Chậm khắc phục sẽ bỏ lỡ những cơ hội

Chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành hoặc văn bản hướng dẫn chưa rõ, chưa thống nhất... là một nguyên nhân khiến một số chính sách quan trọng được Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội chậm được triển khai thực hiện, hiệu quả chưa cao, thậm chí có chính sách chưa triển khai được dù đây đều là những chính sách cấp bách với nguồn lực lớn nhằm hỗ trợ nền kinh tế và người dân, cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Kỳ họp thứ Bảy Quốc hội Khóa XV

Kỳ họp thứ Bảy Quốc hội Khóa XV

Trên diễn đàn Quốc hội cuối tuần qua, một số đại biểu Quốc hội chia sẻ và thông cảm với tình trạng trên bởi tính chất đặc thù, thậm chí là chưa có tiền lệ của một số chính sách trong Nghị quyết số 43 nên quá trình triển khai có những lúng túng là khó tránh khỏi. Nhiều bài học kinh nghiệm quý giá và đắt giá cũng đã được Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra. Dù vậy, qua việc thực hiện Nghị quyết cũng cho thấy, câu chuyện chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết hay ban hành nhưng còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thống nhất... vẫn chưa có lời giải hiệu quả.

Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2023 cho thấy, dù đã có chuyển biến tích cực so với năm 2022, nhưng trong số 325 văn bản được giám sát vẫn còn tới 32 văn bản ban hành chậm hơn thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết. Văn bản chậm ít nhất là 14 ngày, văn bản chậm nhiều nhất là 35 tháng 24 ngày, một số văn bản chậm từ 22 đến 25 tháng.

Báo cáo kết quả giám sát cũng chỉ rõ, có 83 điều, khoản thuộc 24 luật, 1 pháp lệnh, 5 nghị quyết giao quy định chi tiết nhưng chưa ban hành văn bản, kèm theo đó là phụ lục thống kê chi tiết cơ quan nào nợ, nợ bao nhiêu điều khoản của những luật, pháp lệnh, nghị quyết nào.

Đó là về tiến độ. Về nội dung, qua giám sát, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban đã phát hiện 6 văn bản có dấu hiệu trái quy định của pháp luật, 7 văn bản chưa bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hoặc còn những vướng mắc, bất cập, có thể tạo ra kẽ hở trong công tác quản lý cần được rà soát, hoàn thiện. Có văn bản còn nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể, chưa có sự thống nhất giữa các văn bản luật gây khó khăn trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, vẫn còn văn bản có sai sót kỹ thuật về căn cứ pháp lý nhưng đã được phát hiện, sửa đổi, bổ sung kịp thời; số lượng văn bản chậm đăng Công báo theo thời hạn quy định tại khoản 4 Điều 150 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn khá nhiều...

Tại phiên giám sát tối cao sáng 25.5 vừa qua, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) chỉ ra một hiện tượng đáng lo ngại. Đó là, có hai trong số các hạn chế, nguyên nhân được Đoàn giám sát báo cáo Quốc hội đã xuất hiện trong hầu hết các báo cáo trình Quốc hội từ Kỳ họp thứ Năm đến Kỳ họp thứ Bảy. Một là, tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả. Hai là, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm; văn bản hướng dẫn cụ thể một số chính sách có quy định chưa rõ, chưa thống nhất.

Dẫn chiếu cụ thể hai hạn chế, nguyên nhân nêu trên vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43, đại biểu Trần Quốc Tuấn chỉ rõ, Phụ lục số 5 của Đoàn giám sát nêu có đến 70 nội dung của 27 địa phương, bộ, ngành kiến nghị về hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan. Hay trước đó, Báo cáo số 135 ngày 10.4.2024 của Chính phủ trình Quốc hội về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng cho thấy, có đến 545 nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật khó thực hiện, trong đó có 69 nội dung mâu thuẫn, chồng chéo và 476 nội dung vướng mắc, bất cập.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết cũng như sự chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng nguyên nhân căn cốt nhất là gì? Nếu không “bắt trúng bệnh” thì không thể kê đúng thuốc.

Những con số thể hiện “sức khỏe” thực sự của nền kinh tế, những áp lực đối với điều hành vĩ mô thời gian tới đã được Quốc hội tập trung thảo luận trong tuần qua càng cho thấy, phải có giải pháp căn cơ để khắc phục câu chuyện này. Bởi cái chúng ta chậm trễ, lỡ nhịp không phải chỉ là một văn bản, một chính sách, một điều luật mà hơn thế còn là cơ hội phát triển

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/cham-khac-phuc-se-bo-lo-nhung-co-hoi-i372916/