Chăm lo nhà ở cho hộ chính sách, hộ ở vùng thiên tai

'An cư' thì mới kỳ vọng 'lạc nghiệp'. Ngoài chăm lo 'an cư' cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, còn 2 nhóm đối tượng rất cần được quan tâm. Đó là hộ chính sách và người sống trong vùng thiên tai.

Chờ vốn hỗ trợ nhà ở cho người có công

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước còn trên 150.000 hộ thuộc diện người có công cần hỗ trợ về nhà ở (tại An Giang, giai đoạn 2021 - 2025, còn gần 830 hộ). Sau khi kết thúc đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng giai đoạn 2013 - 2020, Thủ tướng Chính phủ có chủ trương tổng kết việc thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26/4/2013. Đồng thời, giao các bộ, ngành tham mưu ban hành quyết định mức hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ giai đoạn 2022 - 2025.

“Tuy nhiên, quá trình triển khai quá chậm, các địa phương trong cả nước, trong đó có An Giang rất mong chờ. Những diễn biến bất lợi của biến đổi khí hậu, tình hình mưa giông, bão lũ phức tạp, ảnh hưởng đến nhà ở của người dân nói chung, người có công nói riêng, khiến vấn đề càng trở nên cấp thiết. Hỗ trợ nhà ở đối với người có công không chỉ là đạo lý truyền thống, mà còn liên quan đến chính trị, tư tưởng, kinh tế - xã hội, là việc cần làm ngay, không thể đợi lâu. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo bộ, ngành khẩn trương ban hành chính sách theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng” - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương nêu ý kiến.

Hỗ trợ “Mái ấm biên cương” cho hộ chính sách

Hỗ trợ “Mái ấm biên cương” cho hộ chính sách

Ngày 30/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 131/2021/NĐ-CP, quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (có hiệu lực từ ngày 15/2/2022). Theo đó, chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công cách mạng được quy định từ Điều 99 đến Điều 102. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương, đảm bảo phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Trả lời ý kiến ĐBQH Trần Thị Thanh Hương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo quyết định kèm Tờ trình 61/TTr-BXD, ngày 19/12/2022 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ, tỷ lệ phân bổ vốn giai đoạn 2022 - 2025, để các bộ, ngành, địa phương có cơ sở thực hiện trong giai đoạn tới. Tại Văn bản 807/VPCP-CN, ngày 10/2/2023 và Văn bản 4659/VPCP-CN, ngày 23/6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa phương giai đoạn 2022 - 2025. “Sau khi nhận được ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để thực hiện chính sách, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện dự thảo quyết định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thông tin.

Cũng về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan trả lời: “Ngày 8/8/2023, bộ đã có Công văn 3058/LĐTBXH-NCC gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thống nhất phương án bố trí vốn sự nghiệp để thực hiện chính sách về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công cách mạng và thân nhân liệt sĩ”.

Linh hoạt xây cụm, tuyến dân cư

Nhà ở cho người dân khu vực ngập lụt, sạt lở ven sông, kênh, rạch, ven biển vùng ĐBSCL cũng là vấn đề “nóng”. “Chính phủ đã cho chủ trương triển khai thực hiện 2 giai đoạn. Theo thống kê nhu cầu thực hiện giai đoạn 3 (2018 - 2025), còn 62 dự án nhằm đảm bảo cho khoảng 17.800 hộ có chỗ ở an toàn, ổn định. Trong khi đó, Quyết định 714/2018/QĐ-TTg và Quyết định 319/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không còn phù hợp về số lượng, mức hỗ trợ, mức cho vay.

Hiện tại, một số trường hợp còn tồn đọng từ 2 giai đoạn trước vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Các địa phương ĐBSCL không có điều kiện ngân sách triển khai chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 590/2022/QĐ-TTg. Vì vậy, cử tri tỉnh An Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung, đề nghị Chính phủ xúc tiến ban hành chủ trương điều chỉnh hợp nhất, bổ sung cơ chế, chính sách, kể cả hỗ trợ kinh phí sự nghiệp hàng năm, giúp các tỉnh sớm triển khai đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư, nhà ở vùng ngập lũ” - ĐBQH Trần Thị Thanh Hương cho biết.

Theo Bộ Xây dựng, chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL được triển khai từ năm 2001. Trong các giai đoạn trước, nguồn vốn xây dựng chủ yếu bằng ngân sách Trung ương, thông qua 976 dự án (trong đó 857 cụm, tuyến dân cư và 119 bờ bao khu dân cư có sẵn), đảm bảo cho 191.000 hộ (gần 1 triệu người) được sống an toàn, ổn định. Riêng tỉnh An Giang xây dựng 244 cụm, tuyến; 41.729 hộ theo quy hoạch; đã có 40.000 hộ xây dựng nhà ở.

Giai đoạn 2018 - 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu địa phương phải chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương hoặc xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư - PPP, không còn sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương như trước. Do không tự cân đối được nguồn vốn; đồng thời Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 quy định dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), nên sau hơn 5 năm, không có dự án mới nào được đầu tư theo chương trình này.

“Tuy nhiên, một số địa phương (trong đó có tỉnh An Giang) đã lồng ghép di dời người dân đang sinh sống tại khu vực sạt lở, thường xuyên ngập lũ thuộc đối tượng của Quyết định 714/QĐ-TTg vào các chương trình có sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương (như Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030). An Giang đang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 do Ủy ban Dân tộc chủ trì; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh theo thẩm quyền, nghiên cứu lồng ghép hỗ trợ chỗ ở ổn định cho các hộ dân thuộc đối tượng Chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thông tin.

VẠN LỘC

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/cham-lo-nha-o-cho-ho-chinh-sach-ho-o-vung-thien-tai-a389645.html