Chăm lo tốt hơn cho người lao động

Tháng 5 - Tháng Công nhân hàng năm là cao điểm để tổ chức công đoàn và toàn xã hội quan tâm, chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Năm 2025, Tháng Công nhân càng trở nên có vai trò đặc biệt, là tháng công nhân trong năm đầu tiên người sử dụng lao động, các cơ quan liên quan, nhất là tổ chức công đoàn và công nhân cả nước thực hiện Luật Công đoàn 2024 và Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Đây là hai đạo luật quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn; tạo hành trang pháp lý quan trọng để công đoàn các cấp thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, cũng như đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn của các cơ quan liên quan, để quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động luôn song hành.

Với chủ đề “Giai cấp công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới”, cùng với những hành trang pháp lý vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2024, Tháng Công nhân năm 2025 được hy vọng sẽ tạo ra xung lực mới. Lễ phát động Tháng Công nhân năm nay đã được các cấp công đoàn trong tỉnh tổ chức sôi nổi từ giữa tháng 4 với rất nhiều hoạt động. Cùng với những mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch chung, mỗi công đoàn đều đề ra những nhiệm vụ cụ thể phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, hứa hẹn bảo vệ, chăm lo quyền lợi người lao động cao hơn.

Tuy nhiên, cũng như mọi năm, điều mà nhiều lao động băn khoăn đó là sau Tháng Công nhân ở nhiều doanh nghiệp đời sống công nhân lại phải đối diện với những “khoảng lặng” như môi trường lao động không đảm bảo an toàn; thiếu các hoạt động văn hóa, giải trí ngoài giờ làm việc; người sử dụng lao động không đóng các loại bảo hiểm bắt buộc cho người lao động... Nhất là việc một số chủ doanh nghiệp yêu cầu công nhân tăng ca, gây áp lực để người lao động phải làm việc nhiều hơn, nhưng sự hưởng thụ thì lại không tương xứng...

Vậy nên, chỉ một Tháng Công nhân được tổ chức trong năm có lẽ sẽ là chưa đủ để người lao động được hưởng đầy đủ, dài lâu các phúc lợi đoàn viên. Những hoạt động bảo vệ, chăm lo cho người lao động cần được tổ chức công đoàn phối hợp với chủ doanh nghiệp tổ chức thường xuyên hơn. Nhất là, tổ chức công đoàn phải tăng cường giám sát việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho công nhân tại doanh nghiệp, để hạn chế tình trạng đình công, ngừng việc tập thể hiện đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây.

Cùng với đó, Luật Công đoàn 2024 và Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã quy định cụ thể hơn quyền hạn, trách nhiệm đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động như đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, công trình văn hóa - thể thao, hạ tầng kỹ thuật liên quan phục vụ đoàn viên công đoàn, người lao động. Bên cạnh là tổ chức các hoạt động chăm lo, nâng cao đời sống, văn hóa, tinh thần, cũng như mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện... Những việc này cần được các cấp công đoàn và cơ quan chức năng thực hiện và giám sát thực hiện nghiêm túc. Tháng Công nhân năm 2025 chính là thời điểm để các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động chăm lo, trong đó có việc yêu cầu các chủ doanh nghiệp bắt tay vào thực hiện nghiêm vấn đề này, để Luật Công đoàn 2024 và Luật Bảo hiểm xã hội 2024 từng bước đi vào cuộc sống sau khi có hiệu lực vào tháng 7 tới.

Thái Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/cham-lo-tot-hon-cho-nguoi-lao-dong-247614.htm