Chấn động livestream: Gen Z lên sóng 2 phút, 2.000 đơn nem chua 'bay màu'
Không cần thương lái, Gen Z 'lên sóng' chốt 2.000 đơn nem chua trong 2 phút – nông sản truyền thống bước vào kỷ nguyên số.
Nhờ tận dụng hiệu quả các nền tảng công nghệ như TikTok Shop, livestream, hay trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều người trẻ đang từng bước thay đổi cách thức tiêu thụ nông sản truyền thống, biến đặc sản quê hương thành sản phẩm triệu view và triệu đơn.
Bỏ phố về quê, khởi nghiệp livestream bán nem chua
Luyện Thị Quyên, sinh năm 2002, cựu sinh viên ngành kỹ thuật điện tử và tin học, người đã từ bỏ hoài bão nơi phố thị để về quê khởi nghiệp với đặc sản nem chua Thanh Hóa.
Bắt đầu với một chiếc điện thoại thông minh và phần mềm chỉnh sửa CapCut Pro, Quyên tự quay video, dựng clip ngắn về quy trình làm nem chua, livestream chia sẻ trải nghiệm sản phẩm và tương tác trực tiếp với người xem.
Không có ê-kíp chuyên nghiệp, không studio hoành tráng, với nền tảng công nghệ sẵn có và khả năng sáng tạo, cô đã tạo nên thương hiệu cá nhân “Quyên Nem - Đặc sản Thanh Hóa” trên Tik Tok Shop.

Ngoài livestream bán hàng, Quyên còn chia sẻ các video ngắn hằng ngày trên nền tảng. Ảnh TikTok
Cô nàng GenZ chia sẻ: “Mình dùng Chat GPT để lên kịch bản video, gợi ý các góc quay, thậm chí hỗ trợ tạo nội dung hàng ngày. AI giúp mình tiết kiệm thời gian, đồng thời luôn theo kịp xu hướng trên nền tảng”.
Việc bán thực phẩm tươi sống như nem chua đòi hỏi phải tối ưu vận chuyển và bảo quản. Quyên đã đầu tư vào máy hút chân không và nghiên cứu kỹ các quy định của nền tảng để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
Đồng thời, cô liên tục cập nhật kỹ năng vận hành gian hàng, tối ưu mô tả sản phẩm và sử dụng dữ liệu tương tác để điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
Chính nhờ khả năng thích nghi nhanh với công nghệ, cùng tinh thần học hỏi và đổi mới, doanh thu của Quyên Nem đã tăng trưởng đột phá từ vài đơn mỗi tuần lên hàng nghìn đơn mỗi tháng.
Hiện tại, khoảng 95-100% doanh thu đến từ TikTok Shop, với mức dao động từ 2 đến 3 tỷ đồng hàng tháng, và có thể đạt đến 4 tỷ đồng vào mùa cao điểm như Tết.
Video dùng gợi ý từ ChatGPT của Quyên đạt 2,5 triệu lượt xem, gần 50.000 tương tác. Ảnh TikTok
Đặc biệt, tháng 9/2024, bằng cách ứng dụng công nghệ số và tư duy bán hàng hiện đại, Quyên đã bán ra 2.000 đơn nem chỉ trong 2 phút livestream trong một phiên hợp tác cùng các KOL khác.
Không còn đơn thuần là bán hàng, GenZ như Quyên đang định hình lại vai trò của mình như những “thương lái số”, kết nối sản phẩm quê hương đến khách hàng bằng video, livestream và AI.
Nhờ công nghệ, mỗi vùng miền có thể trở thành một thương hiệu, mỗi đặc sản quê nhà có thể vươn xa ra thị trường toàn quốc, thậm chí quốc tế.
“Công nghệ không thay thế con người, nhưng là công cụ giúp mình phát triển nhanh hơn, thông minh hơn. Ý tưởng thì có thể cạn, nhưng AI có thể giúp vạch chiến lược từng ngày. Điều quan trọng là biết tận dụng đúng lúc và đúng cách”, Quyên bộc bạch.
Hành trình miến dong lên sàn số của cô gái H'Mông
Không chỉ có đặc sản nem chua Thanh Hóa, miến dong đặc sản thủ công của nông dân Điện Biên từng chịu cảnh “được giá mất mùa, được mùa mất giá” do lệ thuộc vào cách bán hàng truyền thống.
Nhờ cặp vợ chồng trẻ Hạng A Tú và Sùng Thị Bầu tận dụng TikTok Shop để giới thiệu sản phẩm, giờ đây miến dong riềng Sùng Bầu có thể bán 100–200 đơn chỉ trong vài giờ livestream.

Cô gái H’Mông dùng công nghệ lan tỏa câu chuyện miến dong Tây Bắc, thu hút sự yêu mến. Ảnh TikTok
“Điều khó nhất với mình là đường truyền internet không ổn định và thiếu thốn thiết bị công nghệ hiện đại. Ở vùng cao như Điện Biên, điều kiện còn nhiều hạn chế nên tiếp cận với công nghệ cũng là cả một quá trình gian nan", Sùng Bầu chia sẻ.
Không chịu bó buộc trong điều kiện sẵn có, vượt qua những trở ngại ấy, chỉ với một chiếc điện thoại quen thuộc và một vài ứng dụng chỉnh sửa video đơn giản, họ đã từng bước khẳng định vị thế của mình trên các nền tảng số, giúp gia tăng thu nhập và quảng bá sản phẩm địa phương hiệu quả hơn.
Sàn thương mại điện tử, các phiên livestream không chỉ là nơi bán hàng, mà là nơi người trẻ dùng công nghệ kể chuyện, kết nối người tiêu dùng với sản phẩm và người làm ra nó.
Câu chuyện của Quyên Nem hay Sùng Bầu là minh chứng rõ ràng cho việc số hóa đã vươn xa đến các bản làng, giúp người dân khởi nghiệp, trở thành doanh nhân công nghệ, biến nông sản truyền thống thành sản phẩm toàn cầu.