Cha mẹ nên làm gì để giúp con vượt qua thời kỳ 'cuồng phong sóng dữ'?

Ở tuổi vị thành niên, nhiều bạn trẻ đã phải đối mặt với khủng hoảng tâm lý. Có điều, các em không biết làm cách nào để vượt qua nó. Lúc này, cha mẹ cần ở bên đồng hành cùng con.

 Cha mẹ cần giành nhiều thời gian cho con cái. Ảnh minh họa: Một cảnh trong phim Turning red.

Cha mẹ cần giành nhiều thời gian cho con cái. Ảnh minh họa: Một cảnh trong phim Turning red.

Trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên thường được gọi là “thời kỳ cuồng phong sóng dữ”. Ở độ tuổi này, cảm xúc của trẻ thay đổi thất thường nên dù có rơi vào tâm trạng u uất cũng sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại.

Theo kết quả nghiên cứu cho đến nay, không có nhiều trường hợp các em tuổi teen mắc bệnh rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Việc cảm xúc của thanh thiếu niên thất thường không phải do bệnh mà là vì các em không thể tìm ra chính xác cách thể hiện nỗi lòng của mình.

Nếu như người lớn chúng ta biết cách tự xoa dịu căng thẳng bằng các hoạt động giải trí và nói chuyện để gỡ bỏ mâu thuẫn mỗi khi có điều buồn bực, thì các em tuổi teen lại hoàn toàn kiệt sức vì bận học hành mà không thể tìm ra giải pháp, nên cảm xúc u uất và căng thẳng liên tục tích tụ, rồi một ngày nào đó sẽ bộc phát ra cùng lúc như bom nổ.

Có những em tuổi teen vốn giàu cảm xúc và nhạy cảm từ khi sinh ra chứ không phải đến tuổi dậy thì mới bắt đầu như vậy. Cũng có những em là do gen di truyền từ gia đình.

Dù vậy, tuyệt đối không được khẳng định trước “Vì nhà tôi có người mắc bệnh tâm thần nên một lúc nào đó tôi cũng sẽ như thế.” Yếu tố di truyền thực tế không ảnh hưởng nhiều lắm trong vấn đề này. Hoàn cảnh sống sau khi trẻ chào đời và nỗ lực tự thân của trẻ là yếu tố quan trọng hơn nhiều.

Dù rất khó khăn, nhưng nếu gặp một em tuổi teen có biểu hiện trầm cảm và tự hại thì hãy khuyên các em đi tư vấn tâm lý và trị liệu bằng thuốc. Tuy nhiên, đại đa số các em thanh thiếu niên đều do quá nhạy cảm với các vấn đề trong cuộc sống nhưng lại không được tháo gỡ, chứ không hoàn toàn là bị rối loạn tâm thần, nên tôi muốn nói với các em rằng hãy thẳng thắn nhìn vào vấn đề hơn là ngoảnh mặt với tình trạng tâm lý của mình.

Tôi hy vọng các em đừng cố chịu đựng những cơn trầm cảm và để tâm hồn của mình bị tổn thương, mà hãy vuốt ve và xoa dịu nó. Các em hãy nhận biết được rằng: “Giờ mình đang quá mệt mỏi, mình đang quá buồn khổ”, và sau đó quan tâm, cân nhắc một cách cụ thể xem mình sẽ xoa dịu nỗi đau này như thế nào.

Các em nên tìm gặp những người bạn tốt để thổ lộ tâm hồn bị tổn thương, hay có thể vừa xem những bộ phim hoặc đọc những cuốn tiểu thuyết vừa khóc rưng rức cũng là một cách để giải tỏa tâm lý. Các em cũng nên tập những bài tập căng sức tới độ cơ thể rã rời, đổ mồ hôi đầm đìa.

Những khi đầu óc rối rắm, các em nên để não bộ nghỉ ngơi còn thể chất thì hoạt động lành mạnh. Làm thế, các em sẽ cảm thấy gánh nặng lo lắng đang đè nén nỗi lòng mình nhẹ nhõm hơn đôi chút.

Khi trầm cảm, có người còn có hành vi ngược đãi cả cơ thể mình. Đó là hành vi vô thức nhằm làm giảm bớt nỗi khổ trong tâm trí vì cảm thấy không thể chịu đựng nổi vấn đề của họ nữa. Nhưng dù đã làm hại cả thân thể lẫn tâm hồn thì vấn đề vẫn không được giải quyết khi không có sự quan sát tổng thể nguyên nhân cơ bản của nỗi đau đó. Ngoài ra, các em cũng cần phải suy nghĩ cẩn trọng xem phương pháp giải quyết đó có hại hay có lợi cho mình.

Những người ngày đêm không ăn, không ngủ mà chỉ lao vào làm việc để tìm kiếm thành công, để không phải thấy hổ thẹn với người khác cũng chính là đang bạo hành bản thân mình ở một ý nghĩa nào đó. Khác với trường hợp những người tự cứa cơ thể mình bằng dao cạo râu hay trộm cướp rồi vào tù, mặc dù cùng là hành động hủy hoại nhưng hẳn các em cũng nhận ra cách thức đầu mang tính phát triển bản thân hơn.

Chỉ cần không phải là cách hủy hoại sức khỏe, bạo hành chính mình, nếu các em duy trì một mối quan hệ đối nhân xử thế lành mạnh và phát triển bản thân theo hướng giúp bản thân trưởng thành, các em có thể thoát khỏi nỗi bất an và cảm giác trầm cảm từng chút một.

Khi rơi vào bất hạnh, các em sẽ thấy dường như mình là người khốn khổ nhất và mãi mãi chẳng thể vùng vẫy để thoát ra khỏi nỗi tuyệt vọng đó. Nhưng mọi đường hầm đều có ánh sáng ở phía cuối. Bất cứ sự nản lòng nào cũng có cách giải quyết, và nỗi đau, sự nản lòng càng lớn thì độ sâu trưởng thành càng lớn, vẻ đẹp của thế giới nội tâm đương nhiên cũng theo đó mà nở rực rỡ hơn.

Dù em đang trầm cảm nhưng đừng tự hại bản thân mình mà hãy nỗ lực dần dần, quan sát thực tế mấu chốt vấn đề của mình ở đâu, lý do của nỗi đau là gì và có thể cải thiện vấn đề đó như thế nào.

Nami Lee/ Thái Hà Books & NXB Lao động

Nguồn Znews: https://znews.vn/cha-me-nen-lam-gi-de-giup-con-vuot-qua-thoi-ky-cuong-phong-song-du-post1567265.html