Chàng trai vẽ thư pháp bằng công nghệ hiện đại: Từng viết trên giấy báo cũ, giã nát trái mồng tơi để lấy mực
Nổi tiếng với biệt danh 'ông đồ 4.0', Đỗ Nhật Thịnh đã sáng tạo trong thư pháp bằng cách ứng dụng trên chất liệu tự nhiên, kết hợp biểu diễn thư pháp với công nghệ hiện đại.
Là một người có niềm đam mê to lớn với thư pháp, yêu văn hóa và nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, Đỗ Nhật Thịnh (23 tuổi, ngụ tại Đà Nẵng) đã theo đuổi thư pháp Việt hơn 14 năm.
Chân dung "ông đồ 4.0".
Bài liên quan
An Giang lại áp dụng quy định cấm ra đường ban đêm
Bị chê “khốn nạn”, doanh nhân đâm đơn kiện sugar baby ‘bất động sản’
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó với mưa lũ tại khu vực Trung Bộ
Khoảng 1,5 triệu người dân khó khăn chưa nhận được gói hỗ trợ đợt 3
Không đơn thuần là vẽ thư pháp bằng mực tàu giấy đỏ, Nhật Thịnh đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm được vẽ trên nền chất liệu tự nhiên như đá, lá cây, gỗ… Ngoài ra, “ông đồ 4.0” còn ứng dụng nghệ thuật thư pháp vào các loại hình biểu diễn có sự kết hợp với âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng LED để tăng sự mới mẻ, giúp thư pháp trở thành môn nghệ thuật để xem mà còn để nghe và hiểu bằng các giác quan, cảm đặc biệt hơn.
“Theo mình, thư pháp đổi mới là điều tất yếu. Có thể thấy, bài thơ ông đồ có câu: “Ông đồ vẫn ngồi đấy, qua đường không ai hay”. Có nghĩa là nền thư pháp nước nhà trong thời gian đó đã dần bị mai một do nó không có sự đổi mới, mới lạ. Vì thế, ngày nay, người chơi thư pháp không chỉ viết trên mực tàu, giấy đỏ mà còn triển khai, ứng dụng trên các chất liệu, loại hình nghệ thuật khác nhau để thu hút người xem”, Thịnh nói thêm.
Thư pháp được Thịnh ứng dụng vẽ trên gỗ.
Chia sẻ về chặng đường đam mê nghệ thuật, Thịnh cho biết mình bén duyên với thư pháp khi còn học lớp 1. Khi thấy dòng chữ Việt trên những tờ báo, tờ lịch được viết bằng bút lông, mực tàu vô cùng uyển chuyển, Thịnh đã vô cùng tò mò, muốn tìm hiểu thử bộ môn nghệ thuật thư pháp. Càng tìm hiểu, Thịnh càng thích thú hơn khi nhận ra được giá trị của nghệ thuật truyền thống và muốn góp một phần nhỏ công sức của mình để tô thêm vẻ đẹp, lan tỏa giá trị của môn nghệ thuật thư pháp đến với thế hệ hiện tại và sau này.
Nhật Thịnh kết hợp biểu diễn thư pháp với LED, âm nhạc,… để thu hút người xem.
Theo đuổi thư pháp từ khi còn là một cậu bé 6 tuổi, Thịnh cho biết mình đã gặp khá nhiều khó khăn trong quãng thời gian đầu.
“Lúc đó mình còn rất nhỏ, việc cầm bút còn chưa vững và hơn hết là mình gặp nhiều khó khăn về tài chính. Lúc đó mình không có tiền để mua bút, mực hay giấy. Giấy thì mình phải mua giấy báo cũ để tái sử dụng hay dùng đỡ vở ô li. Nếu không đủ tiền mua mực, mình phải dùng trái mồng tơi rồi giã nát ra để viết”, Thịnh chia sẻ.
Chàng trai 9X từng đi biểu diễn ở nhiều sân khấu trong và ngoài nước.
Nhật Thịnh đã từng tham gia rất nhiều chương trình biểu diễn thư pháp, các chương trình, triển lãm tặng chữ trong nước và ở nước ngoài. Đây được xem như một cơ hội để Thịnh chia sẻ những giá trị truyền thống, những cái hay của nền thư pháp Việt đến với công chúng.
“Mình nhớ mãi cái lần được gặp hai vợ chồng bị khuyết tật, họ không thể nói được. Từ xa, hai vợ chồng nhìn vào gian hàng thư pháp của mình và họ thấy thích thú, thế nhưng họ không thể nói ra. Nhìn thấy ánh mắt thích thú ấy, mình đã đưa tay ra mời thì họ chạy lại gian hàng của mình ngay lập tức. Mình đã tặng cho họ bức thư pháp và chiếc móc khóa trên tay có viết chữ thư pháp, thay cho lời cảm ơn vì họ đã quan tâm đến bộ môn nghệ thuật này, để an ủi động viên họ nỗ lực hơn trong cuộc sống”, Thịnh kể lại.
Nhiều tác phẩm của Nhật Thịnh để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Nếu nói về cái hay của thư pháp, Thịnh cho rằng phải mất nhiều trang giấy mới có thể liệt kê hết. Thịnh luyện được sự bình an trong tâm hồn, giải tỏa được những căng thẳng trong cuộc sống. Khi đặt bút xuống, Thịnh cảm thấy cuộc sống an nhiên, suy nghĩ thông suốt hơn, những mục tiêu, dự định gần như mở ra một cách hoàn hảo.
“Trên thị trường hiện nay, thư pháp vừa mang giá trị vật chất, vừa mang giá trị tinh thần. Có nhiều người dùng thư pháp để kiếm thêm thu nhập, cũng có nhiều người xem nó như một điều giúp tâm hồn an yên hơn. Đây là những giá trị tinh thần không thể đong đếm bằng vật chất. Ví dụ như có những người họ gặp vấn đề trong cuộc sống, họ có mong muốn có được những chữ thư pháp để cảm thấy thoải mái hơn. Thông quá đó, có thể giúp họ nhận được may mắn, thuận lợi khi lắng nghe những chia sẻ, lời hay ý đẹp trong những tác phẩm thư pháp đó”, Thịnh nói.
Sắp tới, Thịnh sẽ cho ra mắt trang web thuphapviet.vn,để chia sẻ, tổng hợp những điều thú vị, nét đẹp của thư pháp đến mọi người.
Một số tác phẩm thư pháp độc đáo của Nhật Thịnh: