Chàng lập trình viên trẻ dùng công nghệ mở ra tương lai cho bản thân và cộng đồng người khiếm thị

Trần Việt Hoàng (sinh năm 2000) là tân cử nhân ngành Khoa học máy tính, Đại học Fulbright Việt Nam. Vượt lên nghịch cảnh khi đôi mắt mất dần ánh sáng, chàng trai gốc Hà Tĩnh không chỉ dùng công nghệ mở ra tương lai cho bản thân mà còn chung tay tạo nên nhiều dự án ý nghĩa cho cộng đồng người khiếm thị với khao khát được trả ơn cuộc đời.

Trần Việt Hoàng (sinh năm 2000) là tân cử nhân ngành Khoa học máy tính, Đại học Fulbright Việt Nam.

Trần Việt Hoàng (sinh năm 2000) là tân cử nhân ngành Khoa học máy tính, Đại học Fulbright Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên tại quê nhà Hà Tĩnh, tuổi thơ của Việt Hoàng là những năm tháng ngược xuôi níu giữ ánh sáng khi được chẩn đoán mắc triệu chứng bong võng mạc. Đến năm 10 tuổi, đôi mắt của Hoàng đã mất đi thị lực nhưng không vì vậy mà cậu chấp nhận buông xuôi. Trái lại, chàng trai cố gắng làm quen hệ chữ nổi Braille với khao khát được tiếp tục con đường học vấn.

Hoàng là diễn giả tại Khóa tu cho người khuyết tật.

Hoàng là diễn giả tại Khóa tu cho người khuyết tật.

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân cùng sự giúp đỡ và chỉ dạy tận tình từ các cô, dì trong Hội Người mù huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), Hoàng đã có thể nắm vững hệ chữ mới chỉ trong một thời gian ngắn. Năm 2019, cậu xuất sắc đạt giải Nhì trong hội thi Đọc - viết nhanh chữ Braille do Hội Người mù tỉnh tổ chức.

Bất chấp những hạn chế về thị lực, Việt Hoàng vẫn ấp ủ một niềm đam mê đặc biệt dành cho công nghệ và máy tính. Chàng trai sinh năm 2000 từng là một trong những học viên xuất sắc nhất lớp tin học văn phòng, do Trung tâm Đào tạo cán bộ, phục hồi chức năng cho người mù phối hợp với Hội Người mù Việt Nam tổ chức. Có lẽ đây cũng chính là những bước đệm giúp Hoàng bén duyên với ngành Khoa học máy tính sau này.

Hoàng tại sự kiện Go With You 2024.

Hoàng tại sự kiện Go With You 2024.

Chàng trai chia sẻ: “Ngoài những yếu tố như đam mê, năng khiếu hay sức hút của ngành học thì một trong những lý do khiến mình đưa ra lựa chọn này là vì mình nhận thấy ở Việt Nam nhìn chung còn ít người khiếm thị học tập và làm việc trong ngành. Do đó, mình muốn trở thành một trong những người tiên phong để: thứ nhất là có thể truyền cảm hứng cho những người khiếm thị khác ở trong nước; thứ hai là có cơ hội chia sẻ lại những kiến thức nền tảng về lập trình để bất kỳ bạn khiếm thị nào có đam mê đều có thể theo đuổi nó.”

Hoàng cùng nhóm thiện nguyện Khát Vọng đi thăm các em học sinh.

Hoàng cùng nhóm thiện nguyện Khát Vọng đi thăm các em học sinh.

Được sự gợi ý, hỗ trợ và khuyến khích từ những người xung quanh, đặc biệt là “mẹ Dung” - cách gọi thân tình của Hoàng dành cho cô Vũ Thị Dung, người sáng lập nhóm thiện nguyện Khát Vọng - đã giúp Hoàng có thêm động lực đăng ký vào trường Đại học Fulbright.

Ban đầu, chàng trai gốc Hà Tĩnh còn đôi chút e ngại vì trường ở tận TP. Hồ Chí Minh, lại giảng dạy bằng tiếng Anh, nhưng sau khi tham gia phỏng vấn, Hoàng cảm thấy rất ấn tượng bởi những thầy cô và bạn bè nơi đây bởi sự thân thiện, nhiệt tình và xuất sắc của họ. Hoàng tin rằng chính ngôi trường này sẽ cho mình cơ hội học hỏi, khám phá nhiều lĩnh vực phù hợp với niềm đam mê của bản thân.

Hoàng trong lễ khai giảng của trường Đại học Fulbright.

Hoàng trong lễ khai giảng của trường Đại học Fulbright.

Đáp lại những nỗ lực bền bỉ của mình, Việt Hoàng đã được Đại học Fulbright hỗ trợ tài chính toàn phần và vinh dự là sinh viên đại diện phát biểu tại buổi lễ khai giảng của trường. Tuy nhiên, trong quá trình học tập, cậu cũng gặp phải những khó khăn nhất định.

Việt Hoàng cho biết: “Mặc dù sự hỗ trợ của công nghệ đã giúp người khiếm thị tiếp cận với tài liệu học tập dễ dàng hơn nhưng đôi khi mình vẫn phải mất rất nhiều thời gian để tìm được những tài liệu phù hợp. Hơn nữa, điều này cũng đòi hỏi mình phải linh hoạt trong việc xử lý tình huống, chủ động hỏi các thầy cô và bạn bè, đồng thời nỗ lực thu thập tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau để kịp thời đảm bảo việc học.”

