CEO Morgan Stanley: Ngân hàng toàn cầu không rơi vào khủng hoảng
Dù ngân hàng Silicon Valley Bank của Mỹ phá sản và ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ bị thâu tóm nhưng CEO Morgan Stanley nhận định sẽ không xảy ra khủng hoảng ngân hàng trên toàn cầu.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) ngân hàng Morgan Stanley, James Gorman, nhận định sẽ không xảy ra khủng hoảng ngân hàng trên toàn cầu, dù việc ngân hàng Silicon Valley Bank của Mỹ phá sản và ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ bị thâu tóm ngay sau đó, đã khiến lĩnh vực tài chính biến động.
Ông Gorman nói thêm rằng tình hình hiện tại rất khác so với năm 2008, khi Lehman Brothers phá sản và gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Theo ông, "các nền tảng của ngành ngân hàng vẫn rất mạnh" và không cần thiết phải thắt chặt các quy định đối với lĩnh vực ngân hàng.
Ông Gorman đã bày tỏ quan điểm về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất cũng như nguy cơ suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Về khả năng khủng hoảng ngân hàng sau khi Silicon Valley Bank phá sản, ông Gorman cho rằng một số ngân hàng rơi vào khủng hoảng và nguyên nhân là do việc quản lý yếu kém và rủi ro lãi suất. Hầu hết các ngân hàng tránh được vấn đề này, và hệ thống ngân hàng vẫn ổn định và lành mạnh.
Điều đó khác với những gì diễn ra vào năm 2008, khi không phải một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống. Có một số ngân hàng đã quản lý thiếu hợp lý trong giai đoạn này. Điều này không phải là khởi đầu của một cuộc khủng hoảng tài chính.
Theo ông Gorman, tình hình hiện nay rất khác so với các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây như Đại suy thoái hay khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Cuộc Đại suy thoái là do suy thoái kinh tế, trong khi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là do thị trường cho vay dưới chuẩn.
Ông cho rằng các ngân hàng lớn nhất được quản lý rất chặt và tất cả đều rất ổn định trong giai đoạn biến động vừa qua. Quyết định trong việc có tăng cường quản lý các ngân hàng nhỏ hay không là tùy thuộc vào chính phủ.
Theo ông, Fed sẽ không hạ lãi suất trong năm nay khi đang nỗ lực để kiểm soát lạm phát. Cho đến khi đạt được mục tiêu, Fed có thể vẫn tiếp tục tăng lãi suất.
Trong một diễn biến liên quan, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng tình trạng hỗn loạn ngân hàng gần đây ở Mỹ và châu Âu có thể lan sang các tổ chức phi ngân hàng quan trọng như quỹ hưu trí, làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát cao của các ngân hàng trung ương.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, các nhà kinh tế của IMF cho rằng rủi ro ngành ngân hàng có thể gia tăng trong những tháng tới trong bối cảnh chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt trên toàn cầu và lan sang khu vực phi ngân hàng, hiện nắm giữ gần một nửa tổng tài sản tài chính toàn cầu.
Bài viết được đăng kèm một chương trong báo cáo 6 tháng một lần của IMF về tình hình tài chính toàn cầu.
Theo các chuyên gia, các ngân hàng trung ương ở cả hai bờ Đại Tây Dương đã đi đúng hướng khi cố gắng giải quyết tình trạng lạm phát cao bằng cách tăng lãi suất mà không làm tăng thêm tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng do sự sụp đổ nghiêm trọng của Ngân hàng Silicon Valley (SVB).
Trong khi đó, các trung gian tài chính phi ngân hàng (NBFI) như quỹ hưu trí và quỹ đầu tư đã phát triển đáng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi các cơ quan quản lý chuyển sang siết chặt các quy định đối với ngân hàng.
IMF cho rằng do có mối liên hệ chặt chẽ với các ngân hàng truyền thống, NBFI có thể trở thành một kênh làm gia tăng gấp bội căng thẳng tài chính.
Để giải quyết vấn đề một cách chính xác, IMF cho rằng các nhà hoạch định chính sách phải sử dụng nhiều công cụ, bao gồm ban hành giám sát và quy định chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực này, đồng thời yêu cầu các công ty chia sẻ thêm dữ liệu về những rủi ro mà họ đang gặp phải.
Các chuyên gia đánh giá các ngân hàng trung ương cũng có thể đóng vai trò, tập trung vào hỗ trợ tạm thời và có mục tiêu cho các NBFI tiềm ẩn rủi ro cho sự ổn định tài chính và cho những thể chế được coi là quan trọng về mặt hệ thống./.