Chặng đường dài hơi với nông sản Việt, nhìn từ Doveco
Trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam liên tục đối mặt với vòng lặp 'được mùa, mất giá', 'được giá, mất mùa', câu chuyện của Doveco nổi lên như một điểm sáng.

Chiến lược phát triển theo chuỗi giá trị khép kín, từ quy hoạch vùng nguyên liệu, đến thu mua, chế biến, xuất khẩu mang lại thành công cho doanh nghiệp Việt
Đầu tư mạnh vào công nghệ, xây dựng được vùng nguyên liệu lớn và cam kết song hành chặt chẽ với người nông dân là 3 yếu tố cốt lõi quyết định thành công của Doveco. Đây cũng là “con đường” để nâng cao giá trị nông sản Việt, hướng tới phát triển bền vững.
Đầu tư chế biến sâu, mang nông sản Việt ra thế giới
Những ngày đầu tháng 7, Sơn La ngập tràn sắc đỏ tím của mận. Năm nay, mận được mùa, nhưng chín muộn, trùng vào mùa vải, khiến điệp khúc “được mùa, mất giá” lại vang lên. Ven đường Quốc lộ 37, mận chất đầy trong những sọt tre, quả to chen lẫn quả nhỏ, giá chỉ 5.000 đồng/kg, nhưng ít người mua. Tại một điểm dừng nghỉ trên Quốc lộ 37, một cô bé cất giọng khẩn khoản: “Các bác mua giúp cháu, nếu không, cháu đành đổ bỏ”.
Vẫn là Sơn La, nhưng cách đó vài chục cây số, Nhà máy Chế biến rau quả Doveco Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đang hoạt động không ngừng nghỉ. Từng xe tải chở đầy ngô ngọt và xoài liên tục vào ra. Ở đây, không có chuyện nông sản bị bỏ phí hay bán tháo. Tất cả được đưa vào chế biến sâu, để từ đó cho ra các sản phẩm xoài đông lạnh, nước xoài tươi, nước ép dứa, ngô ngọt nguyên hạt đóng hộp...
“Trước kia, vùng đất này chủ yếu trồng ngô, sắn, giá trị thấp, tiêu thụ khó khăn. Nhờ có doanh nghiệp như Doveco vào đầu tư chế biến và bao tiêu sản phẩm, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang cây ăn quả, rau củ có giá trị, sản xuất an toàn, từng bước thoát nghèo và làm giàu”, ông Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu trong ngày 2/7, khi tham dự lễ khánh thành dây chuyền đồ hộp giấy dành cho rau quả với công nghệ Tetra Recart đầu tiên tại Việt Nam.
Dây chuyền là mảnh ghép hoàn thiện trong chuỗi sản xuất khép kín của Nhà máy Doveco Sơn La, phục vụ mục tiêu chế biến sâu cho nông sản Việt, từ khâu sơ chế đến khâu đóng gói. Bằng công nghệ Tetra Recart, rau củ sẽ được đóng gói trong hộp giấy, thay vì lon thiếc, lọ thủy tinh. Hộp giấy cũng là loại bao bì có dấu chân carbon thấp nhất, tính đến nay. Loại này giảm 80% khí thải CO2 trong quá trình sản xuất, vận chuyển so với loại bằng thiếc, thủy tinh và giảm 20% so với vật liệu nhựa.
“Một bắp ngô từ lúc đưa vào dây chuyền sản xuất, cho đến khi ra thành phẩm ngô ngọt đóng hộp, chỉ mất 30 phút”, đại diện Nhà máy Doveco Sơn La chia sẻ.
Ngoài nhà máy Doveco Sơn La, Công ty Doveco còn đang sở hữu 2 trung tâm chế biến rau quả lớn tại Ninh Bình và Gia Lai, tổng công suất của 3 trung tâm lên tới 136.000 tấn sản phẩm mỗi năm, đưa Doveco trở thành doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu rau quả quy mô lớn nhất Việt Nam.
