thời gian qua công ty đã quản lý tài sản đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; chủ động cắt giảm những hoạt động không cần thiết. Tuy nhiên, việc quản lý hệ thống nước để chăm sóc cây trên địa bàn trải rộng toàn TP còn khó khăn, tình trạng người dân buôn bán lấy trộm, không khóa nước dẫn đến lượng nước thất thoát nhiều; thời tiết biến đổi dẫn đến phải tưới nước nhiều hơn, phải thay đổi hoa, các loại cây ngắn ngày nhiều hơn, phải tăng cường cắt tỉa cây (chống bão) với tỷ lệ nhiều hơn… làm gia tăng chi phí. Chưa kể, máy móc, trang thiết bị sử dụng tại đơn vị do đã có thời gian sử dụng dài nên hay hư hỏng.

Một số ý kiến thành viên Đoàn giám sát cho rằng, kinh phí TP chi cho công tác quản lý cây xanh hàng năm hơn 250 tỷ đồng, trong đó 100 tỷ đồng chi cho các quận, huyện quản lý cây xanh tuyến đường từ 7,5m trở xuống, tuy nhiên hệ thống cây xanh đô thị Đà Nẵng không đẹp, xanh, tạo dấu ấn như các đô thị lân cận Huế, Tam Kỳ. Việc cắt tỉa cây xanh chống bão thực hiện sớm, ngay khi mùa hè nắng nóng, làm mất bóng mát, thậm chí nhiều tuyến đường cắt tỉa trơ trụi, mất mỹ quan. Các cây xanh vướng dự án phải di dời về vườn ươm đến 70% bị chết, tạo thành nghĩa địa cây, rất lãng phí.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn đề nghị báo cáo rõ số liệu, hiệu quả việc tiết kiệm chống lãng phí tại công ty qua các năm; làm rõ nguyên nhân, giải pháp đối với tình trạng người dân buôn bán lấy trộm nước, không khóa nước để thất thoát, lãng phí. Đặc biệt, công ty cần nghiên cứu giải pháp sử dụng lại nguồn nước thải sau khi đã qua xử lý tại các trạm xử lý nước thải để phục vụ tưới cây. Tương tự, với máy móc, trang thiết bị đã cũ cần tính toán đầu tư hiện đại để nâng cao năng suất, hiệu quả thay vì vừa tốn kinh phí sửa chữa hàng năm, vừa tốn nhiều nhân lực làm thủ công. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP cũng đề nghị việc quản lý hệ thống cây xanh TP phải khoa học, thống nhất, từng cây phải được số hóa có hồ sơ lý lịch, việc cắt tỉa phải có quy chuẩn thống nhất để tạo mỹ quan chung thay vì cây xanh giao cho mỗi đơn vị quản lý lại cắt tỉa một kiểu đồng thời xử lý cây xanh ngã đổ sau bão cũng phải tính toán, không phục hồi được tại chỗ thì đưa đi dặm tại các công viên, vườn ươm thay vì cưa hết.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/cay-xanh-do-thi-da-nang-khong-dep-xanh-tao-dau-an-nhu-cac-do-thi-lan-can-post302283.html