Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiểu thuyết Nguyễn Thế Kỷ

Cách đây không lâu, nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã trình làng tập tiểu thuyết 'Từ Việt Bắc về Hà Nội'.

Đây là tập 3 nằm trong bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” của ông. Trước đó, tập “Nợ nước non” và tập 2 “Lênh đênh bốn biển” đã ra mắt độc giả.

Sách của nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ.

Sách của nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ.

“Nước non vạn dặm” dự kiến có 5 tập. Bộ thiểu thuyết này là một bài ca lớn về một con người vĩ đại: Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Với gần 200 trang, tác giả chia tập 3 thành 5 chương, khắc họa hình tượng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ đầu năm 1941 đến ngày 2-9-1945 - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Chương 1, tác giả khắc họa chân dung Người sau 30 năm đi tìm đường cứu nước trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam. Người và các đồng chí của mình tổ chức cuộc sống trong rừng sâu núi thẳm, xây dựng, tập hợp lực lượng, viết tài liệu “Cách đánh du kích”, tổ chức các lực lượng cứu quốc, thành lập Mặt trận Việt Minh... Người đặt tên suối Lê-nin, núi Các Mác.

Chương 2 là giai đoạn từ Hội nghị Trung ương 8 tháng 5-1941 đến khi Người sang Trung Quốc. Thời gian này, Người liên hệ với cách mạng Trung Quốc để giúp đỡ cách mạng Việt Nam, ra tờ báo Độc Lập, phát động phong trào bình dân học vụ, tổ chức đội vũ trang tập trung, mở các lớp huấn luyện chính trị, quân sự...

Chương 3 là câu chuyện về cuộc đời của Người khi sang Tĩnh Tây, Trung Quốc rồi trở lại Tổ quốc để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Đây là chương rất cảm động với những trang văn khắc họa hình ảnh sống động của Người, tình cảm của nhân dân Trung Quốc đối với Người và giai đoạn lao tù của Người trong nhà tù của chế độ Tưởng Giới Thạch. Đọc chương 3, càng hiểu thêm về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm bất hủ “Nhật ký trong tù”.

Chương 4 là bức tranh cuộc đời Hồ Chí Minh từ khi Người được chính phủ Tưởng Giới Thạch trả tự do tháng 8-1944 và trở lại Việt Nam đến khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945. Người chủ trương đấu tranh vũ trang và thành lập Đội tuyên truyền giải phóng quân.

Chương 5 là câu chuyện cuộc đời Người từ tháng 5-1945 đến Lễ Tuyên ngôn Độc lập, đặc biệt là những tình cảm xúc động của Người dành cho nhân dân Thủ đô trong những ngày Người về Hà Nội.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ cho biết, khi viết tiểu thuyết lịch sử về một con người lịch sử, một trong những thách thức đó là nguồn tư liệu vô cùng phong phú, do đó phải xử lý khối tư liệu khổng lồ đó sao cho khéo, nếu không có khả năng lựa chọn và kết nối tư liệu, không có khả năng đời sống hóa tư liệu thì dễ trở thành người chép lại chính sử một cách máy móc và sẽ cho ra những trang viết vô hồn. Với thái độ cẩn trọng, năng khiếu văn chương, khả năng ngôn ngữ phong phú nên những trang viết về Người của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ vô cùng sinh động, hấp dẫn.

Với tập 3 “Từ Việt Bắc về Hà Nội”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã khắc họa thành công chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chan chứa lòng yêu nước, thương dân vô bờ; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc sâu sắc, khát vọng cao nhất của Người là độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, phương pháp và tư duy cách mạng của Người là “dĩ bất biến ứng vạn biến”; đạo đức của Người là “dĩ công vi thượng”, “chí công vô tư”. Được biết, tập 4 sẽ ra mắt dịp 2-9-2024.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chan-dung-chu-tich-ho-chi-minh-trong-tieu-thuyet-nguyen-the-ky-670053.html