Tiền thân là Nông trường quốc doanh Đồng Giao, doanh nghiệp nhà nước được thành lập từ năm 1955, Doveco từng là biểu tượng của sản xuất tập thể thời kỳ bao cấp. Bước ngoặt lớn đến vào năm 1978, khi đơn vị đầu tư xây dựng nhà máy đông lạnh IQF (Individual Quick Freezing - công nghệ cấp đông nhanh từng sản phẩm riêng lẻ) đầu tiên với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản. Từ đây, Doveco xác định chiến lược phát triển theo chuỗi giá trị khép kín: quy hoạch vùng nguyên liệu - thu mua - chế biến - xuất khẩu, đồng thời mạnh dạn đầu tư công nghệ chế biến, đóng gói hiện đại.
Ngoài công nghệ cấp đông IQF xuất xứ từ Nhật Bản, các trung tâm chế biến của Doveco sở hữu những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, như công nghệ cô đặc và xay nhuyễn nhập khẩu châu Âu; công nghệ phát hiện dị vật; công nghệ đóng gói sản phẩm đông lạnh; công nghệ cắt gọt dứa tự động…, hay mới đây nhất là công nghệ đóng gói rau quả trong hộp giấy Tetra Recart.
Nhờ đầu tư mạnh vào chế biến sâu, sản phẩm của Doveco đã có mặt tại hơn 60 quốc gia, chinh phục các thị trường chất lượng cao như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Brazil, Israel. Riêng sản phẩm ngô ngọt chiếm tới 80% thị phần nội địa.
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Doveco cho biết: “Doveco đang phấn đấu trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành nông sản Việt Nam, là cầu nối giữa thị trường nông sản quốc tế với công ty thương mại, nhà sản xuất, người nông dân và người tiêu dùng trong nước”.

Dây chuyền chế biến nông sản tại Nhà máy Doveco Sơn La
Làm chủ chuỗi giá trị nông sản
Sự nổi lên của Doveco là một ví dụ cho thấy, nếu Việt Nam tập trung đầu tư vào chế biến sâu, nông sản Việt hoàn toàn có thể vừa được mùa, vừa được giá. Tuy nhiên, trên thực tế, sản phẩm rau quả chế biến sâu của Việt Nam còn ít, trong khi sản lượng thu hoạch tươi khá lớn. Năm 2024, trong tổng số 7,12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung, sản phẩm chế biến chỉ đạt hơn 1 tỷ USD, tương đương 14%.
Trong khi nhiều người nghĩ rằng, vốn đầu tư là yếu tố quan trọng để chuyển hướng nông sản vào con đường chế biến sâu, thì vùng nguyên liệu mới là điều khiến các doanh nghiệp “đau đầu” nhất. Theo ông Khuê, chi phí trung bình để xây dựng nhà máy chế biến rau quả khoảng 400 tỷ đồng. Với nhiều doanh nghiệp, con số này không phải vấn đề quá lớn, cũng có doanh nghiệp đã đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng cho nhà máy như vậy. Nhưng điều mà các doanh nghiệp quan tâm trước khi xây dựng là nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy hoạt động ổn định, thường xuyên và lâu dài.
“Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn là yếu tố cốt lõi, quyết định khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ai làm chủ được vùng nguyên liệu sẽ làm chủ được chuỗi giá trị nông sản”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam khẳng định tại một sự kiện vừa diễn ra vào tuần trước.
Tại Việt Nam, vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến rau quả có thể chia làm 2 loại, đó là vùng nguyên liệu phi tập trung và vùng nguyên liệu tập trung.
Vùng nguyên liệu phi tập trung là vùng nguyên liệu truyền thống, sẵn có, do các hộ gia đình nông dân trồng với quy mô nhỏ. Ở đó, các loại rau quả được trồng phân tán, manh mún, nên thường có chất lượng không cao, sản lượng không nhiều. Sau khi tiêu thụ không hết, người dân mới đem bán.
