Chậm hướng dẫn, khó thực thi
Từ ngày 1-1-2024, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) về xử lý, tái chế nguồn thải để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường.
Việc thực hiện EPR hướng đến 2 mục tiêu lớn: tạo ra nguồn tài chính để tái chế, xử lý và tác động thay đổi thói quen sản xuất tiêu dùng. Doanh nghiệp thực hiện EPR sẽ đáp ứng được các tiêu chí của kinh tế tuần hoàn và thực hiện được 3/7 mô hình thực hiện kinh tế tuần hoàn. Nói cách khác, kinh tế tuần hoàn là một bước tiến cao hơn so với EPR. EPR là yêu cầu bắt buộc, còn kinh tế tuần hoàn là tự nguyện.
Bày tỏ ủng hộ xu hướng “xanh hóa” nền kinh tế, song cộng đồng doanh nghiệp phản ánh rằng, họ vẫn rất bối rối khi thiếu các quy định cụ thể để thực thi. Ông Nguyễn Hồng Uy, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Việt Nam, cho biết, doanh nghiệp chưa nhận được hướng dẫn của Bộ TN-MT làm cơ sở cho việc triển khai EPR. Cùng băn khoăn, theo bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), cơ chế xác định, đánh giá tỷ lệ tái chế, doanh nghiệp vẫn chưa tự tính và lên kế hoạch được.
Ngày 18-12-2023, Bộ TN-MT đã công bố danh sách các tổ chức được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì. Trong đó, chỉ có 1 tổ chức được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế ắc quy, pin, săm lốp, dầu nhớt, phương tiện giao thông (khu vực phía Bắc) và 1 tổ chức được ủy quyền thực hiện tái chế bao bì (khu vực phía Nam). Ngày 20-2, Bộ TN-MT công bố danh sách 24 đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì, khu vực phía Bắc 13 đơn vị, khu vực phía Nam có 11 đơn vị. Theo các doanh nghiệp, danh sách các nhà tái chế “hợp chuẩn” như vậy là quá ít và không đáp ứng được nhu cầu, do đó chi phí tái chế bị đẩy lên cao, từ đó không đạt được mục tiêu chính sách.
Bên cạnh đó, việc tái chế chất thải, trong đó có chất thải nguy hại, phức tạp và đòi hỏi kinh phí đầu tư rất lớn. Trong khi đó, các quy định hiện hành chưa có hoặc chưa khuyến khích được doanh nghiệp tái sử dụng hoặc tái chế. Đơn cử, một nhà xưởng có diện tích hàng vạn mét vuông mỗi tháng phải thay thế một số lượng lớn bóng đèn neon. Tuy có thể xử lý được nhưng nếu doanh nghiệp không đăng ký nguồn chủ thải từ đầu thì cũng không làm được.
Những thay đổi so với báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ban đầu đều phải thực hiện các thủ tục đăng ký lại, xét duyệt lại không hề đơn giản. Với dự án lớn, ĐTM điều chỉnh phải được hội đồng của Bộ TN-MT xét duyệt, mà chỉ riêng thành lập hội đồng thường mất ít nhất 3 tháng. Còn nếu thuộc thẩm quyền địa phương thì ứng xử của các địa phương cũng rất khác nhau, nơi khắt khe, nơi dễ dàng, nơi nhanh, nơi chậm...
Với mục tiêu quản lý cuối cùng là ra được sản phẩm sạch, bảo vệ được môi trường thì rõ ràng, việc nhanh chóng ban hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn cho từng ngành hàng, lĩnh vực càng sớm càng tốt. Trách nhiệm đó thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan như Bộ TN-MT, Bộ KH-CN, Bộ Tài chính... Trong đó, nhiều vấn đề các bộ phải ngồi lại với nhau mới giải quyết được thỏa đáng. Chừng nào chưa có hướng dẫn, doanh nghiệp chưa thực hiện được thì Luật Bảo vệ môi trường vẫn chưa thể đi vào cuộc sống và phát huy hết những giá trị tích cực như kỳ vọng.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cham-huong-dan-kho-thuc-thi-post730189.html