Từ ngày 1-10, bệnh viện phải kê đơn thuốc điện tử

Từ 1-10-2025, tất cả bệnh viện thực hiện kê đơn thuốc điện tử. Đến 1-1-2026, tất cả cơ sở khám chữa bệnh khác buộc thực hiện quy định này.

Đây là lộ trình được Bộ Y tế nêu ra tại Thông tư 26/2025 quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám chữa bệnh (KCB).

Kịp thời phát hiện hành vi lạm dụng thuốc, kê đơn sai quy định

Theo TS.BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), khi triển khai thực hiện kê đơn thuốc điện tử, hệ thống kê đơn và bán thuốc sẽ kết nối với nhau.

Từ ngày 1-10 năm nay, tất cả các bệnh viện (BV) phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử. Bắt đầu từ năm 2026, tất cả cơ sở KCB khác cũng bắt buộc thực hiện quy định này. Khi đó, người bệnh đi mua thuốc sẽ được kiểm soát theo đơn đã kê trong hệ thống. Những đơn nào được bán đến đâu, những loại thuốc nào bị bán sai so với kê đơn, tất cả đều có thể theo dõi được.

"Đây là bước tiến rất lớn trong kiểm soát tình trạng bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh", ông Dương cho hay.

 Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).

Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB, việc kết nối, liên thông giữa Hệ thống kê đơn thuốc điện tử và Hệ thống Quản lý Dược quốc gia là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng thuốc.

Theo đó, khi tất cả đơn thuốc được cập nhật đồng bộ, cơ quan quản lý có thể phát hiện và xử lý kịp thời hành vi lạm dụng thuốc, kê đơn sai quy định hoặc bán thuốc khi không có đơn.

Đối với người dân, việc sử dụng mã QR trên đơn thuốc điện tử giúp dễ dàng tra cứu thông tin về loại thuốc, liều dùng, hướng dẫn sử dụng và lịch sử điều trị.

"Đây là công cụ hữu ích, giúp người bệnh chủ động theo dõi quá trình dùng thuốc của mình, góp phần tăng tính minh bạch và an toàn trong sử dụng thuốc", ông Dương nói thêm.

Đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế ở tuyến cơ sở là lực lượng quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số.

Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn chi tiết, đồng thời thiết lập hệ thống kê đơn thuốc điện tử với giao diện thân thiện, dễ sử dụng, chỉ yêu cầu kỹ năng tin học cơ bản.

Bên cạnh đó, nhiều lớp tập huấn, chương trình đào tạo đã và đang được tổ chức trên toàn quốc, giúp nhân viên y tế nắm vững quy trình kê đơn thuốc điện tử và tích hợp dữ liệu vào hệ thống chung.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, cập nhật phần mềm, đặc biệt ưu tiên cho tuyến y tế cơ sở, để đảm bảo mọi cơ sở KCB đều có thể triển khai hiệu quả, từ đó phục vụ người dân một cách tốt nhất.

Đơn thuốc phải tích hợp số định danh cá nhân

Thông tư 26/2025 cũng yêu cầu tích hợp số định danh cá nhân vào đơn thuốc. Theo ông Vương Ánh Dương, điều này nhằm đồng bộ hóa dữ liệu y tế với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thực hiện theo đúng tinh thần Đề án 06 của Chính phủ.

Khi người dân sử dụng số định danh cá nhân, nhiều thông tin hành chính như họ tên, ngày sinh, giới tính, địa chỉ… sẽ được tự động điền từ hệ thống. Điều này giúp giảm thời gian kê đơn, hạn chế sai sót và đơn giản hóa thủ tục cho cả người bệnh và nhân viên y tế.

"Về lâu dài, đây cũng là nền tảng quan trọng để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử thống nhất, phục vụ tốt hơn cho việc chăm sóc sức khỏe liên tục và quản lý thông tin y tế của người dân", ông Dương nhấn mạnh.

 Cần tích hợp số định danh cá nhân vào đơn thuốc điện tử. Ảnh minh họa: TT

Cần tích hợp số định danh cá nhân vào đơn thuốc điện tử. Ảnh minh họa: TT

Bên cạnh đó, Thông tư 26/2025 còn yêu cầu ghi rõ trên đơn thuốc về liều dùng mỗi lần, số lần dùng trong ngày, số ngày sử dụng.

Trên thực tế, các thông tin này vẫn đang được duy trì. Tuy nhiên, theo đại diện Cục Quản lý KCB, điểm mới trong quy định lần này là bổ sung thêm nội dung về cách dùng thuốc rõ ràng hơn.