Vùng nguyên liệu này chỉ cung cấp các loại rau quả cho doanh nghiệp mang tính chất mùa vụ, không thường xuyên. Ngay tại Bắc Giang, dù vào mùa vải thiều chính vụ, đại diện Doveco cho biết, sản lượng vải thiều cũng chỉ đủ nguyên liệu cho dây chuyền hoạt động 1,5 - 2 tháng. Tương tự, tại Sơn La, nơi sản lượng xoài ước đạt 100.000 tấn trong năm nay, thì nguồn nguyên liệu xoài cung ứng cho Nhà máy Doveco Sơn La chỉ đáp ứng cho sản xuất trong 1 - 2 tháng.
Ngược lại với vùng nguyên liệu phi tập trung là các vùng nguyên liệu tập trung, nơi rau quả được trồng trong các trang trại, các vùng chuyên canh. Vùng nguyên liệu tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu mua tập trung, cung cấp kịp thời các loại rau quả cho nhà máy chế biến và đảm bảo cho quá trình chế biến diễn ra liên tục.
Với kinh nghiệm sản xuất thực tế, ông Khuê cho biết, để có nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất, mỗi nhà máy chế biến nông sản cần có vùng nguyên liệu tập trung với diện tích khoảng 25.000 - 30.000 ha. Tuy nhiên, ở Việt Nam khó có doanh nghiệp nào sở hữu diện tích nông nghiệp lớn như vậy.
“Vì thế, cách duy nhất để doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định là thực hiện liên kết sản xuất với nông dân thông qua các hợp tác xã, đặc biệt là các hợp tác xã kiểu mới”, ông Khuê chia sẻ.
Ông nói thêm, vùng nguyên liệu của Doveco gồm hơn 5.500 ha do doanh nghiệp sở hữu và hơn 13.000 ha đất liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ nông dân, trải dài khắp trong Nam, ngoài Bắc. Tiêu biểu như vùng trồng dứa 5.000 ha, tập trung tại Ninh Bình, Thanh Hóa, Gia Lai, Hà Tĩnh; vùng trồng chanh dây 3.500 ha, tập trung tại Sơn La và các tỉnh Tây Nguyên; vùng vải 2.000 ha, tập trung liên kết với các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế trong nhiều năm qua, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân không phải lúc nào cũng hòa hợp. Nhiều doanh nghiệp nói rằng, nông dân tự ý phá vỡ hợp đồng, bán sản phẩm cho thương lái bên ngoài khi giá nông sản tăng cao. Ngược lại, nông dân “tố” doanh nghiệp không thực hiện đúng hợp đồng, như không thu mua sản phẩm khi đến vụ thu hoạch mà giá xuống thấp, hoặc chậm điều chỉnh giá khi giá lên cao.
Với Doveco, ông Khuê nói rằng, tình trạng này gần như không còn tồn tại. Để đảm bảo vùng nguyên liệu liên kết sản xuất bền vững, Công ty cung cấp giống, phân bón với giá ưu đãi cho bà con, hoặc khấu trừ vào sản phẩm khi thu hoạch. Trong quá trình canh tác, đơn vị cử cán bộ đến trực tiếp giúp đỡ người dân theo dõi, giám sát, hướng dẫn quá trình sản xuất đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Đặc biệt, đến mùa thu hoạch, nếu giá thị trường cao hơn giá đã ký kết, đơn vị sẽ thu mua theo giá thị trường. Ngược lại, giá thị trường thấp hơn giá ký kết, Công ty sẽ mua theo giá trong hợp đồng. Ví dụ, có thời điểm, Doveco ký với các hộ dân trồng chanh leo ở Lai Châu giá thu mua là 12.000 đồng/kg. Sau đó, khi giá xuống chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/kg, Công ty vẫn thu mua với giá 12.000 đồng/kg như đã ký kết.
“Điều quan trọng khi làm với nông dân là trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp phải nhận phần thiệt về mình để giữ chữ tín. Làm thế, thì người dân mới tin mình và mới có thể hợp tác lâu dài, hiệu quả. Việc nông dân tin tưởng sẽ là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp xây dựng, mở rộng những vùng nguyên liệu khác sau này”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Doveco nhấn mạnh.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chang-duong-dai-hoi-voi-nong-san-viet-nhin-tu-doveco-d323842.html