'Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương'

Đó là chủ đề của Tháng hành động phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2024. Tháng hành động được bắt đầu từ ngày 1 đến 30-6, với thông điệp 'Phòng, chống BLGĐ là trách nhiệm của toàn xã hội'; '

Quan tâm, chia sẻ, yêu thương lẫn nhau là giải pháp quan trọng giúp phòng, chống bạo lực gia đình.

Quan tâm, chia sẻ, yêu thương lẫn nhau là giải pháp quan trọng giúp phòng, chống bạo lực gia đình.

Đã có rất nhiều những phiên tòa mà bị can và người bị hại từng nhiều năm sống chung trong một mái nhà, nhưng áo cơm đời thường và những “va đập” xã hội đã làm rạn nứt bao tổ ấm, thậm chí là tàn sát lẫn nhau. Cái tôi bản ngã quá lớn lấn át lý trí khiến họ tự làm mất đi thể diện bằng hành động thô thiển, chà đạp lên nhân phẩm, thể xác của người thân yêu trong gia đình.

Theo bà Phạm Tuyết Bảo, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội; gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người, là nơi bảo tồn, lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Tuy nhiên, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một số hiện trạng tiêu cực trong xã hội hiện đại đang gióng lên “hồi chuông” cảnh báo sự đổ vỡ đối với nhiều gia đình không có tôn ti trật tự. Đây là một thách thức lớn trong việc xây dựng gia đình theo chuẩn mực “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” mà cả xã hội đang hướng đến.

Mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao tự do cá nhân đã làm đạo đức xã hội bị băng hoại. Nhiều gia đình, dòng họ mất đi tôn ti trật tự, cái tôi cá nhân quá lớn tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người thân trong gia đình. Đó là cơ hội để những thói hư, tật xấu thâm nhập, phát triển trong gia đình, dòng họ. Theo đó là tình trạng BLGĐ ngày càng gia tăng. Mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình và giữa các thế hệ ngày càng lỏng lẻo. Điều tất yếu là “xung đột” trong gia đình, dòng họ khó tránh khỏi. Bà Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đúc kết: Cuộc sống đời thường, trong gia đình ai cũng có thể trở thành người gây bạo lực hoặc bị bạo lực. Bạo lực diễn ra ở nhiều hình thức, chủ yếu dưới dạng thân thể, tinh thần, kinh tế và tình dục. Đối tượng bị bạo lực thường là người sống phụ thuộc và xảy ra trong gia đình có nếp sống không bình đẳng.

Bởi quan niệm “bát đũa còn có khi xô” nên hầu hết số vụ BLGĐ được các thành viên trong nhà tự hóa giải. Thậm chí chồng đánh vợ, bố mẹ đánh con, anh đánh em… được coi là việc trong nhà dạy bảo nhau. Các dạng bạo lực diễn ra lâu dài đã tạo ra cho “đối phương” một thói quen cam chịu, mặc kệ. Nhưng thực chất trong lòng bị dồn nén, nhiều trường hợp buộc phải giải thoát bằng cách ly hôn. Nhiều trường hợp do phải sống lệ thuộc nên chấp nhận, song phải sống trong tình trạng hoang mang lo sợ, thậm chí mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên, số vụ BLGĐ được nạn nhân trình báo đến các cấp có thẩm quyền không đáng kể, khoảng gần 50 vụ/năm. Việc này cũng xuất phát từ quan niệm “Xấu chàng, hổ ai”. Bởi giữa người gây bạo lực và nạn nhân bị bạo lực đều là người thân trong một gia đình. Nên phần lớn người bị bạo lực chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Hưởng ứng Tháng hành động phòng chống BLGĐ năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp cùng các cấp, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi người, mọi giới về tầm quan trọng của gia đình thông qua tổ chức những cuộc thi tìm hiểu kiến thức về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, văn hóa ứng xử trong trường học; tổ chức tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; tổ chức Chương trình phát động, triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; tập huấn về công tác gia đình. Hiện, toàn tỉnh có hơn 1.000 câu lạc bộ về gia đình. Liên quan đến công tác phòng chống BLGĐ có hơn 1.500 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, gần 1.000 nhóm phòng chống BLGĐ, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh đã xây dựng được đường dây nóng tiếp nhận thông tin về BLGĐ, 100% trạm y tế xã phường, thị trấn được xây dựng địa chỉ tạm lánh cho nạn nhân BLGĐ. Rất mừng là hầu hết các địa chỉ tin cậy và tạm lánh không có nạn nhân BLGĐ đến nhờ trợ giúp.

“Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”, hướng đến xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là mong muốn của mọi người và cả xã hội. Để thành hiện thực, từng thành viên trong gia đình biết tôn trọng, nâng niu những giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống Việt Nam, cùng có ý thức vun vén, xây dựng mái ấm gia đình trở thành một pháo đài hạnh phúc, đủ sức tự vệ, không để các tệ nạn xã hội và lối sống thực dụng thâm nhập vào nếp sống gia đình. Chỉ có như thế BLGĐ mới chấm dứt và yêu thương được vun bồi.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202406/cham-dut-bao-luc-vun-dap-yeu-thuong-ffb1409/