Chấn chỉnh hoạt động ngoại khóa
Sự việc một phụ huynh tại Hà Nội phản ánh con sau khi tham gia khóa tu mùa Hè phải đi viện kiểm tra sức khỏe đã gây tâm lý lo ngại, hoang mang.
Ngoại khóa theo trào lưu
Mới đây dư luận xôn xao khi một phụ huynh đăng tải lên mạng xã hội bài viết có nội dung về trải nghiệm kinh hoàng trong khóa tu mùa Hè tại chùa Cự Đà (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Theo đó, sau 5 ngày theo khóa tu, phụ huynh phát hiện tay con bị sưng to do bị bạn dùng ghế gỗ đập mạnh; Chùa Cự Đà tổ chức khóa tu cho gần 600 người với điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn…
Hiện nay, các khóa tu mùa Hè thu hút nhiều học sinh tham gia tại nhiều tỉnh, thành phố, và đa số không mất phí. Phụ huynh có thể tìm các khóa tu trên mạng xã hội và việc đăng kí tham dự khá dễ dàng. Bên cạnh đó, các trại hè có học kĩ năng của các tổ chức hội, nhóm cũng nở rộ theo nhu cầu của nhiều gia đình có con em trong độ tuổi thiếu niên.
Ngoài ra, khóa tu mùa Hè phần nào đáp ứng nhu cầu của phụ huynh khi mong muốn trong hè con em có nơi học, chơi và tham gia các hoạt động ý nghĩa. Nhưng chính sự nở rộ quá nhanh, lợi nhuận thu về lớn cho những người tổ chức khiến một số khóa tu bị trục lợi.
PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm hợp tác đào tạo bồi dưỡng, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết: Có nhiều quy định khác nhau liên quan đến việc tổ chức các hoạt động giáo dục kĩ năng, giá trị sống.
Ví như muốn được cấp phép tổ chức các khóa giáo dục kĩ năng, giá trị sống phải có sự chấp thuận của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT. Tuy nhiên, khóa tu là hình thức mới, không liên quan đến đơn vị quản lý giáo dục hay câu chuyện đơn vị cấp phép mà chỉ là hình thức hoạt động của cơ sở tôn giáo nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Vì thế, các cơ quan quản lý muốn tham gia hay vào cuộc cũng không dễ.
Điều này cũng trở thành kẽ hở để nhiều người lợi dụng uy tín nhà chùa đứng ra thu hút học viên là các học sinh, dẫn đến công tác quản lý khó khăn. Do đây là hình thức mới nên những đơn vị chức năng và người làm công tác quản lý cần để ý để có hình thức chấn chỉnh các hoạt động ngoại khóa. Cụ thể, cần rà soát những khóa tu kém chất lượng, hiệu quả giáo dục… để ngăn chặn và không để biến tướng, trở thành hình thức kinh doanh lợi nhuận.
Hiện nay, để quản lý một trung tâm giáo dục kĩ năng sống, cấp phép kinh doanh thì liên quan đến Sở Kế hoạch và Đầu tư; nội dung thuộc trách nhiệm của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT. Song không có một cơ quan nào thực sự giám sát các trung tâm này. Có nghĩa là cấp phép xong rồi thôi, không hậu kiểm.
Điều này dẫn đến nhiều khóa tu, học kĩ năng sống, các khóa học kì quân đội gặp rất nhiều vấn đề bởi không thể giám sát kiểm tra. Học sinh tham gia không đạt được mục tiêu cha mẹ và các em kì vọng, mất tiền, thời gian, ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần. Do đó, cần sớm xây dựng văn bản tư vấn pháp lý liên quan đến các hoạt động tổ chức đào tạo giáo dục kĩ năng sống.
Cho con mùa Hè hạnh phúc
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, do chưa có hành lang pháp lý để giám sát chất lượng nên gây khó khăn cho cha mẹ khi lựa chọn các khóa học hè cho con. Tuy nhiên, cha mẹ cần có nhận thức đầy đủ về các khóa học này.
Điều thứ nhất cần chú ý đến mục tiêu cho con đi các khóa học mùa Hè. Hiện có nhiều cha mẹ thấy mùa Hè là thời gian con rảnh rỗi, người lớn bận rộn nên cho con đi bất kì khóa nào để đi làm. Đấy là suy nghĩ không nên vì hoàn toàn có thể đẩy con đến nguy hiểm hoặc bị tham gia các hoạt động không hề thích.
Thứ hai, cha mẹ cần chú ý đến đơn vị tổ chức các khóa học hè, xem đây có phải là đơn vị được cấp phép, có thuộc về cơ sở giáo dục nào không, uy tín ra sao, có vướng dư luận không?
Thứ ba, cần chú ý đến nội dung khóa học đó hướng đến điều gì, các hoạt động vừa sức với con mình không. Nhiều cha mẹ cho con đi học những khóa học khá khắc nghiệt (phải thức khuya dậy sớm, đi bộ quãng đường dài…) không hợp với thể lực của trẻ. Bởi vậy trước khi cho con theo khóa học, cần xem nội dung các hoạt động và sức khỏe của con đáp ứng được không.
Cuối cùng, cha mẹ không nên chạy theo phong trào, càng không thể có suy nghĩ cứ đưa con đi học thì sẽ có trải nghiệm bổ ích. Con chỉ phát triển toàn diện hơn khi tham gia học tập trải nghiệm thường xuyên ngay cả trong gia đình. Gia đình chính là nơi giáo dục, bồi dưỡng kĩ năng sống, giáo dục lòng nhân từ, sự biết ơn… tốt nhất, tốt hơn cả những khóa học mà cha mẹ kỳ vọng.
Đối với trẻ em, bên cạnh việc học tập sử dụng trí óc thì các em cần có thời gian nghỉ ngơi, vì thế mới có thời gian nghỉ hè. Đó chính là thời gian các em được hòa mình với thiên nhiên, các hoạt động thường ngày, giải trí… cân bằng lại sức khỏe và tinh thần. Nhiều cha mẹ sai lầm khi bắt con đi học đủ loại từ kiến thức nghệ thuật tới kĩ năng… khiến trẻ quá tải, thậm chí phản tác dụng giáo dục.
Do đó, khi cho con tham gia các khóa học cha mẹ nên cân đối để vừa sức và mong muốn của con; cho con được chơi mà học trong hạnh phúc, hứng thú. Nếu cha mẹ ép con học, đưa con đi nhiều nơi, tham gia các khóa học nhưng con không hạnh phúc thì đó chắc chắn sẽ phản tác dụng, mất ý nghĩa, hiệu quả giáo dục.
PGS.TS Phạm Mạnh Hà đưa ra lời khuyên: Cha mẹ không nên đặt quá nhiều kì vọng vào những khóa học kỹ năng sống. Rèn luyện kỹ năng sống tốt nhưng những đơn vị tổ chức không hiệu quả thì lại tạo ra môi trường bất lợi, ví dụ như bạo lực, đánh nhau, trẻ sợ hãi, hoảng hốt, lo âu. Do đó, cha mẹ cần nhận thức, gia đình và vai trò của người làm cha mẹ trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục vui chơi, phát triển cho con mới là điều quan trọng.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chan-chinh-hoat-dong-ngoai-khoa-post644755.html