Ví dụ, thay vì chỉ ghi là "mỗi ngày uống 4 viên chia 2 lần", thì nay quy định yêu cầu phải ghi cụ thể là "mỗi lần uống mấy viên", để tránh tình trạng người bệnh tự chia theo ý hiểu, có thể uống 3 viên buổi sáng và 1 viên buổi tối, hoặc ngược lại.

Việc dùng thuốc không đều, không đúng thời gian làm giảm hiệu quả điều trị, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, quy định mới yêu cầu kê rõ số lần dùng trong ngày, mỗi lần bao nhiêu viên.

Các văn bản trước đây của Bộ Y tế đã quy định người kê đơn có trách nhiệm hướng dẫn việc sử dụng thuốc, tư vấn chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt cho người bệnh hoặc người đại diện người bệnh.

Luật Dược cũng quy định người bán thuốc phải hướng dẫn cụ thể khi bán thuốc cho người bệnh.

Cần bảo đảm tính thống nhất trong triển khai

Thông tư 26/2025 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 1-7-2025. ThS Trần Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - BV Bạch Mai, Hà Nội, cho biết cơ sở đã chuẩn bị khá đồng bộ cho việc triển khai các quy định tại thông tư này.

"Từ khi thông tư còn trong giai đoạn lấy ý kiến, BV đã chủ động phổ biến tới đội ngũ bác sĩ các nội dung dự kiến, cập nhật liên tục để mọi người sẵn sàng tiếp nhận. Về cơ bản, chúng tôi không gặp lúng túng hay bị động", ông Sơn cho biết.

BV Bạch Mai hiện đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nên việc tích hợp, cập nhật các quy định của thông tư mới vào phần mềm quản lý có thể thực hiện được ngay. Các chỉ đạo chuyên môn cũng được truyền tải kịp thời tới các khoa phòng.

Bên cạnh đó, bệnh viện còn tổ chức tập huấn theo hình thức trực tiếp và online có điểm danh. Không chỉ những bác sĩ trực tiếp KCB mà cả cán bộ, nhân viên gián tiếp cũng cần nắm rõ chủ trương chính sách để bảo đảm tính thống nhất trong toàn BV.

Về việc giám sát chất lượng kê đơn thuốc, ThS Trần Thái Sơn cho hay điều này luôn được thực hiện từ nhiều năm nay.

Trước tiên, BV cập nhật đầy đủ cho đội ngũ y bác sĩ các quy định của Bộ Y tế, từ danh mục thuốc, chỉ định, kỹ thuật, xét nghiệm đến cận lâm sàng... Sau đó, tổ chức các đợt đào tạo định kỳ, cập nhật quy định mới.

Trong mua sắm, BV rà soát kỹ để loại bỏ các hoạt chất không nằm trong danh mục quy định, tránh trường hợp mua nhầm, gây lãng phí.

Ngoài ra, hệ thống phần mềm quản lý của bệnh viện có chức năng cảnh báo, ví dụ như cảnh báo tương tác thuốc, cảnh báo thuốc dễ nhầm lẫn… giúp bác sĩ chủ động kiểm soát, giảm sai sót trong kê đơn.

Nguyên tắc kê đơn là “chỉ kê thuốc khi thật sự cần thiết” được quy định tại Luật KCB 2023. Đây là nguyên tắc chung trong KCB

Người hành nghề chỉ thực hiện dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, hay kê đơn trong trường hợp thực sự cần thiết, không được lạm dụng.

Trên thực tế, người kê đơn phải căn cứ trên chẩn đoán bệnh, tình trạng bệnh của người bệnh, các tài liệu quy định làm căn cứ kê đơn tại Thông tư để chỉ định thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả.

TS.BS Vương Ánh Dương

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế)

Tại Thông tư 26/2025, Bộ Y tế cho phép 252 loại bệnh, chủ yếu là mạn tính, được kê đơn thuốc trên 30 ngày đến 3 tháng nhằm giảm gánh nặng cho người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi hoặc sống ở vùng xa.

Danh mục được áp dụng gồm 16 nhóm bệnh như: nhiễm trùng, ký sinh trùng, rối loạn máu, bệnh tâm thần, nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa. Các bệnh phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, rối loạn lo âu và trầm cảm đều nằm trong danh sách này.

Ngoài ra, viêm gan B mạn tính, HIV/AIDS, suy giáp, suy tuyến yên, Parkinson, Alzheimer, sa sút trí tuệ cũng được áp dụng.

Một số bệnh về máu và miễn dịch như Thalassemia, xơ cứng cột bên teo cơ, và một số bệnh phụ khoa ở tuổi vị thành niên được kê đơn dài ngày.

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-ngay-1-10-benh-vien-phai-ke-don-thuoc-dien-tu-post859895.html