Chăm sóc vải thời kỳ ra hoa, đậu quả
Hiện nay, các trà vải thiều đang ra hoa và phân hóa mầm hoa, chuẩn bị cho giai đoạn đậu quả. Đây là thời điểm rất quan trọng trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại, đặc biệt là sâu đục cuống quả vải.
Bởi nếu không phòng trừ kịp thời, sâu bệnh sẽ gây hại ảnh hưởng đến năng suất và phát triển gia tăng sâu ở các giai đoạn sau. Để có được vụ vải thiều năng suất, chất lượng tốt và cho hiệu quả kinh tế cao, cần chú ý thực hiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp.
1. Chăm sóc
- Tỉa cành thông thoáng, tỉa cành cả những cây không ra hoa để hạn chế các đối tượng sâu trú trên cây và vệ sinh vườn.
- Sau mỗi đợt bón phân, trong các đợt lộc hình thành cần tưới ẩm cho cây. Chú ý khi tưới nước cần tưới làm nhiều lần, không tưới sũng nước hoặc xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây vải thiều. Tưới lúc trời mát hoặc ban đêm, không tưới vào lúc trời đang nắng hoặc nắng to.
- Sau khi cây vải tắt hoa, bà con cần bổ sung phân bón kịp thời. Sử dụng các loại phân bón dễ tan, có hàm lượng NPK cân đối như phân Việt Nhật, Đầu Trâu, Hà Lan… rắc xung quanh hình chiếu tán cây, tưới nước để cho phân bón ngấm xuống đất.
2. Phòng trừ sâu bệnh
- Các đối tượng sâu gây hại vải thiều trong giai đoạn này gồm: Sâu đo, sâu róm, sâu đục nụ hoa, bọ xít... Do đó nông dân có thể phun trừ bằng một trong những loại thuốc như: Becstox 5 EC, Cyperan 10 EC, Sixtoc 700EC, hoạt chất Abamectin nước trong... Giai đoạn này cần phun định kỳ để phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại trước khi hoa nở và sau khi hình thành quả non. Đối với diện tích vải thiều đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bị cấm theo quy định. Riêng đợt phun sau khi hoa tàn, hình thành quả non thì khuyến cáo nên rung cành để các tàn hoa còn bám lại trên cây rụng hết sau đó mới tiến hành phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.
+ Để phòng trừ sâu đục cuống quả vải lứa 2 đạt hiệu quả cao, ngay sau khi cây vải tắt hoa, cùng với việc thực hiện các biện pháp tỉa cành thông thoáng thì sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Emamectin hoặc Abamectin… để phun trừ sâu trưởng thành. Do có hiện tượng gối lứa nên nông dân cần phun 2 lần, phun lần thứ 2 cách lần thứ nhất 5-6 ngày để bảo đảm hiệu quả cao. Nên phun thuốc vào buổi chiều mát. Phun kỹ trên tán lá, trong tán cây, trên cành cấp 2, cấp 3 vì trưởng thành sâu đục cuống quả vải tập trung ở trong tán cây, trên cành cấp 2, cấp 3.
- Thời tiết giai đoạn chuyển mùa có các đợt nắng mưa xen kẽ thuận lợi cho bệnh sương mai, thán thư... phát triển, gây hại. Nông dân nên sử dụng một trong các loại thuốc như Amitstatop, Daconil để phun phòng. Sử dụng thuốc theo đúng nồng độ, liều lượng ghi trên bao bì.
TH (tổng hợp)