Nông nghiệp Hải Phòng 'cất cánh' sau sáp nhập
Sau hợp nhất với Hải Dương, kinh tế nông nghiệp của Hải Phòng đang có những động lực mới, được kỳ vọng sẽ kết hợp các lợi thế của Hải Dương và Hải Phòng (cũ) để thu hút đầu tư, tạo ra chuỗi hoạt động sản xuất, chế biến nông sản hiện đại với giá trị gia tăng cao…

Vải thiều Thanh Hà, Hải Phòng là một trong những sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, được nhiều thị trường ưa chuộng
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam, các khu công nghiệp lớn và hệ thống cảng biển, logistics của Hải Phòng (cũ) kết hợp với các vùng nông nghiệp phát triển, sản xuất hàng hóa tập trung của Hải Dương sẽ tạo thành một chuỗi sản xuất, xuất khẩu nông sản đồng bộ, có giá trị gia tăng cao, thu hút vốn FDI từ các quốc gia phát triển.
Mô hình hoàn thiện sẽ giúp tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng (mới) không chỉ dựa vào công nghiệp, mà còn tạo ra nền tảng bền vững từ nông nghiệp công nghệ cao. Trở thành địa phương phát triển kinh tế nông nghiệp - công nghiệp tích hợp.
Trong đó, Hải Dương sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh là vùng chuyên canh nông nghiệp lớn về rau, màu, cây ăn quả như các thương hiệu “vựa” rau tại huyện Gia Lộc, đặc sản ổi, vải thiều (Thanh Hà), na (Chí Linh), nếp cái hoa vàng (Kinh Môn), 351 sản phẩm OCOP, các sản phẩm ứng dụng VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ cùng kỹ thuật phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ đã được đúc rút kinh nghiệm từ lịch sử kết hợp khoa học nông nghiệp hiện đại. Năm 2024, giá trị sản xuất nông nghiệp Hải Dương ước đạt gần 22.940 tỷ đồng, đạt 99,3% kế hoạch, tăng 1,9% so với năm 2023.
Nông nghiệp Hải Phòng (cũ) cũng đang có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển trong lĩnh vực chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, và liên kết theo chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản như tôm, cá rô phi, cá chép, ngao tại Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và các vùng ven đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải. Thành phố cũng đã có kế hoạch đầu tư khoảng 375 tỷ đồng mỗi năm hỗ trợ phát triển nông nghiệp từ 2026 đến 2030.
Đặc biệt là hạ tầng logistics của Hải Phòng với hệ thống kho, bãi đã và đang được đầu tư phát triển hiện đại, gồm cả những hệ thống cảng cạn (ICD), kho lạnh, khô, giúp bảo quản nông sản tốt, có thể mở rộng tiềm năng công nghiệp tạo ra sản phẩm nông sản chế biến sâu, đảm bảo chất lượng quốc tế, xuất khẩu với giá trị gia tăng cao.
Các trụ cột phát triển kinh tế nông nghiệp như đất, nguồn vốn, chính sách của Hải Phòng mới sẽ có rất nhiều thay đổi tích cực sau sáp nhập.
Trong đó, không gian và diện tích thành phố được mở rộng là điều kiện đặc biệt hấp dẫn để Hải Phòng đồng bộ hóa quy hoạch, thúc đẩy tích tụ đất đai, phát triển đại điền, thu hút đầu tư vào các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nuôi trồng lúa, rau, trái cây, thủy sản.
Quá trình sáp nhập cũng tạo thêm nhiều cơ hội kết hợp bổ sung, bổ trợ sản xuất nông sản như kết nối các vùng trồng cây ăn quả ở Thanh Hà (Hải Dương) với cơ sở chế biến, nhà máy sơ chế, đóng gói (cắt, rửa, sấy lạnh, cấp đông) tại khu công nghiệp Nam Sách, An Dương (Hải Phòng) giúp giảm chi phí logistics và tổn thất sau thu hoạch.
Phát huy, tận dụng cơ sở hạ tầng của Hải Phòng và vùng nguyên liệu của Hải Dương sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy các nhà đầu tư định hướng xây dựng các tổ hợp chế biến quy mô lớn. Tăng khả năng thu hút FDI vào các lĩnh vực chế biến sâu sản phẩm nông sản, xuất khẩu với chất lượng quốc tế và giá trị gia tăng cao.
Các thế mạnh đặc trưng của thành phố cảng Hải Phòng sẽ được phát huy hiệu quả hơn nữa. Trong đó, hệ thống cảng biển quốc tế (Lạch Huyện, Đình Vũ) cùng hạ tầng đường cao tốc và đường sắt đã và đang được đầu tư mạnh, luôn sẵn sàng năng lực tốt nhất phục vụ xuất khẩu nông sản của cả vùng, cũng như toàn miền Bắc.
Điều đó cũng tạo tiền đề quan trọng để Hải Phòng tăng sức thu hút đầu tư trong công nghiệp xây dựng hệ thống logistics nông nghiệp chuyên dụng (trạm trung chuyển lạnh, kho thông minh). Đa dạng hóa năng lực logistics, dịch vụ cảng, khắc phục tốt tình trạng nông sản thường xuyên bị hư hỏng, gây thất thoát rất lớn trong quá trình vận chuyển mỗi khi vào vụ thu hoạch.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc hình thành thành phố Hải Phòng mới không chỉ là quyết định lịch sử mang lại hiệu quả về quản lý hành chính của quốc gia, mà còn là cơ hội lịch sử để Hải Phòng xây dựng một nền nông nghiệp tích hợp vùng hiện đại, có tính cạnh tranh và bền vững cao.
Hải Phòng mới hoàn toàn có thể trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu nông sản công nghệ cao hàng đầu miền Bắc trong thập kỷ tới nếu có chính sách tốt, đảm bảo cải cách mạnh mẽ thể chế điều phối liên vùng, tận dụng tối đa lợi thế về quy mô và cơ sở hạ tầng, đầu tư mạnh vào chế biến sâu, logistics nông nghiệp, chuyển đổi xanh.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nong-nghiep-hai-phong-cat-canh-sau-sap-nhap.htm