Một vấn đề khác mà Hoàng phải đối mặt đó là khó khăn về tài chính. Vì nhà không có điều kiện nên cậu phải tự lập lo cho cuộc sống bản thân cũng như hỗ trợ gia đình. Ngay từ năm hai đại học, Hoàng đã bắt đầu đi thực tập và đến năm ba thì chàng trai đã có công việc toàn thời gian để tự trang trải sinh hoạt phí.

Hoàng trong chương trình Ta Tả Tết.

Hoàng trong chương trình Ta Tả Tết.

Bên cạnh đó, Hoàng dành thời gian tham gia nhiều hoạt động xã hội với tâm nguyện trao truyền giá trị. Được biết, Việt Hoàng là thành viên Ban Chủ nhiệm của Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam, với vai trò xây dựng mạng lưới, lên ý tưởng và tổ chức các hoạt động cho sinh viên, học sinh khiếm thị trên toàn quốc.

Xuất phát từ trải nghiệm cá nhân khi vào đại học, Hoàng nhận thấy mình thường gặp trở ngại trong việc sử dụng các thiết bị điện tử vì không thể đọc được các phím bấm cũng như màn hình của mỗi thiết bị. Qua khảo sát, cậu phát hiện nhiều người khiếm thị cũng gặp những khó khăn giống mình nên nảy ra mong muốn xây dựng một ứng dụng hỗ trợ giải quyết vấn đề này. Vậy nên Hoàng đã cùng bạn của mình là Trần Nguyễn Hoàn Nhi đã lên ý tưởng và bắt tay vào phát triển ứng dụng điện thoại HNVision - một ứng dụng điện thoại tích hợp AI để hỗ trợ người khiếm thị sử dụng thiết bị gia dụng.

Hoàng trực tiếp đứng lớp dạy lập trình cho các bạn trẻ có đam mê.

Hoàng trực tiếp đứng lớp dạy lập trình cho các bạn trẻ có đam mê.

Ngoài việc duy trì và phát triển dự án HNVision, công việc chính hiện tại của Hoàng là lập trình viên cho một công ty ở Sài Gòn. Đồng thời, Hoàng còn trực tiếp đứng lớp dạy lập trình và là người đầu tiên ở Việt Nam mở lớp dạy lập trình cho người khiếm thị. Được biết, hiện đã có hơn 40 học viên khiếm thị theo học và hoàn thành xuất sắc khóa học. Nhiều học viên cũng đã chọn theo đuổi ngành Công nghệ thông tin ở bậc đại học sau khi tham gia khóa học này.

Gần đây, chàng trai cũng vừa xây dựng cho mình kênh TikTok Hoàng Sáng Tâm và nhận được sự hưởng ứng tích cực chỉ sau vài ngày ra mắt. Việt Hoàng cho biết mục đích tạo kênh nhằm chia sẻ hai điều. Thứ nhất là để giúp những người xung quanh hiểu hơn về người khiếm thị như lối sống, cách sinh hoạt và suy nghĩ của họ. Thứ hai là mong muốn từ câu chuyện thực tế của bản thân có thể truyền được động lực, năng lượng tích cực cho người xem.

Chàng trai nhắn gửi: “Thứ quý giá nhất sau những năm đại học với mình là kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và những mối quan hệ tốt chứ không phải là các thành tích mà mình đạt được. Mong rằng các bạn sinh viên sẽ luôn tự tin vào bản thân, vững bước tiến về phía trước, bởi không gì là không thể”.

(Ảnh do nhân vật cung cấp)

Một số thành tích học tập và hoạt động nổi bật:

Giải Nhì cuộc thi Thuyết trình, hùng biện do Mạng lưới sinh viên Việt Nam tổ chức năm 2023;
Giải Nhất Đọc - viết nhanh do Hội Người mù huyện Can Lộc tổ chức năm 2023;
Học bổng Wheel Card của Doanh nhân Kunho phối hợp với Đại học Fulbright Việt Nam năm 2021, 2022;
Học bổng The Light From Within đến từ tổ chức cùng tên năm 2021;
Giải Ba cuộc thi Nghiên cứu về văn hóa Việt Nam - khoa Việt Nam học, Đại học Fulbright Việt Nam năm 2021;
Tham gia chương trình đào tạo doanh nhân khởi nghiệp do Hội đồng Anh và Tổ chức Doanh nghiệp xanh (GEF) tổ chức năm 2021;
Học bổng và chương trình đào tạo thực tập sinh của tập đoàn Kiểm toán Deloitte năm 2021;
Ban Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam;
Tình nguyện viên, cố vấn tại Quỹ hỗ trợ trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn mang tên Khát Vọng;
Ban Tổ chức sự kiện “Thắp sáng tương lai” cho học sinh, sinh viên khiếm thị do Câu lạc bộ Step - Đồng hành cùng người khiếm thị tổ chức;
Sáng lập và điều hành dự án Inner Light Việt Nam - đưa các công nghệ hỗ trợ mới nhất đến với người khiếm thị Việt Nam, xây dựng kênh podcast để truyền cảm hứng cho người khiếm thị;
Kết hợp với Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng (TP. Hồ Chí Minh) mở lớp dạy lập trình kết hợp.
Khách mời chia sẻ tại chương trình “Vầng trăng cổ tích”, Đài truyền hình Quốc hội.

Uyên Nhã

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/chang-lap-trinh-vien-tre-dung-cong-nghe-mo-ra-tuong-lai-cho-ban-than-va-cong-dong-nguoi-khiem-thi-post1648839.tpo