Chân người đàn ông bốc mùi, phải bọc nylon khi vào viện cấp cứu
Người đàn ông ở Hà Nội bị tê bì tay chân nhiều nên đi đến một thầy lang chữa điện châm, mất cảm giác nóng dẫn tới bỏng, gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
![Khi vào viện, cả bàn chân, cổ chân của bệnh nhân bốc mùi, phải buộc gọn trong túi nylon. Ảnh: BSCC.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_119_51407471/2bdf76df4991a0cff980.jpg)
Khi vào viện, cả bàn chân, cổ chân của bệnh nhân bốc mùi, phải buộc gọn trong túi nylon. Ảnh: BSCC.
Bác sĩ Dương Minh Tuấn, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân P.V.T. (68 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng loét nhiễm trùng nặng ở bàn chân trái, có tiền sử đái tháo đường suốt 10 năm.
Đáng chú ý, khi vào viện, cả bàn chân và cổ chân của bệnh nhân bốc mùi hôi, phải buộc gọn trong túi nylon để hạn chế mùi khó chịu.
Khoảng 6 tháng trước, ông T. có triệu chứng tê bì tay chân nên đã tìm đến một thầy lang để chữa bằng phương pháp điện châm. Do mất cảm giác nóng, ông không nhận ra mình bị bỏng sau khi điều trị. Tuy nhiên, người đàn ông chủ quan, không đến bệnh viện kiểm tra mà chỉ chăm sóc vết thương tại nhà, dẫn đến nhiễm trùng lan rộng từ bàn chân lên cổ chân, đối mặt với nguy cơ cắt cụt chi rất cao.
Theo bác sĩ Dương Minh Tuấn, những người dễ bị biến chứng bàn chân do đái tháo đường thường có thời gian bị bệnh lâu; không kiểm soát tốt đường huyết; biến dạng bàn chân như móng quặp, chai chân, khớp cứng...
Vì vậy, bác sĩ Tuấn cho hay bệnh nhân đái tháo đường cần phải biết cách chăm sóc bàn chân. Đây là việc làm rất quan trọng để phòng ngừa biến chứng, đặc biệt là loét chân.
Dưới đây là những lưu ý quan trọng:
Kiểm tra bàn chân hàng ngày
Quan sát kỹ bàn chân, đặc biệt là giữa các ngón chân, để phát hiện vết loét, vết nứt, vết bầm tím hoặc nhiễm trùng. Nếu mắt kém hoặc khó quan sát, có thể dùng gương soi hoặc nhờ người thân kiểm tra giúp.
Vệ sinh và dưỡng ẩm đúng cách
Hàng ngày, người bệnh nên rửa chân bằng nước ấm (không quá 37 độ C) và xà phòng nhẹ, tránh ngâm chân lâu.
![Bác sĩ Tuấn cho hay bệnh nhân đái tháo đường cần phải biết cách chăm sóc bàn chân. Ảnh: BSCC.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_119_51407471/f7519851a71f4e41170e.jpg)
Bác sĩ Tuấn cho hay bệnh nhân đái tháo đường cần phải biết cách chăm sóc bàn chân. Ảnh: BSCC.
Dùng khăn sạch lau khô thật kỹ, đặc biệt giữa các ngón chân để tránh nhiễm nấm. Thoa kem dưỡng ẩm lên da để tránh khô nứt, nhưng không bôi giữa các ngón chân vì có thể gây ẩm và nhiễm nấm.
Cắt móng chân đúng cách
Cắt móng chân thẳng ngang, không cắt sát quá để tránh móng mọc ngược, dùng dũa để mài mịn các cạnh sắc. Nếu móng chân dày hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, nên nhờ nhân viên y tế hỗ trợ.
Bảo vệ bàn chân khỏi tổn thương
Luôn đi giày dép, ngay cả khi ở trong nhà, để tránh giẫm phải vật sắc nhọn. Bệnh nhân mang giày dép vừa vặn, mềm mại, không gây chèn ép. Mang tất cotton hoặc len, tránh tất quá chật hoặc có đường may thô ráp gây cọ xát.
Kiểm soát tốt đường huyết
Duy trì mức đường huyết ổn định để giảm nguy cơ tổn thương thần kinh và mạch máu ở chân. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Khám chân định kỳ
Định kỳ kiểm tra bàn chân tại cơ sở y tế, ít nhất 1-2 lần/năm, hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường. Nếu xuất hiện vết loét, sưng đỏ, đau hoặc nhiễm trùng, cần đi khám ngay để tránh biến chứng nặng.
Bệnh nhân tiểu đường cần đặc biệt chú ý đến đôi chân vì các biến chứng có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc thậm chí hoại tử, phải cắt cụt chi nếu không được xử lý kịp thời.