Chăm lo bữa ăn giữa ca cho công nhân
Bà Trần Lệ Nhung-Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai-cho rằng: Bữa ăn giữa ca của người lao động (NLĐ) có ý nghĩa quan trọng. Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên chỉ đạo Công đoàn trực tiếp cơ sở thực hiện quy định 'Chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ'.
9 giờ sáng hàng ngày, bữa ăn giữa ca của công nhân tổ 1 thuộc Nông trường Đoàn Kết (Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang) đã được chuẩn bị tươm tất. Công nhân lần lượt xếp hàng để lấy khẩu phần ra khu vực bàn ăn bố trí sẵn. Đảm nhận vai trò nấu ăn cho công nhân, chị Võ Thị Vệ cho biết: “5 giờ sáng, chúng tôi nhận nguyên liệu và bắt đầu chế biến các món ăn. Thực phẩm cung cấp hàng ngày đảm bảo tươi, an toàn vệ sinh. Sau mỗi bữa ăn, chúng tôi đều thực hiện lưu mẫu thực phẩm nghiêm túc”.
3 giờ sáng mỗi ngày, chị M'Lênh (tổ 1, Nông trường Đoàn Kết) cũng như các công nhân khác đã bắt đầu ra lô cạo mủ. 9 giờ, họ tập trung ăn sáng. Chị chia sẻ: “Bữa ăn ở đây được chế biến rất ngon, chất lượng thường xuyên được cải thiện, thực đơn thì phong phú. Lãnh đạo Công ty rất quan tâm đến ý kiến của NLĐ về vấn đề chất lượng bữa ăn để mọi người hài lòng, yên tâm gắn bó với vườn cây”.
Ông Lê Huy Phu-Phó Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang-cho hay: “Công ty hỗ trợ 20.000 đồng/suất ăn cho NLĐ. Toàn Công ty có 1.495 cán bộ, công nhân, NLĐ, trong đó, lao động trực tiếp hơn 1.200 người. Hàng năm, Công ty chi hỗ trợ công tác bảo hộ lao động trên 10 tỷ đồng, tiền ăn ca gần 6 tỷ đồng theo quy định”.
Theo ông Nguyễn Văn Nam-Chủ tịch Công đoàn khu Kinh tế tỉnh, Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) hiện có 37 doanh nghiệp hoạt động với khoảng hơn 2.000 lao động. Bà Nguyễn Thị Mai-Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Gia Khang-cho hay: Doanh nghiệp hiện quản lý hơn 100 lao động làm việc tại nhà máy chế biến gỗ ở Khu Công nghiệp Trà Đa. Chúng tôi hỗ trợ cho NLĐ bữa ăn trưa là 15.000 đồng/suất. Khẩu phần ăn của công nhân được chú trọng về dinh dưỡng, bổ sung các loại trái cây. Các món ăn đều đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm. “Để kiểm soát chất lượng bữa ăn, hàng ngày, Chủ tịch Công đoàn cử người lưu mẫu suất ăn. Hàng tháng, thông qua Công đoàn, NLĐ góp ý trực tiếp về chất lượng bữa ăn. Thực đơn thường xuyên thay đổi, bổ sung nên thời gian qua chưa NLĐ nào phàn nàn”-bà Mai cho hay.
Chị Nguyễn Thị Hiền-công nhân Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Gia Khang-cho hay: “Nhà ăn được Công ty xây dựng khang trang, rộng rãi, tạo cảm giác dễ chịu khi dùng bữa. Nhằm cải thiện chất lượng bữa ăn, Công ty phát phiếu để NLĐ nhận xét đánh giá, có cơ sở phục vụ tốt hơn nhu cầu của công nhân”.
Ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Về vấn đề hỗ trợ bữa ăn giữa ca, nhiều doanh nghiệp tự giác thực hiện nhưng cũng có một số chưa chú trọng đầy đủ. Vì vậy, hàng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh và một số ban, ngành liên quan tổ chức thanh-kiểm tra, tuyên truyền, đối thoại, thương lượng lao động tập thể. Theo đó, nội dung bảo đảm bữa ăn giữa ca của NLĐ mức tối thiểu là 15 ngàn đồng, khuyến khích nâng lên cao hơn.
Trao đổi với P.V, bà Trần Lệ Nhung-Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh-cho rằng: Bữa ăn giữa ca của NLĐ có ý nghĩa quan trọng. Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên chỉ đạo Công đoàn trực tiếp cơ sở thực hiện quy định “Chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ”. Các doanh nghiệp cần tự giác thực hiện tốt các chế độ, chính sách, quan tâm chăm lo đến đời sống, cải thiện bữa ăn để NLĐ có sức khỏe dồi dào, tinh thần lạc quan yên tâm làm việc, mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.
ĐINH YẾN